Chủ cửa hàng may Vinh Trạch là bà Lê Thị Quyến, dù đã 82 tuổi nhưng hằng ngày bà vẫn cặm cụi giữ nghề bên chiếc máy may cũ đạp bằng chân đã nhuốm màu thời gian.

Có khách đến, bà Lê Thị Quyến vui vẻ giới thiệu về các sản phẩm được cửa hàng chuyên may đo là áo kép, áo bông, áo gilê, áo bà ba và đặc biệt là áo dài. Khách hàng của bà Quyến khá đa dạng, từ người Việt Nam cho đến các du khách nước ngoài. Bà Quyến còn nhận không ít đơn đặt hàng may áo dài gửi đi các nước. Tự mình tư vấn, cắt may và khâu từng đường kim, mũi chỉ cho tà áo dài truyền thống, bà Quyến cho biết: “Suốt 70 năm qua, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mỗi ngày được may áo dài. Đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là đam mê, là truyền thống của gia đình mà tôi phải có trách nhiệm gìn giữ”.

Bà Lê Thị Quyến làm nghề trong cửa hàng may Vinh Trạch.

Sinh ra tại làng nghề may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa), từ năm 12 tuổi, bà Lê Thị Quyến bắt đầu học nghề và theo cha đi may áo dài khắp các phố phường Hà Nội. Khi đến tuổi cập kê, bà Quyến bén duyên với ông Lê Thành Vinh-một thợ may có tiếng đất Hà thành. Cái tên Vinh Trạch sau đó ra đời được ghép từ chính tên chồng bà Quyến và làng may Trạch Xá.

Dù không quảng bá sản phẩm, thương hiệu nhưng tiệm may Vinh Trạch vẫn nhận được nhiều đơn đặt may của khách. Có tay nghề cao, nhưng bà Lê Thị Quyến vẫn thường xuyên học thêm các kỹ thuật cắt may, kiểu dáng mới để phù hợp với giới trẻ. Tiếng lành đồn xa, cửa hàng may Vinh Trạch đã được đông đảo mọi người biết đến và đặt hàng. Bà Nguyễn Khánh An (quận Ba Đình) cho biết: "Gần 30 năm nay, tôi chỉ đặt may áo dài tại tiệm Vinh Trạch. Không chỉ người trung niên, tôi thấy các bạn trẻ cũng hợp khi mặc áo dài truyền thống được may ở đây".

Hơn chục năm nay, do sức khỏe của ông nhà yếu, một mình bà Lê Thị Quyến đảm đương hầu hết công việc của cửa hàng may Vinh Trạch. Cửa hàng nhỏ, chỉ rộng chừng 30m2 giờ trở thành niềm vui mỗi ngày của bà Quyến, bởi kinh tế gia đình cũng dư dả, con cái cũng đã thành đạt. Hạnh phúc nhất đối với bà Lê Thị Quyến là cả 7 người con hiện đều có thể tự hoàn thiện may một chiếc áo dài, trong đó có người đã tự mở cửa hàng may. Gần đây, bà Quyến đang truyền nghề may cho hai người cháu với mong muốn truyền thống của gia đình mãi được lưu giữ.

Dù đã 82 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng những đường kim, mũi chỉ trong tay bà Quyến vẫn chuẩn xác, điêu luyện. Khi tôi gọi bà hai chữ "nghệ nhân", bà Quyến khiêm nhường nói: “Tôi chưa phải nghệ nhân đâu”. Lý giải về điều này, bà Quyến cho biết, trước đây bà đã từng được địa phương đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhưng bà từ chối. Theo bà Quyến, sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm áo dài do bà may mới là danh hiệu quan trọng nhất.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG