Mỗi dân tộc, quốc gia thường có ngôn ngữ riêng với những sắc thái đặc trưng rõ nét.

Tiếng Việt (ngôn ngữ Việt) là tài sản quý báu, vô giá của người Việt. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, tiếp thu, cải biến những tinh hoa của các ngôn ngữ khác, được bồi đắp bằng tục ngữ, ca dao, bằng những áng văn thơ tuyệt tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương..., tiếng Việt ngày nay trở thành viên ngọc ngôn ngữ lấp lánh. Người Việt Nam yêu và tự hào vô ngần về tiếng Việt của mình, thứ tiếng trong sáng, hào sảng, mạnh mẽ nhưng cũng đong đầy, chan chứa tình cảm như lời thơ của Lưu Quang Vũ: “Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng/ Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi/ Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người/ Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ/ Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ/ Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay/ Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay/ Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt”.

 Một tiểu thuyết nước ngoài dịch sang tiếng Việt song nhan đề bằng tiếng nước ngoài lại vẫn giữ nguyên.

Tiếng Việt đẹp là vậy, quan trọng là vậy. Vậy mà, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tiếng Việt lại đang bị méo mó, biến dạng bởi nạn sính chữ, sử dụng tiếng nước ngoài tràn lan. Phải nói ngay rằng việc vay mượn từ ngữ của một ngôn ngữ khác để dùng trong ngôn ngữ dân tộc là chuyện bình thường của bất kỳ một ngôn ngữ nào. Trong lịch sử, do còn thiếu những từ về vật dụng hiện đại, về khoa học kỹ thuật nên tiếng Việt đã phải “vay mượn” nhiều từ nước ngoài (nhất là tiếng Pháp, tiếng Anh) để sử dụng. Nhiều từ đã được Việt hóa, trở thành những từ tiếng Việt phổ thông, quen thuộc như: Ampe, amidan, ăng ten, bê tông, ê ke... Song việc lạm dụng, sính chữ nước ngoài tràn lan như hiện nay là một câu chuyện khác hẳn. Trong nhiều trường hợp, mặc dù tiếng Việt đã có những từ diễn đạt nhưng một số người vẫn thích dùng tiếng nước ngoài, cho rằng đó mới là sang, là mốt, là sành điệu. Từ "anh trai" được thay bằng từ "upa" (tiếng Hàn), các từ xin lỗi, cảm ơn, tiền... được thay bằng sorry, thank you, money (tiếng Anh)... Tần suất xuất hiện của những từ nước ngoài như trên hiện nay dày đặc đến mức chúng thậm chí gần như thay thế hẳn các từ thuần Việt.

Đáng lo ngại hơn, ở lĩnh vực văn học nghệ thuật-đặc biệt là thơ ca-xưa nay vốn là cái nôi, là thành trì vững chắc trong việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng, đẹp đẽ của tiếng Việt cũng xuất hiện hiện tượng lạm dụng từ nước ngoài. Nhiều bài thơ tự do xen lẫn từ nước ngoài một cách vô lý và vô lối. Thậm chí, ở thể thơ mang tính chất quốc hồn, quốc túy như lục bát, việc sính chữ, sử dụng tràn lan tiếng nước ngoài cũng xảy ra. Ví như khổ thơ dưới đây trong bài "Đê vồ" của Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ khỉ ta liền đáp: “Biết rồi. Bỏ qua/ xin tặng anh chuột bó hoa”/ chuột ta sượng sịu, khóc oà: “Sorry”. Những hiện tượng trên khiến tiếng Việt có phần trở nên méo mó, biến dạng, lai căng, tạo ảnh hưởng không tốt, nhất là với việc giáo dục các thế hệ trẻ.

Bệnh sính chữ, lạm dụng tiếng nước ngoài là hiện tượng không mới ở nước ta. Nó đã tồn tại từ thế kỷ trước, được nhiều nhà văn hóa, ngôn ngữ cảnh báo. Sinh thời, mặc dù bận bịu vô vàn với những công chuyện quốc gia đại sự nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, thậm chí phê bình các cán bộ về căn bệnh sính chữ, lạm dụng tiếng nước ngoài như kể trên. Người mong mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức bảo vệ tiếng Việt cả trong giao tiếp cũng như viết báo, làm văn... và tuyệt đối “không nên dùng tiếng ngoại quốc, khi có thể dùng tiếng ta”. Lời căn dặn của Bác đến giờ vẫn nguyên giá trị đối với mỗi người dân Việt Nam.

Bài và ảnh: TÂM ANH