Thiếu hoạt động, người dân bỏ thói quen sinh hoạt cộng đồng
Làm công tác biên đạo múa gần 20 năm qua, nghệ sĩ Vũ Đức Quang, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang luôn tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu và sáng tạo biên đạo, dàn dựng các tiết mục, tác phẩm múa dân gian của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang cũng như các địa phương khác. Nghệ sĩ Vũ Đức Quang cho biết, nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, song song với tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Tuy nhiên, việc vận động, thu hút nhân lực tham gia các hoạt động phong trào cho cơ sở còn thiếu hụt, nhất là đội ngũ nhân lực trẻ. Nguyên nhân một phần là vì đời sống kinh tế, họ đi làm ăn xa hoặc hạn chế về thời gian để có thể tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị văn hóa nghệ thuật, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên bị xáo trộn, vấn đề tinh giản biên chế cũng khiến việc thu hút tài năng trẻ rất khó khăn; việc xây dựng các chương trình, tiết mục đi biểu diễn phục vụ bà con bị hạn chế; không diễn ra thường xuyên.
 |
Một tiết mục múa tại Hội diễn múa không chuyên toàn quốc năm 2022, tổ chức tại An Giang đầu tháng 6 vừa qua. |
Thẳng thắn nhìn nhận hoạt động văn hóa cơ sở, trong nghiên cứu mới đây của PGS, TS Võ Văn Thắng (Trường Đại học An Giang) và TS Nguyễn Trung Hiếu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, hoạt động văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các thiết chế văn hóa (như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa...) ở một số địa phương còn có những bất cập. Các thiết chế và hoạt động văn hóa cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò, chức năng như mong muốn, khiến người dân dần bỏ thói quen tham gia sinh hoạt cộng đồng. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề căn bản nhất là nguồn nhân lực phụ trách văn hóa xã và vận hành các thiết chế văn hóa; chính sách đối với nguồn nhân lực, mô hình và kế hoạch hoạt động...
“Qua các số liệu thực tế, chúng tôi nhận thấy trình độ lãnh đạo và quản lý văn hóa ở nông thôn còn thấp, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Chẳng hạn, nhiều cán bộ phụ trách văn hóa xã chưa đạt trình độ cao đẳng hay đại học; một số địa phương, cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học nhưng không đúng chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Một số địa phương còn có tình trạng cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa không chuyên trách mà là kiêm nhiệm. Do đó thường bị động khi đề ra kế hoạch hoạt động văn hóa phục vụ đời sống người dân địa phương trong thời gian dài; hoặc chưa đề ra được kế hoạch và những biện pháp triển khai. Vấn đề chính sách tiền lương đối với cán bộ văn hóa cấp xã cũng cần được quan tâm. Thiết nghĩ, với mức thu nhập thấp như hiện nay (hơn 2 triệu đồng/người/tháng) thì đội ngũ hoạt động văn hóa cơ sở khó có thể phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong việc đa dạng hóa các hoạt động văn hóa ở cơ sở”, PGS, TS Võ Văn Thắng chia sẻ.
Chính sách phù hợp, khuyến khích sáng tạo
Dưới góc độ nghiên cứu, PGS, TS Võ Văn Thắng đề xuất hai nhiệm vụ cấp bách: Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời có chế độ, chính sách tương đối phù hợp để các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, chất lượng. Qua đó nâng cao đời sống văn hóa-tinh thần, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Hai là, muốn tăng cường hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa cơ sở, đòi hỏi chúng ta phải thiết lập được mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thường xuyên, sáng tạo, phù hợp với đặc thù văn hóa ở mỗi địa phương như dân tộc, tôn giáo... Có như vậy mới đem lại đời sống văn hóa-tinh thần thật sự phong phú cho người dân vùng nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay và thời gian tới.
Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai chủ đề công tác ngành là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa, phát triển nguồn nhân lực của ngành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thực hiện kế hoạch, một số nhiệm vụ trọng tâm, tiêu biểu được tổ chức trong năm như: Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên lần III năm 2022 lồng ghép triển khai chủ đề năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở (tổ chức tại Kon Tum tháng 3); Hội diễn tiếng hát công nhân lao động năm 2022 (tại Bắc Ninh, tháng 7); tổ chức hoạt động truyền thông trong các dịp: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6); Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình... Bên cạnh đó, bộ cũng tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa trong sự phát triển kinh tế-xã hội.
“Việc xây dựng công tác tổ chức cán bộ cũng được lựa chọn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó trong năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2035” và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt”, bà Ninh Thị Thu Hương cho hay.
Bài và ảnh: BẢO LINH