Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi “ngông”, chơi “sang” mà cũng rất văn hóa của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Chinh… Văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam với hàng ngàn năm văn hiến đã sản sinh ra nghệ thuật hát ca trù, rất độc đáo, rất đậm đà “hồn Việt”. Trong dòng chảy sôi động của thời đại nhiều nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này đã tạm thời mất đi. Không gian văn hóa gắn với ca trù cũng không còn như xưa nữa. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này hướng tới việc lập hồ sơ để UNESCO Thế giới công nhận là di sản phi vật thể, truyền miệng rất cần được quan tâm.

Chúng tôi đã có dịp gặp Thạc sĩ Nguyễn Xuân Diện-Cán bộ nghiên cứu Viện Hán Nôm-người đã có nhiều công trình nghiên cứu về ca trù, và đầu tháng tư tới anh sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ Hán Nôm học với luận án mang tên “Nguồn tư liệu Hán-Nôm với việc nghiên cứu ca trù” trong đó có những phần: Kiểm kê, đánh giá trữ lượng và khai thác các tài liệu Hán-Nôm về ca trù; Phát hiện và lý giải tư liệu để góp phần làm rõ lịch sử ca trù; Sự phát triển và các vấn đề về thơ, nhạc và sinh hoạt ca trù… Anh đã cho chúng tôi buổi trò chuyện thú vị về nghệ thuật ca trù xưa và nay.

PV: Xin anh cho biết ca trù xưa khác với ca trù nay như thế nào? Nếu là ca trù nay, có những yếu tố nào làm ảnh hưởng đến sự thuần khiết của ca trù truyền thống?

- Nghiên cứu về ca trù tôi nhận thấy ca trù nay khác với ca trù xưa nhiều lắm. Khác nhau trước hết là ở chỗ ca trù xưa thì phong phú, đầy đủ, mà nay thì mất mát đi nhiều quá. Thư tịch cổ cho biết ca trù có đến 99 thể cách. Trong đó loại thể cách hát lên được, tức là làn điệu đã có tới 66 thể cách. Vậy mà nay, các đào nương già cũng biết chỉ khoảng mười lăm điệu. Lục tìm trong kho băng đĩa lưu trữ tại Viện Âm nhạc và đài Tiếng nói Việt Nam, thấy có tư liệu của 26 điệu ca trù. Tức là chỉ từng ấy điệu mới có thể phục hồi được mà thôi.

Các giáo phường ca trù đã không còn được tiếp nối như nền nếp xưa. Việc thờ tổ ca trù cũng đã mai một, và nếu có thì cũng được duy trì một cách tự phát.

Nhưng cái khác lớn nhất giữa xưa và nay là không gian, không khí ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù thì đã mất thật rồi. Đâu còn những đêm hội làng, các đào kép về hát thờ Thành hoàng theo lệ hàng năm? Đâu còn những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân? Đâu còn những cuộc khao vọng, khai trương cửa hiệu có vời đến đào kép ca trù, để tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ khổ phách cung đàn ca trù?

Người nghe đã khác xưa nhiều. Đào kép cũng khác xưa nhiều. Không gian văn hóa của việc thưởng ngoạn ca trù càng khác xưa. Đó là một điều khác nhau lớn nhất của sinh hoạt ca trù xưa và nay.

- PV: Anh đã tìm thấy vẻ đẹp nào trong ca trù?

- Đây là một lối chơi tao nhã, lịch lãm của các văn nhân tài tử xưa nay. Ở đấy văn chương, âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc mà khúc triết tinh tế, dân gian mà bác học, thực mà ảo huyền vi diệu. Tôi thích mối quan hệ giữa văn nhân và ả đào, mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thưởng thức, thể nghiệm các tác phẩm của mình. Tiếng hát, nhịp phách và tiếng đàn đáy ca trù là những thứ làm mê hoặc những tâm hồn người ta. À, còn vẻ đẹp và đạo đức của đào nương nữa chứ: Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào - duyên khuê các. Ra - vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - Miệng ấy thêu - Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban - Tạ. Dịu như mai - Trong như tuyết - nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều.

- PV: Theo anh ca trù có xứng đáng là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu để thế giới công nhận không?

- Ca trù có lịch sử ít nhất là 500 năm tuổi. Nửa thiên niên kỷ vừa qua, ca trù đã tạc vào văn hóa Việt Nam những dấu ấn đẹp đẽ. Đó là một bộ môn có bề dày lịch sử và có chiều sâu nghệ thuật. Tiếng hát ca trù là tiếng hát độc đáo vào bậc nhất của thế giới. Cây đàn Đáy là cây đàn chỉ sinh ra để dành cho ca trù và chỉ có ở Việt Nam. Còn phách ca trù thì vô cùng đặc sắc. Tất cả khiến cho ngài Viện trưởng Viện Âm nhạc Pháp đã phải nhận định rằng ca trù là một trong những đỉnh cao của âm nhạc nhân loại.

Tôi vinh dự là một trong 8 người được Bộ Văn hóa-Thông tin, mà trực tiếp là Viện Âm nhạc giao cho việc viết về Lịch sử và Sự phát triển của ca trù Việt Nam trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Ca trù là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. GS Trần Văn Khê, cố vấn của chương trình xây dựng hồ sơ này yêu cầu tôi phải chứng minh cho được bề dày lịch sử của ca trù bằng những cứ liệu chính xác nhất. Tôi cho rằng ca trù rất xứng đáng với sự vinh danh của UNESCO.

- PV: Anh làm quen với Hán-Nôm từ khi nào?

- Tôi sinh ra ở Đường Lâm, xứ Đoài. Từ thuở bé đã biết các ông đồ trong làng luôn được dân làng xem trọng, nhờ vả xem ngày giờ tốt xấu, viết chữ Nho vào câu đầu nhà mới hoặc bốc thuốc chữa bệnh. Tôi thấy vừa sợ vừa trọng họ. Vào đại học, học khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi ghi tên ngay vào ngành Hán-Nôm. Theo học từ đấy và không lúc nào phải hối hận vì mình đã chọn học Hán Nôm. Tôi may mắn được nhận vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là cơ quan khoa học đứng đầu cả nước về Hán Nôm học. Đây cũng là tàng thư Hán Nôm lớn nhất cả nước về tài liệu cổ.

- PV: Câu hỏi cuối cùng. Hiện nay có một xu hướng tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa dân tộc của lớp trẻ. Theo anh, giới trẻ làm thế nào để tiếp cận với ca trù?

- Theo tôi lớp trẻ ngày nay cũng có nhiều bạn yêu thích ca trù. Nhiều bạn tìm đến với ca trù bằng cách đến nghe ca trù ở các CLB, hoặc đọc các bài viết về ca trù trên mạng internet, hoặc tìm đến các liên hoan ca trù. Tôi còn thấy các bạn trẻ còn chia sẻ cho nhau các bài viết về ca trù, các đoạn nhạc ca trù trên các diễn đàn của giới trẻ.

Tôi mong rằng các nhà quản lý văn hóa sẽ tổ chức nhiều liên hoan ca trù, nhiều cuộc thuyết trình, nói chuyện về ca trù; còn các đài truyền thanh, truyền hình sẽ có thêm các buổi giới thiệu ca trù để giới trẻ có thêm điều kiện đến với ca trù. Được như thế, giới trẻ sẽ hiểu rồi sẽ yêu và sẽ gắng công gìn giữ di sản này.

ĐÔNG HÀ