QĐND - Đấy là vế đầu câu nói của Khổng Tử-nhà triết học cổ Trung Quốc, còn câu đầy đủ là: Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Như thế mới là biết (Tri chi dĩ vi tri. Bất tri dĩ vi bất tri. Thị tri dã). Về xuất xứ câu nói này thì tương truyền, khi đã nổi tiếng là nhà học vấn uyên thâm, một hôm, ông cùng học trò đang đi bỗng nghe thấy tiếng hai đứa trẻ cãi nhau. Lại gần, ông được chúng nhờ phân xử xem ai thắng khi một đứa nói mặt trời buổi sáng to hơn buổi trưa, đứa kia nói ngược lại. Lúng túng, Khổng Tử đành khất để về “nghiên cứu” rồi trả lời sau, hai đứa trẻ thất vọng bèn mỉa: Ông là bậc thầy thiên hạ mà cũng không biết điều nhỏ đó ư? Về nhà, ông nói với môn đệ câu nói trên để dạy họ phải hết sức thận trọng, cân nhắc trong mọi việc, dù nhỏ, cái gì biết rõ hãy nói…

Triết học Lão Tử thì có phần bí hiểm hơn, ví như câu triết lý: Người biết thì không nói, người nói thì không biết (Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri). Nhưng đấy cũng là một trí tuệ: Người biết đã đầy ắp kiến thức nên không cần như kẻ thiếu đói tri thức, lúc nào cũng phải phô ra để che đậy cái trống rỗng bên trong.

Có thể nói, binh pháp của Tôn Tử-nhà quân sự kiệt xuất cổ Trung Quốc, khái quát, cô gọn trong một chữ “biết”: “Biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận. Chỉ biết mình mà không biết người, đánh trận có khi được, khi thua. Không biết mình, không biết người, đánh trận chỉ thua hoài”. Ông còn nhấn mạnh: “Biết mình, biết người, thắng trận mà không gặp nguy hiểm. Lại biết thiên thời, địa lợi nữa, cầm chắc được toàn thắng”.

Nhà Phật cũng có câu nổi tiếng nói được cái mối quan hệ phổ quát về mục đích, tôn chỉ của tôn giáo này với cuộc đời: “Phật pháp bất ly thế gian giác”-có nghĩa pháp Phật không ở ngoài cái biết về thế gian. Thế là cái “biết” chuyển thành “giác ngộ”. “Giác” cũng có nghĩa là biết, “ngộ” là gặp, nhận ra. Nghĩa của “giác ngộ” là nhận ra chân lý của đời sống. Tương truyền, có một vị đạo sĩ già tên là Brahmayu đến hỏi Đức Phật Thích Ca: “Làm thế nào để được gọi là một người giác ngộ?”. Đức Phật trả lời qua 4 câu kệ: “Những gì cần biết rõ, ta đã biết rõ/ Những gì cần từ bỏ, ta đã từ bỏ/ Những gì cần tu tập, ta đã tu tập/ Do vậy, ta là Phật”. Thâm ý của Đức Phật có thể hiểu như sau: Biết những gì cần biết, bỏ những gì cần bỏ và tu những gì cần tu, thì mới có thể giác ngộ, mới là Phật.

Thực ra, câu nói của Khổng Tử với câu nói của Đức Phật cũng chẳng xa cách nhau, cũng đều nhấn mạnh vào chữ "biết", biết tri thức, biết phát hiện, khám phá tri thức và biết cái giới hạn của mình. Người ngày nay nói: Những tư tưởng lớn thường gặp nhau là vì thế.

Đúng là khôn dại của thiên hạ xưa nay cũng gói gọn trong một chữ “biết” này. Thế cho nên, người Việt ta sâu sắc và thâm thúy mới có câu châm ngôn: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”.

Nhưng khổ nỗi, thời hiện đại hôm nay, có người lại không cần đếm xỉa đến chữ “biết” mà cổ nhân đã cố ý truyền lại, nên:

Có một số người bất mãn, tiêu cực, phát ngôn lung tung, thậm chí dựng chuyện rồi nói xấu cá nhân này, tổ chức nọ… Lại có kẻ hám chuyện, muốn nổi danh nên thấy có gì lạ nhưng dù xấu cũng “bưng” (đăng tải) về “nhà mình” (blog) để khoe với thiên hạ tin “hot”…

Có một vài anh nhà báo không chịu điều tra sự thật, cứ “nghe hơi nồi chõ”, nghe phong thanh rồi viết bài xưng chuyện “y như thật”. Cuối cùng, điều tra ra thì đều là cái sự giả cả.

Lại có một vài tờ báo lá cải đăng lại cái chuyện vô lý nhưng giật gân, câu khách. Cuối cùng bị phạt “tiền”. Cái anh này chỉ “biết” đến tiền thì bị phạt tiền là còn nhẹ. Lẽ ra phải bị “đóng cửa” mới đúng…

Thời nào cũng coi trọng sự biết. Thời này, thời của khoa học, của dân chủ, pháp quyền, ngoài nhiều sự biết thì còn phải biết nhiều, biết kỹ, biết rõ về luật pháp nữa!

NGUYÊN THANH