Mập mờ… cua đá đen
QĐND Online - Khi đoàn đua di chuyển qua đèo Cả (Phú Yên), trời vẫn mưa nặng hạt. Qua cửa kính ô tô nhòe nước, lúc mờ, lúc tỏ, nhiều người bắt gặp một tấm biển có dòng chữ “Cua đá đen”.
Vậy là một cuộc tranh luận nổ ra.
Người thì bảo đó là biển báo của ngành giao thông về khúc cua mang tên đá đen, vì khu vực này có loại đá màu đen.
Người thì bảo đó là quảng cáo về loại cua đá màu đen.
Có người còn “am hiểu”: Cua đá đen hiếm và quý lắm, ăn rất ngon và bổ, nên giá rất đắt…
Thượng tá Đặng Xuân Chiến, Trưởng ban Tài chính Báo Quân đội nhân dân, phụ trách công tác hậu cần của đoàn đua không đưa ra “quan điểm” chính thống về việc này. Chỉ biết, khi đoàn nghỉ giải lao ở chân đèo, người được mệnh danh “nhà khám phá ẩm thực” này đi lùng sục tìm mua “cua đá đen” để “cải bữa” cho anh em, nhưng chẳng tìm đâu ra. Anh chỉ nhận được câu trả lời: Chưa nghe, chưa thấy cua đá đen bao giờ.
Thượng tá Phí Hữu Khiết, cán bộ hoạt động xã hội của Báo Quân đội nhân dân, phụ trách công tác chính sách, tình nghĩa của đoàn đua thủng thẳng: “Muốn tìm cua đá đen, bác phải ra đảo Cồn Cỏ và chờ sự “đột biến gen” ở loài cua này. (THÀNH TUYÊN)
Gặp đám cưới… càng may
Tối 6-12, đoàn đua di chuyển về tới TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), trời vẫn mưa rả rích. Từ Ban tổ chức đến mọi thành viên cuộc đua ai cũng ái ngại cho chặng đua sáng 7-12 từ TP Quảng Ngãi về TP Đà Nẵng.
Lúc 7 giờ 30 phút sáng 7-12, khi làm Lễ xuất phát chặng đua và tặng quà tình nghĩa, trời vẫn xám xịt. Vậy mà ông Bùi Tá Mạnh, thương binh 2/4 ở phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi đến nhận quà tình nghĩa của đoàn đua vẫn làm an lòng chúng tôi: “Các anh không ngại, bây giờ thì thế, nhưng chỉ 30 phút sau trời sẽ tạnh hẳn. Đoàn đua làm nhiều việc ân nghĩa thế này, thì trời và các liệt sĩ ủng hộ chứ!”.
Ông Mạnh tài thật! Khi đoàn đua xuất phát trời chỉ còn mưa lất phất, sau đó tạnh hẳn. Cả chặng đua, đoàn còn gặp 3 lần trời xám xịt, tưởng chừng đổ nước tới nơi. Vậy mà gió Quảng đã đem mây tản xa, đoàn đua thuận lợi về đích.
Cả chặng đua, người viết chuyện này quan sát thấy 8 đám cưới. Quả là ngày tuyệt đẹp dành cho các đôi bạn trẻ, dành cho đoàn đua.
Đúng là gặp đám cưới… càng may! (THU PHƯƠNG)
“Sao vuông” đồng hành cùng cuộc đua
Sau 5 ngày, vượt qua nhiều cung đường và thời tiết, khí hậu khác nhau, chiều 6-12, Đoàn đua đã đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Suốt hành trình đua và di chuyển từ TP Cà Mau đến TP Quảng Ngãi, ở đâu đoàn đua cũng được người dân chào đón, cổ vũ nồng nhiệt. Một trong những ấn tượng với tôi là những chiến sĩ “sao vuông” của các địa phương. Mặc cho nắng gắt, mưa rét, các chiến sĩ dân quân vẫn kiên trì cùng công an, bộ đội làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho đoàn đua và người dân.
