QĐND - Sau gần 10 tháng đồng hành cùng bạn đọc, diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” trên Báo Quân đội nhân dân tạm thời khép lại. Chúng tôi nói “tạm thời khép lại” là bởi, “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” là một đề tài mở và cũng là “mảnh đất màu mỡ” để cho các nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và tất cả những ai quan tâm, yêu quý Bộ đội Cụ Hồ có cơ hội tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác, khám phá để ngày càng tìm thấy những vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc của danh xưng-danh hiệu cao quý đặc biệt này.

1. Ngày 13-3-2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm quân ta đánh trận Him Lam-trận thắng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân mở diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” trên trang Văn hóa-Thể thao. Từ đó đến nay, hầu như tuần nào trên tờ báo cũng xuất hiện đều đặn các bài viết trên diễn đàn. Mặc dù trong thời gian này, trên Báo Quân đội nhân dân cùng duy trì hai chuyên mục “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, nhưng những bài viết về “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” vẫn tìm được chỗ đứng riêng bởi cách tiếp cận, khai thác, lý giải về Bộ đội Cụ Hồ thiên ở góc độ văn hóa và có chiều sâu về tầm mức, biên độ thông tin. Hay nói cách khác, nếu như hai chuyên mục trên chủ yếu nhấn mạnh đến việc khai thác, phát huy sức mạnh truyền thống, khơi nguồn khả năng, sức mạnh hiện tại để góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, anh hùng của Quân đội nhân dân  (QĐND) Việt Nam và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, thì ở diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” lại chú trọng đi sâu phân tích, lý giải và làm nổi bật những giá trị văn hóa, giá trị nhân cách, những chuẩn mực cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ cả trong quá khứ và hiện tại.

Tái hiện khí phách anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Ảnh: Minh Trường.

2. So với một số diễn đàn trước đây như “Dân ta phải biết sử ta”, “Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực”, “Văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập” trên trang Văn hóa-Thể thao, diễn đàn "Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” có thời gian đăng dài nhất (gần 10 tháng), đăng tải số lượng bài nhiều nhất (hơn 60 bài), thành phần tham gia đa dạng nhất, từ các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, tướng lĩnh, giảng viên… đến các cán bộ lãnh đạo địa phương và cán bộ, sĩ quan ở đơn vị cơ sở. Trong số đó, có thể kể đến một vài gương mặt được công chúng "quen tên biết tiếng" như: GS, TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thắng; GS, NGND, nhà nghiên cứu âm nhạc Dương Viết Á; nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân; GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống; nhà văn Ngô Vĩnh Bình và các nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Anh Ngọc…

3. Ngoài tình yêu và niềm tin sâu sắc dành cho Bộ đội Cụ Hồ, sở dĩ diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” có sức hút lớn đối với các cây bút và bạn đọc bởi đây là một đề tài hấp dẫn, có thể khai thác, tìm hiểu ở nhiều góc độ, khía cạnh, chiều kích khác nhau. Nhưng tựu trung lại, hầu hết các bài viết đều có chung nhận định rằng: Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là một tên gọi thân thương mà nhân dân trao tặng cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, mà đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Những giá trị ấy đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, được nhân dân ta thừa nhận, trân trọng và tôn vinh. Mặt khác, Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu đã hội tụ những phẩm chất đạo đức, văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam thời đại mới. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở khách quan để khẳng định danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu, đã góp phần làm giàu thêm những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

4. Trên cơ sở nhận thức chung như vậy, các tác giả đã có nhiều cách tiếp cận, lý giải, phân tích về giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Có những bài nghiên cứu vừa có tính khái quát, vừa có chiều sâu, giúp bạn đọc có cái nhìn hệ thống, toàn diện, sâu sắc về phẩm chất văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ. Đó là các bài: “Nuôi dưỡng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ” (GS, TS Đinh Xuân Dũng); “Danh xưng mang tính biểu tượng văn hóa quân sự” (Dương Xuân Đống); “Hiện tượng độc đáo trong văn hóa Việt Nam” (Ngô Vĩnh Bình); “Từ nhân gian, tỏa sáng trong nhân gian” (Mạnh Hùng); “Từ anh Vệ quốc quân đến Bộ đội Cụ Hồ” (PGS, TS Vũ Nho)… Có những bài đi sâu phân tích, làm rõ từng giá trị cụ thể của Bộ đội Cụ Hồ, như: “Tình quân-dân cá nước” (Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thắng); “Yêu thương đồng chí, đồng đội” (Chu Minh Thiện); “Đức hy sinh” (Thiện Văn); “Nhân đạo và nhân văn trong văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” (Lê Đông Hà); “Gan và khéo” (Hồng Hải)…

Không chỉ có người Việt ta trân trọng, tôn vinh Bộ đội Cụ Hồ, mà người nước ngoài cũng nhìn nhận, đánh giá khách quan về những phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, thông qua bài viết “Lính Mỹ đã tôn trọng Bộ đội Việt Nam như thế nào” của nhà sử học Hoa Kỳ Lin Di-cang (Đông Hà dịch); hay như Rô-man Các-men, đạo diễn phim nổi tiếng của Liên Xô (trước đây) đã từng nói: “Nhân dân Việt Nam thật là hạnh phúc vì có Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân, do dân và vì dân. Chừng nào ở Việt Nam còn có Bộ đội Cụ Hồ thì mọi kẻ thù giai cấp, dân tộc không thể đụng đến cuộc sống hòa bình của người dân Việt Nam”. Và đây là điều mong muốn của Rô-man Các-men: “Cho dù ngày nay, quân đội có được trang bị những vũ khí tối tân hiện đại đến mức nào, nhưng để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược thì hãy học cách được làm Bộ đội Cụ Hồ như ở Việt Nam” (trích bài “Danh thơm của Bộ đội Cụ Hồ đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam” của Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương).

5. Ra đời, tôi luyện, thử thách, lớn lên và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một trong những hình tượng trung tâm, nổi bật, được phản ánh rõ nét trong văn học nghệ thuật ở thế kỷ XX. Nhìn từ khía cạnh này, có thể kể đến một số bài viết như: “Nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca” (Anh Ngọc); "Thơ về Bộ đội Cụ Hồ đồ sộ và vô cùng sáng đẹp" (Ngô Vĩnh Bình); “Chân dung người chiến sĩ qua âm thanh” (GS, NGND Dương Viết Á); “Hình tượng người chiến sĩ qua điện ảnh” (Mai Anh Tuấn)… Trong xã hội ta, thật hiếm thấy thành phần nào lại được thi ca, nhạc, họa, điện ảnh… ưu ái khắc họa sâu đậm như Bộ đội Cụ Hồ. Cũng dễ hiểu thôi bởi Bộ đội Cụ Hồ-bằng tình cảm, lẽ sống, niềm tin, hành động cao cả của mình-đã góp phần làm nên những giá trị mới cho văn hóa Việt Nam. Những giá trị đó đã, đang và sẽ đồng hành, phát huy, lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

6. Với mục đích góp phần phổ biến, giáo dục, tuyên truyền tất cả những giá trị văn hóa đã làm nên danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời tiếp tục làm cho danh hiệu ấy thấm sâu vào con tim, khối óc của mỗi quân nhân, thấm sâu vào mọi hoạt động quân sự và phát huy, tỏa sáng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói rằng, diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” đã có tác động tích cực đến bạn đọc. Trung tá Nguyễn Văn Chí, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 316 (Quân khu 2), tâm sự: “Tôi cho rằng, các bài viết trong diễn đàn này vừa có giá trị về lý luận, khoa học, vừa là những nội dung giáo dục lịch sử truyền thống rất bổ ích, thiết thực. Chính những bài viết như vậy đã giúp đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ tuyên huấn ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân có thêm một “cẩm nang tuyên truyền” để làm tốt hơn công tác giáo dục truyền thống, nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam”.

7. Sau gần 10 tháng đồng hành cùng bạn đọc, diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” trên Báo Quân đội nhân dân tạm thời khép lại. Chúng tôi nói “tạm thời khép lại” là bởi, “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam” là một đề tài mở và cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và tất cả những ai quan tâm, yêu quý Bộ đội Cụ Hồ luôn có cơ hội tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác, khám phá, để ngày càng tìm thấy những vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc của danh xưng-danh hiệu cao quý đặc biệt này. Dù không đội mũ diễn đàn “Bộ đội Cụ Hồ-Giá trị văn hóa Việt Nam”, nhưng Báo Quân đội nhân dân vẫn tiếp tục đón đợi, tiếp nhận và đăng tải những bài viết có nội dung thiết thực, liên quan đến giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Thông qua những kỷ niệm, ký ức, câu chuyện và những cử chỉ, hành động, việc làm giàu tính văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện các nhiệm vụ và giải quyết các mối quan hệ xã hội, các bài viết có thể khái quát, nhận định, khẳng định thêm những phẩm chất, giá trị, nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới; hoặc cũng có thể kiến giải, đề xuất, phát hiện thêm những ý tưởng, giải pháp mới để không ngừng bổ sung, phát triển, làm giàu giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

Có thêm những bài viết như thế là chúng ta thiết thực góp phần làm cho danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ mãi tỏa sáng trong lòng Tổ quốc, dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN VĂN HẢI