Đạo diễn, Đại tá, NSND Lê Thi đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình thực hiện tác phẩm điện ảnh này.

Phóng viên (PV): Mở đầu bộ phim là hình ảnh làng Thạch Đà-nơi sinh ra vị tướng trận mạc với khung cảnh cánh đồng xanh mướt, rồi dẫn dắt người xem ngược dòng thời gian, trở về quá khứ của những năm kháng chiến chống Pháp, tại sao ông lại chọn những hình ảnh đó để mở đầu bộ phim?

NSND Lê Thi: Ai cũng có một quê hương, một tuổi thơ nhưng với Đại tướng Phùng Quang Thanh thì tuổi thơ của ông trải qua nỗi mất mát vô cùng lớn lao. Người cha của Đại tướng Phùng Quang Thanh là liệt sĩ Phùng Quang Sức, người đứng đầu chính quyền kháng chiến xã Thạch Đà và đã có nhiều công lao trong phong trào xây dựng kháng chiến tại địa phương. Ông bị địch bắt giam và tra tấn ở bốt Mai Khê, thân xác liệt sĩ Phùng Quang Sức hòa vào dòng sông Hồng chảy ven làng Thạch Đà. Ngày nay, nhân dân địa phương đã dựng bia chiến thắng tại Di tích bốt Mai Khê, để ghi nhớ tinh thần anh dũng hy sinh của các liệt sĩ Trung đoàn 246 và các liệt sĩ của địa phương trong đó có liệt sĩ Phùng Quang Sức.

Tôi muốn khởi đầu của bộ phim để cảm xúc của khán giả được lắng đọng lại bằng những chi tiết thấm đẫm màu thời gian, đưa người xem trở về với quá khứ để hiểu hơn về nguồn cội, về truyền thống gia đình của một vị tướng đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim ghi lại hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm lại mái trường mang tên người anh hùng Phạm Hồng Thái, nơi ông đã từng học khi còn nhỏ. Ảnh chụp màn hình.

PV: Tại sao ông lại chọn tên của bộ phim là “Người con làng Thạch Đà”?

NSND Lê Thi: Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn gắn bó với quê hương, làng xóm, nơi ông sinh ra và lớn lên. Tình cảm của bà con nơi đây dành cho chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ luôn ấp áp, chân tình. Bởi thế, tôi muốn khắc họa hình ảnh một vị tướng trong suốt chặng đường hơn 40 năm rèn luyện và phấn đấu trong quân ngũ, từ một chiến sĩ trở thành Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi về với cuộc sống thường nhật luôn toát lên hình ảnh bình dị, gần gũi. Vì thế, bộ phim được lấy tên “Người con làng Thạch Đà”.

Hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh về quê, gặp bà con họ hàng, về nơi mà địa phương xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, trong đó có người cha thân yêu của ông. Ngước nhìn danh sách ghi tên cha mình, đôi mắt Đại tướng Phùng Quang Thanh ngấn lệ. Hình ảnh này đã chạm đến trái tim người xem, đó chính là điểm nhấn tạo lên nét khác biệt của tác phẩm điện ảnh “Người con làng Thạch Đà” với những bộ phim khác. Những cảnh quay thể hiện tình cảm của Đại tướng với quê hương, với người cha thân yêu mà ông chưa từng một lần gặp mặt khiến người xem vô cùng xúc động.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh khi còn trẻ trong phim “Người con làng Thạch Đà”

PV: Xem phim, hình ảnh các cháu học sinh vây quanh Đại tướng Phùng Quang Thanh ở mái trường Phạm Hồng Thái đã để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả bởi sự gần gũi, thân thiện của một vị tướng với thế hệ tương lai ngay trên chính quê hương mình, cảnh quay này mang lại cảm xúc gì đối với một ông-đạo diễn đã từng thực hiện nhiều bộ phim về các tướng lĩnh?

NSND Lê Thi: Khi còn nhỏ, Đại tướng Phùng Quang Thanh được học dưới mái trường mang tên người anh hùng Phạm Hồng Thái. Mỗi khi về thăm mái trường xưa, Đại tướng Phùng Quang Thanh có dịp ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò. Là đạo diễn đã từng thực hiện nhiều tác phẩm điện ảnh về các tướng lĩnh nhưng khi chứng kiến hình ảnh các cháu học sinh vây quanh Đại tướng Phùng Quang Thanh để nghe vị tướng trận mạc kể chuyện chiến trường và căn dặn thế hệ tương lai học tập thật tốt để sau này xây dựng quê hương ngày phát triển mà lòng tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Sự gần gũi, chân tình của một vị tướng dành cho thế hệ trẻ khiến cả đoàn làm phim cũng như các thầy cô giáo lúc đó đều ấm lòng bởi đó không chỉ là một buổi thăm trường đơn thuần mà còn là thể hiện niềm tin, gửi gắm vào tương lai của một người anh hùng.

leftcenterrightdel
 NSND Lê Thi.

PV: Xin ông cho biết một trong những cảnh quay ấn tượng trong phim?

NSND Lê Thi: Điểm nhấn chủ đạo trong bộ phim là khắc họa hình ảnh thể hiện tình nghĩa của Đại tướng Phùng Quang Thanh với đồng đội, với những gia đình thương binh, liệt sĩ của làng quê của ông và cả những địa phương khác. Trong phim có những cảnh rất cảm động như Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp bà con nhân dân ngay tại chính quê hương mình.

Sinh thời, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn khắc sâu trong lòng, việc đền ơn đáp nghĩa không chỉ là tri ân quá khứ, thế hệ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc mà còn thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam. Dân làng Thạch Đà ai cũng yêu quý người con của quê hương bởi tấm lòng, nghĩa cử với những gia đình thương binh, liệt sĩ, có hoàn cảnh khó khăn.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh động viên chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ tại huyện Đan Phượng, Hà Nội vào ngày 25-3-2013. Ảnh: qdnd.vn

PV: Cảm xúc của ông ra sao khi hoàn thành tác phẩm điện ảnh này?

NSND Lê Thi: Trong quá trình thực hiện bộ phim, chi tiết Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp lại các thầy giáo cũ, những người thầy hơn 90 tuổi, học trò thì tóc cũng đã điểm bạc, nhưng tình nghĩa thầy trò vẫn sâu nặng. Đây là một trong những khoảnh khắc rất xúc động của phim.

Vị Đại tướng một thời dày dạn trận mạc nay trở lại đời thường mới có thời gian dành cho gia đình, con cháu và đồng đội. Ông cảm ơn người vợ thủy chung, đảm đang, tần tảo cả cuộc đời dành cho sự nghiệp của chồng, đó là bà Trần Thị Bích Lộc, người con gái gốc xứ Huế. Trong suốt cuộc đời làm dâu xứ Bắc, bà đã thay chồng nuôi dạy con cái và chăm sóc mẹ già để chồng yên tâm công tác. Suốt một kiếp bình sinh, nhân cách đức độ, tác phong công tác của Đại tướng Phùng Quang Thanh mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam noi theo.

Thời điểm thực hiện bộ phim này, sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh không được như trước nhưng ông vẫn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi hoàn thành tác phẩm. Giờ đây, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã về với đất mẹ, đi về nơi chín suối để gặp người cha thân yêu nhưng những khoảnh khắc được làm phim về một vị tướng trận mạc mãi in đậm trong tâm trí tôi và những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Bộ phim tài liệu nhựa “Người con làng Thạch Đà” được phát sóng trên kênh VTV 1 Đài THVN tối 14-9.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)