Sự “đồng hành tại chỗ” của các chiến sĩ “sao vuông” làm cho các thành viên cuộc đua thêm yên tâm, hình ảnh cuộc đua thêm màu sắc, ý nghĩa. (DUY HỒNG)
Mẹ đừng quên nhé…
Trong lúc chờ các cua-rơ xuất kích, bé Trương Nguyễn Phi Long, hơn 3 tuổi được bố mẹ cho đứng gần khu vực chuẩn bị của vận động viên các đội.
 |
Trương Nguyễn Phi Long chăm chú xem các cua-rơ đua tài.
|
Thấy các chú vận động viên chuẩn bị xe và khởi động, cháu Long tỏ ra rất thích thú. Nhất là khi thấy các chú lao vun vút trên đường đua, cháu Long cùng mọi người reo hò, vỗ tay cổ vũ không ngớt. Ngưỡng mộ tài đua xe của các chú vận động viên, đến khi kết thúc chặng đua, cháu Long ghé tai mẹ thủ thỉ: “Hôm nay về mẹ nhớ mua xe đạp để cho con tập đi như các chú nhé?”. Thấy đứa con trai bé bỏng nói vậy, chị Nguyễn Thị Kim Loan, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh-mẹ của cháu Long cười yêu rồi nói: “Mẹ nhớ rồi”. (Tin, ảnh: HỒNG KHÁNH CHI)
Không được ăn cá rìa!
Chặng di chuyển từ TP Nha Trang đi TP Quảng Ngãi trong ngày 6-12, đoàn đua dừng ăn trưa tại nhà hàng AStop bên bờ vịnh Xuân Đài, thuộc TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Nhân viên nhà hàng vừa vớt cá ra khỏi nồi canh, Đại tá Hoàng Lân, nguyên Trưởng phòng Trị sự - Hành chính Báo QĐND đã cảnh báo: “Đây là cá rìa. Các bác tài không được ăn, vì nó như thuốc ngủ ấy”.
Chẳng là, quê anh ở một vùng biển tỉnh Quảng Ninh, từ nhỏ đã được mẹ truyền cho kinh nghiệm ấy và nay có cơ hội “dụng võ”.
Nồi canh cá bốc hơi nghi ngút, lan tỏa mùi thơm quyến rũ, các bác tài thèm lắm nhưng cũng phải dừng muôi, gác đũa. Vì các cụ từng truyền:“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, bởi còn hơn 200km nữa mới kết thúc chặng đường. Chỉ lợi cho chúng tôi, những người không cầm vô- lăng.
Đấy là việc của các bác tài, còn người viết “chuyện bên lề” này phải kiểm chứng thông tin. Nhân viên nhà hàng Nguyễn Thị Hồng Điệp quả quyết: “Bác ấy nhầm cá nọ với cá kia rồi. Cá của cháu là cá giò, nó dày mình, còn cá rìa thì dẹt và vây sắc hơn”.
Ngồi trên xe, tôi cung cấp thông tin này, lái xe Đoàn Ngọc Bóng của Báo Quân đội nhân dân tiếc ngẩn ngơ! (THÀNH TUYÊN)
Cảm thông hồn hậu
Đường Phạm Văn Đồng (TP Hồ Chí Minh) có 4 làn xe, hai làn dành cho xe ô tô, hai làn dành cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ. Để phục vụ Cuộc đua xe đạp “Xuyên Việt - 2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam”, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giao thông trên tuyến đường này, để vừa không ảnh hưởng đến đi lại của người dân, vừa phục vụ đoàn đua thực hiện chặng đua thứ 3 quanh thành phố. Bởi vậy, mật độ phương tiện lưu thông trên hai làn đường kia tăng lên, có lúc các phương tiện phải đi chậm lại.
Tuy nhiên, các chủ phương tiện đều vui vẻ, rất nhiều người đưa xe lên vỉa hè, chuyển ngôi từ người tham gia giao thông thành người cổ vũ nhiệt tình cuộc đua. Anh Võ Hữu Nghĩa ở phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự cảm thông và thú vị: “Chậm một chút hề chi. Được trực tiếp xem một giải đua lớn, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam thì thú vị lắm chứ!”. (PHƯƠNG HOA)