Như vậy, sự khác nhau căn bản giữa việc “viết nội dung” với “kể lại nội dung” là ở "cách kể chuyện" với các kỹ thuật/thủ pháp tương ứng nhằm tạo nên một cấu trúc hình thức độc đáo, giúp cho nội dung được kể trở nên sâu sắc, ấn tượng, giàu sức “quyến rũ” với độc giả. Điều này phụ thuộc vào ý đồ nghệ thuật và sở trường riêng của mỗi nhà văn.
So với hai tiểu thuyết trước đó: "Hoa hậu quê" (1996) và "Đời nghệ sĩ" (2003) thì "Thầy Đàn" (NXB Hội Nhà văn, 2016) là một bứt phá đáng kể của nhà văn Đoàn Ngọc Hà (Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam) ở nghệ thuật tự sự. Với tác phẩm này, Đoàn Ngọc Hà đã đi qua giới hạn của người “kể lại nội dung” để tiến đến trình độ người “viết nội dung”. Nhờ thế, "Thầy Đàn" không chỉ xác lập tư cách “nhà tiểu thuyết” trong đời văn Đoàn Ngọc Hà mà còn để lại ít nhiều dấu ấn ở mảng đề tài về giáo dục và nhà trường. Một trong những yếu tố thuộc về nghệ thuật tự sự, theo chúng tôi, được ông lựa chọn một cách đầy chủ đích, xuyên suốt trong toàn bộ cấu trúc tác phẩm, đó là điểm nhìn trần thuật. Từ việc đan xen đến di chuyển một cách linh hoạt ngôi kể chuyện đã tạo nên sự “đa bội” về điểm nhìn, “đa diện” về hệ thống nhân vật, “đa tầng” về cấu trúc, cho thấy tư duy về đời sống, tư duy nghệ thuật đã chạm tới yếu tố “hiện đại tính” ở tác giả này.
Trong tác phẩm tự sự nói chung, tiểu thuyết nói riêng, “điểm nhìn” là một yếu tố thuộc về kỹ thuật/thủ pháp kể chuyện, thể hiện “ứng xử” của nhà văn với toàn bộ câu chuyện được kể. Việc lựa chọn điểm nhìn với cự ly/khoảng cách trần thuật trong tác phẩm có liên quan tới ngôi/vai kể tương ứng, phản ánh giới hạn hay sự phát triển của nghệ thuật tự sự ở mỗi giai đoạn, mỗi nền văn học khác nhau.
Nhìn từ vận động của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại từ năm 1986 đến nay, có thể thấy đặc điểm chung trong nghệ thuật tự sự: Xu hướng “đa bội điểm nhìn”. Tức là hiện tượng tác giả cùng lúc sử dụng nhiều ngôi/vai kể khác nhau, tạo nên sự đa dạng của điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm. Ứng với mỗi điểm nhìn là một cách cắt nghĩa, lý giải về con người và đời sống, từ đó tạo nên tính chất khách quan hóa của nội dung trần thuật. Người đọc vì thế được tiếp cận với nhiều “sự thật” khác nhau, thậm chí có thể giải mã “bản chất hiện tồn” của hiện thực trong sự chân thực, đa chiều nhất. Trong xu hướng chung đó, ở mỗi tác giả, tác phẩm lại có cách thức thể hiện riêng phản ánh nỗ lực làm mới bản thân và làm mới thể loại. "Thầy Đàn" của Đoàn Ngọc Hà là một trường hợp như vậy.
Xuyên suốt gần 900 trang tiểu thuyết, có thể thấy tác giả thiên về lựa chọn hai ngôi kể chính: Ngôi thứ ba (hiển thị qua lớp đại từ nhân xưng: Cô, anh, nó, hắn... cùng hệ thống danh từ chỉ tên riêng các nhân vật: Ông/thầy Đàn, Nga Vương, Trọng Phẩm, Mộng Hà, Tô Chiêm, Kiều Hậu, Đại Hải, Kim Khôi, nhà báo Con Ong…) và ngôi thứ nhất (hiển thị qua các đại từ nhân xưng: Mình, ta …). Việc lựa chọn ngôi kể thứ ba là một kế thừa của tự sự truyền thống. Với điểm nhìn từ bên ngoài, người kể chuyện mà thực chất là tác giả ẩn mình trong vai trò chứng nhân quan sát và kể lại toàn bộ sự việc, diễn biến câu chuyện nên có khả năng “kể lại tất cả những gì có ở trên đời, kể cả những bí mật trong tâm hồn kẻ khác”. Ở phương diện thủ pháp, sự xuất hiện của ngôi kể thứ ba có vai trò dẫn dắt, kết nối mạch tự sự, từ đó tạo nên cấu trúc thống nhất và hoàn chỉnh. Với dạng tiểu thuyết có dáng dấp một “đại tự sự” (xét theo tiêu chí dung lượng/độ dài tác phẩm; phạm vi bao quát hiện thực; hệ thống nhân vật; sự kiện, tình tiết…) như "Thầy Đàn" thì đây là một lựa chọn “khôn ngoan” của tác giả nhằm chủ động “kiểm soát” và triển khai ý đồ nghệ thuật.
