Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng của kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bài thơ được sáng tác vào tháng 2-1979. Sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến luôn đau đáu viết một ca khúc về tình yêu của người lính nơi biên giới và khi gặp được tứ thơ của nhà thơ Dương Soái thì câu chuyện tình yêu trong chiến tranh bằng âm nhạc đã ra đời.
Khi bài thơ được phổ nhạc thì NSND Thanh Hoa là ca sĩ đầu tiên thể hiện thành công tác phẩm này. Hơn 40 năm đã qua, nhưng NSND Thanh Hoa vẫn không thể nào quên khoảnh khắc được cầm trên tay bản nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến vừa mới hoàn thành.
NSND Thanh Hoa đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”- một trong những tác phẩm âm nhạc mà chị thể hiện thành công trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
 |
NSND Thanh Hoa song ca cùng con trai Tôn Thất Sơn ca khúc "Gửi em ở cuối sông Hồng". Ảnh: Kiều Anh Kiệt |
Phóng viên (PV): Đã từng thể hiện rất nhiều ca khúc về người chiến sĩ, cảm xúc của chị ra sao khi hát bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”?
NSND Thanh Hoa: Tôi đã từng hát rất nhiều bài hát về tình yêu của người chiến sĩ nơi biên giới như: “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Mùa xuân biên cương”, “Ánh trăng xanh”…nhưng trong đó nổi nhất và để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả nhiều nhất vẫn là ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”.
Đây là một bài hát xúc động đối với cả ca sĩ thể hiện và người nghe nhạc. Khi nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ thì tôi được là người nghe gần như đầu tiên bởi vì tôi ở cạnh nhà nhạc sĩ Thuận Yến.
Ca khúc này là một “bức tranh” tình yêu lãng mạn của một anh bộ đội đang ở biên giới và một cô gái đang ở hậu phương. Trong âm nhạc thì dường như những câu chuyện tình được kể bằng âm nhạc sẽ chạm đến trái tim người nghe và “Gửi em ở cuối sông Hồng” là một trong những chuyện tình yêu có đời sống âm nhạc lâu bền trong lòng khán giả bởi bài hát mang dấu ấn của lịch sử.
Bài hát khắc họa hình ảnh cô gái ở nhà thì luôn nhớ đến hình ảnh của người yêu đang làm nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng là bảo vệ Tổ quốc. Đó là một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ, là niềm tự hào của bất kỳ chàng trai Việt Nam nào khi khoác trên mình bộ quân phục màu xanh.
PV: Tình cảm của người chiến sĩ và người yêu trong ca khúc để lại dấu ấn với chị thế nào?
NSND Thanh Hoa: Trong rất nhiều ca khúc về người chiến sĩ tôi đã từng hát thì đã có biết bao nhiêu bản tình ca nói về các cuộc xa cách nhưng đó là chỉ xa cách về mặt địa lý chứ không xa cách về tâm hồn cũng như tình cảm. “Gửi em ở cuối sông Hồng” là một trong những bản tình ca gần như tiêu biểu của tình yêu trong âm nhạc. Lời ca trong bài hát thể hiện nỗi khắc khoải “Biết là anh nhớ về em đó (là chiến công), (là niềm tin)/Là tình yêu em gửi cho anh/Anh gửi cho em/Em gửi cho anh /Là tình yêu... ta gửi... cho nhau…”
Người chiến sĩ trong bài hát hiểu rõ hơn ai hết rằng, khi nhớ đến người thân yêu của mình ở xa thì càng tỏ rõ trách nhiệm của mình trong bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cả người yêu thương của mình.
PV: Là ca sĩ đầu tiên thể hiện thành công ca khúc này khi tuổi đời còn rất trẻ, cảm xúc khi đó của chị ra sao?
NSND Thanh Hoa: Nhạc sĩ Thuận Yến sau khi phổ nhạc ca khúc này thì ông tự hát cho tôi nghe đầu tiên và hỏi rằng “Em có thích bài hát này không? anh nhờ em thu thanh ca khúc này nhé!”. Lúc đó tôi nghe thấy hay quá và nhận lời luôn. Khi ấy, tôi khoảng hơn 20 tuổi và mới về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
Lần đầu tiên tôi hát có một chút ngỡ ngàng bởi giai điệu của bài hát rất đẹp cộng với ca từ thì mượt mà, sâu lắng và vô cùng ý nghĩa. Khi âm nhạc kết hợp với ca từ đẹp thì sẽ tạo thành một bức tranh ấn tượng được “vẽ” bằng âm nhạc. Giai điệu ca khúc rất ngọt ngào và khi tôi cất lên tiếng hát thì nhớ được từ luôn và cũng không cần phải tập nhiều lần. “Gửi em ở cuối sông Hồng” là một bản tình ca gần như để lại dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi.
PV: Đã từng biểu diễn song ca bài hát này với rất nhiều nam ca sĩ, theo chị điểm đặc biệt của ca khúc này là gì?
NSND Thanh Hoa: Tôi đã thu âm bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” với ca sĩ Tiến Thành, Đức Long, Việt Hoàn, Trọng Tấn…và gần đây thì hát song ca với con trai là ca sĩ Tôn Thất Sơn.
Tôi nghĩ rằng, bài hát này đặc biệt là tôi có thể hát được với nhiều giọng nam. Khi hát song ca với nam ca sĩ nào tôi cũng cố gắng truyền tải đến người nghe nét tinh túy của ca khúc. Đến bây giờ, rất nhiều ca sĩ đã hát và có những ca sĩ đã “đóng đinh” trong lòng khán giả với ca khúc này như Anh Thơ và Việt Hoàn. Bao thế người Việt Nam, dù già hay trẻ tuổi vẫn say sửa hát bản tình ca biên giới "Gửi em ở cuối sông Hồng"...
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Ca sĩ Anh Thơ:
Khi hát ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”, tôi đặt hoàn cảnh mình vào trong tác phẩm, với nỗi nhớ mong đợi người yêu, cảm xúc lo lắng, nhớ nhung... Ngoài ra, trong khi hát, tôi tưởng tượng ra mối tình vô cùng đẹp của người chiến sĩ và người yêu. Vì thế, mỗi lần biểu diễn đều để lại dấu ấn với khán giả. Tôi hát song ca thành công và cảm xúc nhất tác phẩm này đó là khi kết hợp với ca sĩ Việt Hoàn.
 |
Ca sĩ Anh Thơ. |
Mỗi lần biểu diễn xong ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”, tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh chiến tranh, thiếu thốn đủ thứ nhưng các cô chú luôn sẵn sàng hy sinh tình cảm cá nhân cho một tình yêu cao đẹp hơn, đó là tình yêu Tổ quốc. Tôi vô cùng tự hào về thế hệ trước, dẫu xa cách nhưng vẫn chung thủy, lo lắng cho nhau và cùng động viên nhau để chàng trai hoàn thành nhiệm vụ nơi biên giới.
Nhiều lần tôi đã biểu diễn ca khúc này trên sân khấu mà khán giả là những chiến sĩ. Một màu xanh áo lính phủ kín khán phòng hòa trong giai điệu, ca từ, bài hát đã mang đến cho tôi niềm tự hào, xúc động vô cùng. Có những lần, khi hát xong ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng, tôi đã khóc bởi hát về người lính lại ở sân khấu của những người lính thì đó là những buổi biểu diễn vô cùng ý nghĩa đối với người làm nghệ thuật.
|
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)