Điều gì khiến cho chúng ta không băn khoăn khi lựa chọn Xuân Diệu? Những câu hỏi có thể được trả lời, nhưng lại đặt ra một suy tư khác, từ việc, không phải ngay từ khi Xuân Diệu xuất hiện trên Báo Phong hóa và Báo Ngày nay (cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn) đã trở thành viên ngọc, thành ngôi sao như thế. Buổi đầu, như Thế Lữ nhận xét, thi sĩ còn non nớt lắm.
Xuân Diệu-như một thực tại xã hội, dường như điển hình hơn cả cho tính chất của Thơ mới. Và, điều quan trọng hơn, ở căn nguyên của vấn đề, thi sĩ Xuân Diệu không phải bỗng nhiên mà có. Bản thân sự xuất hiện của Xuân Diệu phải được xem là một diễn ngôn. Và, không quá mơ hồ khi đặt ra giả thuyết về sự kiến tạo giá trị biểu tượng trong chiến lược của Tự lực văn đoàn. Câu chuyện này dẫn chúng ta về thời điểm Xuân Diệu xuất hiện lần đầu tiên trên Phong hóa, số 158, thứ sáu ngày 18-10-1935 bằng bài thơ “Với bàn tay ấy”. Sự thật là Xuân Diệu có gửi thơ về Phong hóa từ trước, nhưng không được đăng. Lý do mà Thế Lữ trần tình là “lời thơ chưa được chải chuốt, ngượng nghịu như những ngón tay đờn uốn nắn còn non”. Xâu chuỗi những sự kiện thuộc về sinh quán, gia đình, thân thế của Xuân Diệu, chúng ta có thể hiểu rằng, một cậu học trò nguyên quán Hà Tĩnh, sống ở miền Trung hẳn sẽ không có được sự “chải chuốt” như mong đợi của một văn đoàn khai sinh và hoạt động ở Hà Nội. Cho đến khi “Với bàn tay ấy” hiện diện trên Phong hóa, người ta vẫn còn nhận ra những dấu vết của một tâm hồn quê mùa được nuôi nấng bởi dải đất miền Trung khổ nghèo, lam lũ và nặng nhọc: “Một tối vòm trời chẳng bợn mây/…/ Những lời huyền bí bốc lên trăng/ Những ý bao la tỏa xuống trần”. Việc bài thơ này sau đó được chỉnh sửa: “Một tối bầutrời đắm sắc mây/…/ Những lời huyền bí tỏa lên trăng/ Những ý bao la rủ xuống trần” đã nói lên quá trình gột rửa dấu vết “chân quê” của Xuân Diệu, từng bước nhập vào ngôn ngữ của một không gian xã hội khác, tầng lớp khác. Quá trình này cũng không phải ngày một ngày hai. Lần thứ hai - sau hơn một năm, Xuân Diệu xuất hiện trên Phong hóa vẫn còn vương những dấu vết như thế với bài "Nụ cười xuân": Niềm bâng khuâng dãi trong không khí/…/ Trong tâm thần nổi khúc say mê. Những câu này sau đó được sửa lại là: "Nỗi gì âu yếm qua không khí/…/ Nhạc thần lên tiếng hát say mê". Nếu theo dõi từ "Với bàn tay ấy", qua "Nụ cười xuân", đến "Vì sao?", "Xa cách" chúng ta đã thấy một quá trình "lột xác" của Xuân Diệu. Không còn vẻ non nớt, ngượng nghịu, quê mùa như thuở ban đầu, "Vì sao?" và "Xa cách" từ mặt BáoPhong hóa và Ngày nay đến tập "Thơ Thơ" đã được giữ nguyên. Đáng lưu ý hơn nữa, bài "Xa cách" được trao giải nhất trong số Tết Đinh Sửu (1937). Điều này nói lên sự hoàn tất một quá trình cải tạo từ một cậu học trò nông thôn miền Trung thành một thi sĩ thích ứng với các tiêu chuẩn của Tự lực văn đoàn, của độc giả Phong hóa và Ngày nay và rộng hơn là phong cách, tính chất đô thị/ thị dân của Hà Nội.
Từ bài thơ đầu đến bài thứ hai, khoảng cách thời gian là hơn một năm. Sau đó, Xuân Diệu xuất hiện nhiều hơn trên Phong hóa và Ngày nay. Không chỉ có thơ đăng trên báo, Xuân Diệu còn viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận và cả tâm sự về công việc sáng tác. Đặc biệt, khi trở thành thành viên của Tự lực văn đoàn, tham gia dạy học ở trường tư thục Thăng Long, xuất bản "Thơ Thơ" (1938), Xuân Diệu đã trở thành một biểu tượng của hệ giá trị mà Tự lực văn đoàn hướng đến. Câu chuyện hẳn không đơn giản chỉ là thay đổi một vài chữ trong bài thơ như trên. Mặc dù, chúng ta không tranh cãi về vấn đề ngôn ngữ chính là nhân tố tạo dựng thực tại xã hội, tạo dựng tri thức, nhưng rõ ràng ở đó, trong không gian Xuân Diệu hiện diện, những lựa chọn, loại trừ đang vận hành để từng bước tạo lập một tượng đài. Chính trong ý thức này, những câu hỏi đã nêu lên ở trên được trả lời. Điều quan trọng hơn, trong tính vận động của những giá trị, sự khởi đầu luôn rất quan trọng, nhưng, từ Xuân Diệu, các tác giả trẻ, những người mới bắt đầu bước chân vào văn chương sẽ tìm thấy cảm hứng cho hành trình của mình. Theo nghĩa nào đó, quá khứ đã sống cùng hiện tại.
TS NGUYỄN THANH TÂM