QĐND - Một ngày thi đấu toàn HCĐ của đoàn thể thao Việt Nam, khi các tuyển thủ nước nhà giành tới 5 HCĐ; trong đó có tấm HCĐ của kình ngư Ánh Viên trên đường đua xanh ở nội dung 400m hỗn hợp.
 |
Ánh Viên với tấm HCĐ lịch sử trên đường đua xanh. Ảnh: Minh Tuấn
|
Bơi: Ánh Viên lập cột mốc mới
Lần đầu tiên, bơi Việt Nam có huy chương ở đấu trường ASIAD khi kình ngư Ánh Viên giành HCĐ ở nội dung 400m hỗn hợp.
Vào thi chung kết, Ánh Viên phải tranh tài với 2 VĐV Trung Quốc, 2 kình ngư Nhật Bản, 2 tuyển thủ Hàn Quốc và 1 VĐV Ca-dắc-xtan. Việc xếp thứ 7 ở vòng loại khiến Ánh Viên gặp bất lợi, khi phải bơi đường bơi số 1, sát ngay thành bể.
Tuy nhiên, trong một buổi chiều thi đấu xuất sắc, Ánh Viên đã làm nức lòng người hâm mộ khi cán đích ở vị trí thứ 3 với thông số 4’39’’65. Đây là thành tích tốt nhất của Ánh Viên ở nội dung này. 200m đầu bơi bướm và bơi ngửa, CĐV khấp khởi mừng thầm khi Ánh Viên xếp thứ hai sau Ye Shiwen (Trung Quốc). 100m ếch tiếp theo, đã có lo lắng cho tuyển thủ quân đội này khi Ánh Viên tụt xuống vị trí thứ 3. Rất may, Ánh Viên đã bảo toàn được vị trí thứ 3 sau khi hoàn thành 100m bơi tự do cuối cùng.
Đoạt HCV nội dung này là Ye Shiwen, với thời gian 4’32’’97, phá kỷ lục ASIAD cũ 4’33’’79. Đoạt HCB là Xa-ki-kô của Nhật Bản với thành tích 4’38’’63.
Ngày 23-9, trên đường đua xanh có rất nhiều kỷ lục ASIAD được thiết lập. Chung kết 100m bơi bướm nữ, Chen Xingyi (Trung Quốc) đoạt HCV, lập kỷ lục ASIAD với thông số 56’’61.
200m hỗn hợp nam, kình ngư Ba-lan-đin (Ca-dắc-xtan) giành HCV, lập kỷ lục Á vận hội với thời gian 2’07’’67.
50m bơi ngửa nữ, Fu Yuanhui (Trung Quốc) giành HCV với thông số 27’’66.
50m tự do nam, lại một kình ngư khác của Trung Quốc giành HCV là Ming Zetao, với thông số 21’’95.
Bất ngờ đã xảy ra trên đường bơi 400m tự do nam, khi kình ngư nổi tiếng người Hàn Quốc Park Tae Hwan (từng vô địch thế giới) chỉ về đích ở vị trí thứ 3. Giành HCB là VĐV Nhật Bản Ha-ghi-nô. HCV thuộc kình ngư Trung Quốc Sun Yang với thông số 3’43’’23.
 |
Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam giành HCĐ nội dung đồng đội kiếm ba cạnh. Ảnh: TTO
|
Đấu kiếm: HCĐ cho đội tuyển nam Việt Nam
Đồng đội nam kiếm ba cạnh gồm Nguyễn Phước Đến, Phạm Hùng Dương, Nguyễn Tiến Nhật, Trần Nhật Minh đã đoạt HCĐ, sau khi thua đội chủ nhà Hàn Quốc ở bán kết với tỉ số 25-45. Đây là kết quả không bất ngờ bởi các kiếm thủ Hàn Quốc rất mạnh.
Ủ-su: 3 HCĐ và một niềm “hy vọng vàng”
Võ sĩ Nguyễn Thanh Tùng kết thúc bài biểu diễn Thái cực quyền với số điểm 9,62; cộng với điểm ở phần thi Thái cực kiếm là 9,62, Thanh Tùng đạt tổng điểm 19,24 - đoạt HCĐ.
Võ sĩ Tấn Thị Ly thua 0-2 trước Wang Cong (Trung Quốc) ở bán kết nội dung tán thủ hạng cân 60kg, chấp nhận tấm HCĐ.
Võ sĩ Ngô Văn Sỹ thất bại 0-1 trước võ sĩ Hàn Quốc Kim Myeongjin, trong trận bán kết nội dung tán thủ hạng 75kg, qua đó nhận HCĐ.
Tin vui khi võ sĩ Bùi Trường Giang thắng võ sĩ Lào Khăm-la 2-0 ở bán kết nội dung tán thủ hạng cân 56kg, giành quyền vào chung kết. Trường Giang sẽ mang về cho đoàn thể thao Việt Nam ít nhất một tấm HCB.
Bóng đá: nữ Việt Nam gặp Thái Lan ở tứ kết
Trong trận cuối của bảng C, diễn ra tại SVĐ Namdong, đội tuyển nữ Việt Nam đánh bại nữ Hồng Công (Trung Quốc) 5-0. Ngay từ phút thứ 3, Wong Shohan đã đá phản lưới nhà. Đến phút 28, trên chấm phạt đền, Tuyết Dung nâng tỉ số lên 2-0. Cuối hiệp 1, Nguyễn Thị Xuyến nâng tỉ số lên 3-0 cũng từ quả phạt đền. Sang hiệp 2, Minh Nguyệt, Hải Yến lập công, ấn định chiến thắng 5-0 cho đội tuyển Việt Nam.
Với vị trí nhì bảng, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ gặp đội tuyển Thái Lan ở tứ kết.
Bảng tổng sắp huy chương
(Tính đến 20 giờ Việt Nam ngày 23-9)
STT
|
Đoàn
|
HCV
|
HCB
|
HCĐ
|
1
|
Trung Quốc
|
40
|
21
|
20
|
2
|
Hàn Quốc
|
18
|
18
|
21
|
3
|
Nhật Bản
|
15
|
22
|
22
|
4
|
Ca-dắc-xtan
|
4
|
4
|
10
|
5
|
CHDCND Triều Tiên
|
3
|
4
|
7
|
6
|
Mông Cổ
|
3
|
3
|
6
|
7
|
Ma-lai-xi-a
|
2
|
2
|
2
|
8
|
Đài Loan
|
2
|
1
|
5
|
9
|
Mi-an-ma
|
2
|
0
|
0
|
10
|
Việt Nam
|
1
|
2
|
9
|
THU HIỀN