 |
Bút lửa Dzũ giao lưu với những độc giả yêu thơ Hàn Mặc Tử tại Hà Nội |
“Người ta bút mực, bút chì
Dzũ Kha bút lửa khắc ghi thơ Hàn”
Hàn Mặc Tử-một thi sĩ tài hoa, do mắc bệnh hiểm nghèo nên ông mất sớm. Ông để lại cho đời 5 tập thơ (Gái quê (1936), tập thơ duy nhất được xuất bản khi tác giả còn sống), Thơ Điên (hay Đau Thương), (Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi Giữa Mùa Trăng). Tuy không phải là nhiều những ông đã đem đến cho thơ mới một phong cách độc đáo, sáng tạo và thơ ông thực sự có chỗ đứng xứng đáng trong trào lưu thơ mới. Nhiều bài thơ được các thế hệ người Việt đón đọc và khắc sâu trong tâm trí, nhất là những bài thơ tình luôn sống cùng thời gian. Xuất phát từ lòng đam mê thơ Hàn Mặc Tử một cách cuồng nhiệt, trong suốt 26 năm qua (từ năm 1981 đến nay), Dzũ Kha đã dành trọn thời gian cho việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm tòi, lưu trữ và viết thơ Hàn theo cách riêng của mình.
Từ trước đến nay, người ta chỉ quen với việc viết chữ bằng bút mực, bút chì nhưng riêng với Dzũ Kha, anh đã viết bằng bút lửa trên nhiều chất liệu: gỗ, tre, giấy. Đặc biệt, những tác phẩm anh viết chủ yếu là thơ Hàn, đây thực sự là nét độc đáo trong cách thể hiện tình yêu của anh với thơ Hàn Mặc Tử.
Theo Dzũ Kha, tình yêu thơ Hàn của anh rất tự nhiên, đó là tấm lòng yêu mến, cảm phục một tài năng lớn của Hàn Mặc Tử, cùng một chút riêng, vào cuối đời Hàn Mặc Tử mất và an táng tại thành phố Quy Nhơn, nơi Dzũ Kha sinh ra và lớn lên. Một lý do khác thúc đẩy anh nghĩ ra cách chép thơ Hàn bằng bút lửa đó là: “Hàn Mặc Tử” là “chàng bức rèm lạnh” hay “chàng đơn lạnh” và “thơ Hàn-lạnh nên bút lửa của anh để giữ lửa, giữ hơi ấm cho thơ Hàn”. Điều đó đã lý giải cho việc trong suốt 26 năm qua anh luôn sống và làm việc ngay tại Đồi thi nhân Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn), bên cạnh mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Trong số hàng trăm bài thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử anh chép bằng bút lửa như: Cửa sổ đêm khuya, Đây thôn Vĩ Dạ, Những giọt lệ, Bẽn lẽn, Uống trăng, Tình quê, Rướm máu,… thì bài thơ “Cửa sổ đêm khuya” sáng tác năm 1929 được anh yêu thích nhất, đam mê nhất (Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương/ Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương/ Tha thiết liễu in hồ gợn bóng/ Hững hờ mai thoảng gió đưa hương/ Xa người nhớ cảnh tình lai láng/ Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng/ Qua lại yến ngàn dâu ủ lá/ Hòa đàn sẵn có dế bên tường). Vì theo anh đây là bài thơ đọc xuôi và đọc ngược đều có nghĩa và hàm chứa nội dung hay.
Ở Việt Nam hiện nay, Dzũ Kha là người đầu tiên nghĩ ra và thể hiện thành công việc vẽ hình, viết thư pháp và thơ bằng bút lửa trên chất liệu gỗ, tre và đặc biệt là trên cả giấy. Việc viết bằng bút lửa trên gỗ, tre, đã khó thì việc viết bằng giấy là rất khó vì giấy mỏng, dễ bén cháy chỉ cần đưa nét bút quá tay sẽ làm cho giấy cháy ngay, còn nếu nhẹ tay thì nét chữ sẽ không rõ. Do đó, việc viết bút lửa đòi hỏi lòng kiên trì và có kỹ thuật cao.
Thơ Hàn qua nét bút của Dzũ Kha như có thêm sức sống mới, dạt dào cảm xúc bởi sự pha trộn giữa thi và họa. Với thần khí của từng nét bút, Dzũ Kha đã thổi hồn vào chữ, mỗi vần thơ, câu thơ, bài thơ như có lửa cháy rạo rực, sưởi ấm thơ Hàn nhưng cũng không quá nét để thơ cháy trên gỗ, trên tre, trên trang giấy mỏng manh trĩu nặng tấm lòng và tâm trí của anh.
Yêu thơ Hàn và để góp phần quảng bá, giới thiệu thơ Hàn, vì thế mỗi năm Dzũ Kha đều tổ chức một triển lãm, giới thiệu thơ Hàn đến đông đảo bạn đọc, người yêu thơ. Trong lần ra Hà Nội tổ chức triển lãm mang tên “Giao duyên hồn chữ Việt” tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007 vừa qua, Dzũ Kha được công chúng Thủ đô đón chào nồng nhiệt, nhiều bức tranh, bài thơ Hàn viết bằng bút lửa đã được người yêu thơ mua về treo và làm kỷ niệm. Kể với tôi, Dzũ Kha cho biết: “Mặc dù thời gian ở Hà Nội không lâu song tôi thật sự hạnh phúc bởi tấm lòng của người yêu thơ nói riêng và người dân Hà thành nói chung, rất gần gũi, chân tình, cùng một tình yêu và sự hiểu biết về thơ Hàn Mặc Tử sâu sắc”. Quả đúng như vậy, không những trong triển lãm ở Hà Nội mà ở các cuộc triển lãm khác trước và sau đó, thơ lửa, tranh lửa của anh luôn luôn có sức cuốn hút rất lớn với công chúng, đó không chỉ bởi tài năng “múa bút” mà còn là sự đam mê, trân trọng một môn nghệ thuật mới: bút lửa (!).
Cùng với tình yêu thơ Hàn, yêu nghệ thuật bút lửa, Dzũ Kha còn thể hiện nhiều bức họa, nhiều câu danh ngôn, thư pháp bằng bút lửa thể hiện sự sáng tạo và đa dạng trong sáng tác của bút lửa Dzũ Kha.
Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI