Hội thảo khoa học “Tác động của CMCN 4.0 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức sáng 11-9, tại Hà Nội, là dịp để các nhà quản lý lắng nghe ý kiến của các nghệ sĩ, đơn vị sự nghiệp trao đổi, thống nhất để tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tại.

PGS,TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì, phát biểu tại Hội thảo.

Tiếp cận công nghệ không dễ dàng

Hiện nay cả nước có khoảng 78 nhà hát và công trình có chức năng tương đương đang hoạt động, trong đó có 12 Nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL. Việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào các nhà hát hiện nay vẫn chưa nhiều bởi không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào các vở diễn, tác phẩm sân khấu.

Theo Tiến sĩ Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), đội ngũ biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống chủ yếu phát huy thế mạnh nghệ thuật, tinh hoa loại hình truyền thống đó mà ít có điều kiện để nghiên cứu công nghệ để phát huy giá trị nghệ thuật đó trong hoạt động biểu diễn. Hơn nữa, về cơ bản thì đội ngũ nghệ sĩ chưa trang bị kiến thức ứng dụng công nghệ một cách bài bản, đồng bộ trong chuỗi cung ứng dịch vụ văn hóa. Nhân lực công nghệ ở các thiết chế văn hóa của nhà nước về cơ bản là thiếu về số lượng, chưa đạt yêu cầu chất lượng.

Thạc sĩ Nguyễn Công Tú, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Thạc sĩ Vũ Nhật Tân, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng: Hiện nay, hầu hết các trường đại học và Học viện Âm nhạc trên thế giới đều đã thiết lập và xây dựng xong hệ thống studio âm nhạc điện tử và khoa âm nhạc điện tử, tập trung vào đào tạo và thử nghiệm ứng dụng các yếu tố mới nhất trong công nghệ vào quá trình sáng tạo, sản xuất và biểu diễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có studio âm nhạc điện tử hoặc khoa âm nhạc điện tử nào nên chưa thể chủ động nắm bắt và đào tạo ứng dụng công nghệ vào âm nhạc.

Nhạc sĩ Đức Trịnh cho rằng: Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu, giao lưu, học hỏi tiếp cận với âm nhạc thế giới. Các sản phẩm âm nhạc được tạo ra nhiều hơn và cùng một sản phẩm như nhau khi có sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số thì chất lượng sẽ cao hơn. Đối với công việc dàn dựng biểu diễn, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội tích cực, tạo ra âm thanh, hình ảnh sống động, phong phú.

Theo PGS, TS Trần Trí Trắc: Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu thời gian qua cho thấy, các nghệ sĩ hầu như còn xa lạ với cách mạng công nghiệp 4.0. Một số nhà hát đã đầu tư ứng dụng công nghệ trong dàn dựng tác phẩm sân khấu nhằm thu hút người xem như vở “Tứ phủ” tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu của Công ty Nhà hát Việt; “Tinh hoa Bắc bộ” của Công ty Tuần Châu Hà Nội; vở kịch múa "Mỵ" của Đoàn ca múa nhạc dân gian Việt Bắc…

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là phương tiện, công cụ cần thiết để nâng hình thức sân khấu lên tầm hiện đại mà còn là những sáng tạo mới, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đến gần hơn với nghệ thuật.  

Khó khăn trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0

Nói về khó khăn trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 trong biểu diễn, NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực nghệ thuật xiếc, việc ứng dụng công nghệ vào các tiết mục vẫn còn hạn chế, đòi hỏi các nghệ sĩ phải tiếp cận, nâng cao kiến thức, làm chủ công nghệ để kết hợp hiệu quả với các thiết bị hỗ trợ trong biểu diễn. Các nghệ sĩ, nhà hát dàn dựng trong quá trình sáng tạo, phải biết tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo nên sự đổi mới, đột phá về mặt hình thức nghệ thuật.

Tiết mục ứng dụng hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại vào biểu diễn của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Để tạo nên sự hấp dẫn cho người xem, yếu tố quan trọng nhất là người nghệ sĩ phải tương tác và biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Nếu lạm dụng quá nhiều khi sử dụng công cụ trình chiếu mà không có sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ thì tiết mục đó sẽ trở thành hình ảnh minh họa cho show diễn. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã dàn dựng một số tiết mục xiếc kết hợp giữa kỹ xảo của diễn viên và kỹ thuật phụ trợ như tiết mục “Đứng tay nghệ thuật” với công nghệ lập trình giữa âm nhạc, phun nước để tạo ra hình thức biểu diễn mới mang tính thẩm mỹ cao. Để đạt tới trình độ kỹ thuật cao thì người nghệ sĩ vẫn phải khổ luyện, sự thành công của các tiết mục sẽ tăng khi có sự hỗ trợ của công nghệ.

Thạc sĩ Nguyễn Công Tú, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho rằng: Công nghệ âm thanh, ánh sáng ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho nghệ thuật biểu diễn ở các đơn vị tự chủ về nguồn ngân sách thì rất tốt, hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị công lập như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Âu Cơ, Nhà hát Chèo Kim Mã, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Hưng Đạo… việc đầu tư âm thanh, ánh sáng chưa đồng bộ, thậm chí còn thiếu các hệ thống mới và hiện đại. Ngay cả các trường đại học đào tạo về lĩnh vực âm thanh, ánh sáng sân khấu như Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, việc đầu tư cũng chỉ mang tính tình huống và thiếu rất nhiều để phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và học tập của sinh viên.

Để việc ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn được khả thi và thực sự có hiệu quả trong những năm tới cần phải có sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành và đặc biệt là cách tiếp cận từ các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật; có chiến lược đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu ở trong và ngoài nước; đầu tư đồng độ từ không gian biểu diễn, cơ sở hạ tầng… Có như vậy thì công nghệ 4.0 mới nâng tầm được hoạt động biểu diễn.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN