Vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân
Trước thềm năm mới-Xuân Đinh Hợi, ngành văn hóa thông tin đã lên kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước, đón năm mới với niềm tin và sức sống mãnh liệt của một dân tộc luôn vượt qua mọi thách thức để đi tới cái đích thành công trong quá trình hội nhập.

Trước hết phải kể đến chương trình nghệ thuật chiêu đãi ngoại giao đoàn do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phối hợp với Nhà hát múa rối nước Trung ương, Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhạc viện Hà Nội và Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn. Chương trình sẽ diễn ra vào 19 giờ 45 phút, ngày 26-1-2007 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình ca, múa, nhạc tổng hợp đậm đà bản sắc dân tộc bằng sự tuyển chọn những tiết mục mới, xuất sắc, chất lượng nghệ thuật cao với những tác phẩm độc tấu, hòa tấu âm nhạc thính phòng giao hưởng của các nghệ sĩ đoạt giải quốc tế trong những năm vừa qua. Chương trình sẽ được mở đầu bằng màn múa “Tre Việt”-một sáng tác mới do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tả bức tranh phong cảnh với những cánh đồng lúa, lũy tre xanh tượng trưng cho sức sống Việt Nam, bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam; tiếp đó là những tác phẩm độc đáo đại diện cho các vùng văn hóa khác như hát giao duyên của quan họ Bắc Ninh, đàn tính dân tộc Tày, hát xẩm Nghệ Tĩnh, hòa tấu dàn nhạc dân tộc các tác phẩm của Mô-da, hát gõ chum sành…

“Hát mãi về người-đồng chí Trường Chinh” là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Trường Chinh sẽ diễn ra tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội vào sáng ngày 8-2. Kết hợp các hình thức thể hiện ca, múa nhạc trên sân khấu với màn hình và lời dẫn theo bố cục, kết nối liên tục như một tổ khúc liên hoàn mang tính ngẫu nhiên, các tiết mục thể hiện rõ nội dung ngợi ca tình cảm ấn tượng và trang trọng, tôn vinh chân dung người lãnh đạo. Chương trình diễn ra với 3 phần, phần mở đầu có tựa đề: “Chí lớn tuổi xuân”-Truyền thống quê hương và gia đình đã hun đúc nên lý tưởng cách mạng, từ năm 18 tuổi, đồng chí Trường Chinh đã tham gia hoạt động cách mạng và sớm trở thành người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam; phần 2 có tựa đề: “Niềm tin và khát vọng”-Vừa là nhà lý luận chính trị, nhà tư tưởng, văn hóa lớn, với bút danh thơ Sóng Hồng, cảm xúc trước hầu hết các sự kiện quan trọng của đất nước được tác giả thể hiện bằng một tâm hồn luôn lạc quan, tin tưởng ở tương lai tươi sáng của cách mạng; “Sống mãi với non sông” là tựa đề của phần kết thúc nêu bật chân dung của một con người suốt đời tận tụy phấn đấu vì lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản sẽ mãi mãi là tấm gương soi sáng các thế hệ tiếp bước trên chặng đường vinh quang của Tổ quốc.

Điểm nhấn trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Xuân Đinh Hợi là chương trình diễu hành, biểu diễn nghệ thuật “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển” của gần 20 đơn vị nghệ thuật của Trung ương và Hà Nội với chủ đề: “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập”, sẽ diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm vào tối ngày 16-2-2007 (29 Tết âm lịch).

Chương trình diễu hành nghệ thuật quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm được xây dựng từ những nét đặc trưng nhất, thể hiện cội nguồn của nòi giống Tiên Rồng, thể hiện biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian được nghệ thuật hóa, những hoạt động văn hóa cộng đồng trong các lễ hội, các hình tượng nghệ thuật… Thông qua diễu hành, người xem có thể cảm nhận được bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, cảm nhận và tôn vinh các giá trị của văn hóa trong xu thế hội nhập.

Sau lễ diễu hành, chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Màn múa hát “Song long nhả ngọc” do các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tuồng Trung ương và Trường Xiếc Việt Nam sẽ mở đầu cho phần 1 của đêm nghệ thuật có tựa đề “Việt Nam đất nước vạn hoa”. Kết thúc tiết mục múa hát là sự hòa chung của múa rồng, lân, sư, cờ, kết trong hình tượng của con tàu Việt Nam đi trong biển lớn hội nhập. Hai miệng rồng nhả ra câu đối với nội dung: “Mừng Đảng, Mừng Xuân”; phần 2 được tiếp nối có tựa đề: “Mùa xuân về trên quê hương”, những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, mùa xuân như: “Bức họa đồng quê”, “Hồn gió Việt”, “Qua bến Đò Quan”, “Khúc giao mùa”, “Mừng Xuân hội nhập”… sẽ được các nghệ sĩ, ca sĩ thể hiện bằng nhiều hình thức như: hợp xướng, hòa tấu, đơn ca, múa, hát tuồng… Chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ kết thúc bằng màn múa rối “Rồng phun lửa”, “Bát tiên”… kết hợp với bắn pháo bông đón giao thừa của các nghệ nhân tỉnh Hà Tây.

Ngoài những chương trình nghệ thuật kể trên, Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội đã và đang triển khai nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như: trang trí đường phố bằng những pa-nô, áp phích, tranh cổ động, cờ, hoa; tổ chức các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng biểu diễn phục vụ nhân dân ngoại thành và tại các sân khấu của Đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…; tổ chức tuần phim “Mừng đất nước-mừng Đảng-mừng Xuân”; trưng bày hiện vật lịch sử, hoa, cây cảnh tại các di tích lịch sử văn hoá; triển lãm sách, báo, ảnh “Văn hóa người Hà Nội”… Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức nhiều tour du lịch văn hóa, giới thiệu với khách tham quan các di tích lịch sử cũng như văn hóa của Thủ đô như: Cổ Loa, đền Gióng…

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