Việc sử dụng cùng lúc hai ngôi kể với cách tổ chức như ta thấy ở trên không chỉ khiến mạch tự sự trở nên linh hoạt, tự nhiên mà còn tạo sự đa dạng của điểm nhìn trần thuật. Ở đây, dụng ý “lùi lại phía sau” đồng thời cùng với việc “đẩy” nhân vật đảm nhiệm vai trò người kể chuyện thể hiện “tham vọng” đáng ghi nhận của Đoàn Ngọc Hà: Tạo dựng một cấu trúc tự sự “nương” theo dòng tâm lý/dòng ý thức nhân vật, mặc dù tiểu thuyết của ông luôn đầy ắp, bộn bề các sự kiện, xung đột. Chính “sự lên tiếng” của “người trong cuộc” là cách thể hiện con người và đời sống trong tính phức thể, đa diện và khách quan nhất. Xét ở điểm này, có thể thấy một sự bắt kịp và hòa điệu, tương tác thú vị của Đoàn Ngọc Hà với đời sống văn học hiện đại/đương đại qua loạt truyện ngắn, tiểu thuyết viết về đề tài giáo dục và nhà trường của ông.
Ở tiểu thuyết này, lấy “trục” trung tâm là ông thầy dạy toán Thái Đăng Đàn, Đoàn Ngọc Hà đã mở ra vô vàn hiện thực xã hội-văn hóa nơi vùng không gian thành Hạ Sơn; từ mối quan hệ cá nhân, riêng tư trong phạm vi mỗi gia đình tới những vấn đề vĩ mô của đời sống. Tất cả được khám phá trong tính phức thể, giữa lằn ranh của yêu thương - thù hận; thuần khiết - tăm tối; cao thượng - thấp hèn; bản năng - đạo lý… Trong bức tranh đời sống phong phú, bề bộn ấy, tác giả luôn có xu hướng phóng chiếu cái nhìn mang tính chiêm nghiệm của ông nhằm khắc họa những “tính cách người” trong chiều sâu bản thể, tuy vô cùng phức tạp nhưng chân thực. Đó là một Mộng Hà vừa an phận, giữ lễ vừa mơ mộng, nổi loạn; một Tô Chiêm vừa đạo mạo, nghiêm cẩn vừa giảo hoạt, ti tiện; một Trọng Phẩm luôn tỏ ra bất cần nhưng đầy kiêu hãnh; một Kiều Hậu vừa bặm trợn, sắc sảo vừa yếu đuối đến bất lực; một thầy Đàn tuyệt đỉnh trí tuệ nhưng cũng đầy rẫy thói tật… Cũng cần nhận thấy ở đây việc di chuyển linh hoạt từ điểm nhìn tác giả đến điểm nhìn nhân vật, từ nhân vật này đến nhân vật khác là một nỗ lực đáng kể của Đoàn Ngọc Hà ở nghệ thuật tự sự. Nó khiến cho thế giới nhân vật của “Thầy Đàn” không chỉ đa dạng mà còn “đa diện”, luôn không ngừng tự vấn/truy vấn nghĩa lý của tồn tại và khẳng định bản thể. Bởi thế những nội dung được tác giả viết trong tiểu thuyết này, với lựa chọn thủ pháp phù hợp, đã không chỉ đề cập đến cái “hiện tồn” của đời sống mà còn khiến người ta phải suy ngẫm, đau đáu về những vấn đề muôn thuở của nhân sinh.
Với một kết cấu tầng bậc, đan xen bởi nhiều câu chuyện gắn với sự đa dạng của điểm nhìn trần thuật, “Thầy Đàn” không chỉ thể hiện năng lực quan sát, bao quát đời sống hiện thực ở cả bề rộng lẫn chiều sâu mà còn cho thấy nỗ lực tìm tòi, đổi mới nhằm tạo nên sự đa dạng về lối viết ở Đoàn Ngọc Hà. Xét ở phương diện này, hoàn toàn có thể ghi nhận những đóng góp của ông với vận động của nền văn xuôi Việt Nam đương đại.
Tiến sĩ ĐỖ THỊ THU THỦY