Lan tỏa nét đẹp của chiếc khăn Piêu

Sinh ra ở vùng đất gắn liền với núi rừng, ngay từ khi mới 13, 14 tuổi, chị Đủ Thị Ủa đã học dệt vải, thêu khăn Piêu và tự may những trang phục của mình. Chính điều này đã giúp cho chị hình thành niềm đam mê với nghề thủ công của thế hệ trước truyền lại. Trong mỗi bản làng, tiếng phụ nữ và trẻ con cười nói ríu rít hòa vào từng đường kim, mũi chỉ và thoăn thoắt trên đôi bàn tay thêu những chiếc khăn Piêu, là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái đen.

Ý thức và với mong muốn giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình, chị Đủ Thị Ủa luôn coi mỗi sản phẩm do tay mình làm ra, đặc biệt là chiếc khăn Piêu luôn chứa đựng trong đó cả tâm hồn và nhiệt huyết của người phụ nữ dân tộc.

 Chị Đủ Thị Ủa đang dệt khăn.

Đến sinh sống tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được 3 năm nhưng người phụ nữ này đã góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình đến với du khách khắp mọi miền đất nước.

Trong ngôi nhà mang nét đặc trưng của dân tộc Thái ở Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhìn đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt của chị Đủ Thị Ủa đang dệt khăn, chúng tôi hiểu rằng, chị đang gửi gắm tinh hoa của núi rừng, của bản làng vào mỗi sản phẩm.

Chị Đủ Thị Ủa cho biết: Khăn Piêu là sản phẩm thể hiện sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ và khả năng thêu thùa của phụ nữ dân tộc Thái. Đây cũng là nét độc đáo tạo nên bản sắc trong trang phục của người Thái đen.

Để hoàn thành một chiếc khăn Piêu phải mất rất nhiều thời gian bởi các công đoạn đều được thực hiện thủ công. Tuy tốn công sức vào mỗi sản phẩm nhưng với chị Đủ Thị Ủa thì điều này không gây trở ngại hay khó khăn bởi thời gian hoàn thành nhanh hay chậm không quan trọng bằng việc chiếc khăn đó có đẹp không, đường kim mũi chỉ có đều không và đặc biệt có để lại ấn tượng với du khách.

Nét thăng trầm trong từng đường kim, mũi chỉ

Nhà thơ Lữ Mai đã từng có nhiều chuyến công tác đến với đồng bào dân tộc Thái đen và tìm hiểu về chiếc khăn Piêu cho biết: Khăn Piêu là biểu tượng văn hóa của đồng bào của dân tộc Thái đen đang có nguy cơ thất truyền. Hồi đi Mộc Châu (Sơn La), tôi có đến bản Dọi. Ở bản này, cộng đồng người Thái đen vẫn giữ được tục thêu khăn Piêu, họ làm không phải để bán mà để làm quà cho con gái về nhà chồng. Số lượng khăn tùy thuộc vào số lượng anh em nhà chồng có bao nhiêu người thì họ đem về bao nhiêu chiếc, thường thì khoảng 100 chiếc. Vì vậy, các thiếu nữ phải học thêu từ rất sớm để đến tuổi lấy chồng mới có đủ khăn Piêu đem về nhà chồng. Các em nữ bây giờ chủ yếu phải đi học nên không còn nhiều em biết thêu khăn Piêu. Công việc này bây giờ thuộc về bà và mẹ. Vì vậy, đến với bản dân tộc Thái đen thì sẽ nhìn thấy hình ảnh người thêu khăn Piêu chủ yếu là những phụ nữ nhiều tuổi, họ tranh thủ thời gian rảnh thì thêu khăn, thường là vào buổi tối khi mọi việc nhà đã hoàn tất.

Thiếu nữ dân tộc Thái đen với chiếc khăn Piêu. Ảnh: Mai Lữ. 

“Tôi đã từng mua gần 100 chiếc khăn Piêu, lúc mua thì đồng bào không muốn bán nhưng vì họ quý mình thì họ bán cho 1 vài chiếc để làm kỷ niệm. Khi mang về, tôi đặt 100 chiếc khăn cạnh nhau thì thấy khác nhau hoàn toàn. Tôi nhớ lại khoảng thời gian 1 tuần ở bản Dọi cùng với bà con thì thấy rằng, từng chiếc khăn Piêu dường như hiện số phận của từng người phụ nữ. Không phải chiếc khăn nào cũng đẹp, có những chiếc khăn của các thiếu nữ mới tập thêu thì đường kim mũi chỉ còn vụng về; còn có những khăn đẹp nhưng ẩn hiện trong đó một nỗi buồn, sự vất vả, cực nhọc của người phụ nữ…Từ hình ảnh của chiếc khăn Piêu, tôi đã viết nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ về nét văn hóa đặc sắc của người phụ nữ dân tộc Thái đen”, nhà thơ Lữ Mai nhấn mạnh.

Đặc điểm của chiếc khăn Piêu không giống nhau nếu như không phải thêu công nghiệp để bán tại các hội chợ du lịch. Nếu chú ý, người xem thấy rằng, chiếc khăn Piêu không có cái nào giống nhau, cho dù trong quy ước chỉ có mấy họa tiết cụ thể; có những chiếc khăn màu sắc rất sặc sỡ; có những chiếc khăn màu tím thẫm nhìn vào rất sâu lắng…

Khăn Piêu không chỉ là biểu trưng của dân tộc Thái đen mà còn thể hiện sự cần cù, nhẫn nại và đời sống tinh thần của người phụ nữ nơi đây. Dường như mọi sự vui, buồn, sướng, khổ…đều thể hiện rất rõ trên đường thêu của chiếc khăn. Họ gửi gắm rất nhiều điều trong chiếc khăn, chẳng hạn như khăn của những thiếu nữ chưa chồng thì âm hưởng gam màu khác với những phụ nữ đã có gia đình và những người phụ nữ nhiều tuổi đã trải qua thăng trầm trong cuộc đời.

Hình ảnh của chiếc khăn Piêu còn được nhạc sĩ Doãn Nho viết thành bài hát vào năm 1956 và được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện. Ca sĩ Tùng Dương đã thổi luồng gió mới cho ca khúc "Chiếc khăn Piêu”, để hòa nhịp với cuộc sống đương đại ngày hôm nay. Với bản phối mới, nam ca sĩ đã làm sống lại một tác phẩm hơn nửa thế kỷ trước, đoạt giải Bài hát yêu thích của năm 2012.

Chiếc khăn Piêu, một sản phẩm mang nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái đen, đã đi vào thi, ca, nhạc họa của biết bao nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nên cần phải được giữ gìn và phát huy giá trị.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN