Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát xoan Phú Thọ, nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác trên quê hương Đất Tổ đã khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế-xã hội của địa phương.

 Tiến sĩ Nguyễn Đắc Thủy.

Phóng viên (PV): Năm nay vừa tròn 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại. 10 năm là một khoảng thời gian không dài nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận về giá trị, niềm tự hào cùng những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh. Những không gian văn hóa di sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua được bảo tồn, phát huy giá trị như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Đắc Thủy: Sau khi UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là DSVHPVT đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Từ đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giá trị cốt lõi của di sản đến cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Trong đó, việc phục hồi và tôn tạo không gian văn hóa thực hành di sản tại các di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được đặc biệt chú ý.

Hiện trên địa bàn có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Đối với trung tâm thực hành tính ngưỡng Khu di tích lịch sử Đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ huy động nguồn lực, tranh thủ nguồn xã hội hóa để tu bổ, chỉnh trang toàn bộ khu di tích, trong đó có các hạng mục theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các di tích, không gian văn hóa thờ cúng Hùng Vương khác cũng được tu bổ bảo đảm cho đồng bào thực hiện tín ngưỡng của mình. Bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt khu vực vùng lõi di tích, chúng tôi cũng chăm lo bảo vệ giá trị của các hiện vật; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tăng cường khai thác những phân khu chức năng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cũng như khai thác vùng phụ trợ phát triển du lịch. 

Đối với văn hóa phi vật thể, chúng tôi tiến hành rà soát để bảo tồn và phát huy những giá trị tín ngưỡng liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn, như: Lễ hội đình Hùng Lô, Lễ hội rước voi Đào Xá... Hằng năm, các lễ hội được tổ chức bảo đảm các yếu tố truyền thống, trang nghiêm, thành kính.

 Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2021.

PV: Đã có những kế hoạch, hoạt động tuyên truyền như thế nào để khuyến khích người dân hiểu được việc thờ cúng Hùng Vương trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và đất nước, thưa ông?

TS Nguyễn Đắc Thủy: Hiện nay có nhiều mô hình hay giúp việc thực hiện tín ngưỡng có sức lan tỏa mạnh được chúng tôi khuyến khích nhân rộng. Chẳng hạn như một số làng quanh Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tổ chức thực hiện các mâm cơm tri ân công đức tổ tiên, tập hợp gia đình con cháu vào mồng 10 tháng 3 âm lịch. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa bằng hình ảnh trực quan, cổ vũ cộng đồng người Việt trong nước và ở nước ngoài hiểu được giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, giáo dục thế hệ trẻ cũng như phát huy truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt; phát hành tài liệu đến các tỉnh, thành phố trong cả nước để thực hiện một cách thống nhất...

Đến nay, nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã xây dựng đền thờ Hùng Vương để thực hành tín ngưỡng. Họ xin những mẫu phục, nghi thức, xin nước và chân hương từ Đền Hùng về thờ tự tại văn phòng sứ quán các nước, tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Cùng với đó là sự hỗ trợ cho các địa phương trong nước tiếp cận, xây dựng, tu bổ di tích và phục hồi các không gian văn hóa; hướng dẫn thực hành các nghi thức tín ngưỡng theo đúng nghi thức truyền thống của di sản. Hiện cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương.

PV: Sở hữu những di sản văn hóa đặc sắc, Phú Thọ đã có những quy hoạch, đầu tư ra sao để tạo ra những điểm đến hấp dẫn, bổ trợ cho loại hình văn hóa tín ngưỡng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương?

TS Nguyễn Đắc Thủy: Dựa vào di sản lớn nhất là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan, chúng tôi chủ động cùng các công ty lữ hành xây dựng những sản phẩm du lịch kết nối giữa di sản với du lịch, quảng bá tới thị trường khách khác nhau, thu hút khách đến trải nghiệm di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đó là mô hình trải nghiệm cộng đồng kết hợp phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại làng cổ Hùng Lô. Đến đây, du khách được trải nghiệm quy trình làm bánh chưng, bánh giầy dâng cúng. Tỉnh cũng đã kết nối các khu, các điểm du lịch như khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, du lịch trải nghiệm Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc... Đã có một số nhà đầu tư lớn nghiên cứu đầu tư, xây dựng các điểm du lịch trên địa bàn Phú Thọ tạo ra sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn, bền vững.

PV: Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2022 tổ chức ở quy mô cấp tỉnh. Vậy hoạt động lễ hội có gì thay đổi không, thưa ông?

TS Nguyễn Đắc Thủy: Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Giỗ Tổ Hùng Vương được tỉnh tổ chức chủ yếu phần lễ. Phần hội tổ chức một số hoạt động để phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, như: Chương trình nghệ thuật gắn với bắn pháo hoa tầm cao nhân kỷ niệm 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh; trưng bày tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-hội tụ và lan tỏa; bơi chải trên hồ công viên Văn Lang; hát xoan làng cổ ở các làng xoan gốc... Như vậy, ngoài dâng hương, khách thập phương còn có thể khám phá trải nghiệm các giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch khác trên địa bàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NHỊ HÀ (thực hiện)