QĐND - Cứ nhìn những tấm ảnh chụp cổ động viên Việt Nam rơi nước mắt trên sân Mỹ Đình sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2014, lại thấy chạnh lòng. Mà những bức ảnh như vậy, đáng buồn thay, dường như đã trở thành một “truyền thống” của báo chí Việt Nam sau mỗi giải đấu lớn trong gần hai thập niên qua. 

Ngoại trừ một AFF Cup 2008 với những gương mặt rạng rỡ sau cú đánh đầu của Công Vinh vào lưới Thái Lan trên sân Mỹ Đình, còn lại chỉ toàn nước mắt! Trước cái thời khắc vinh quang hiếm hoi ấy là chung kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy, rồi đến các SEA Games, các giải đấu khu vực; sau đấy lại là SEA Games 25 năm 2009 tại Lào, rồi tiếp đến là liên tiếp các kỳ AFF Cup sau đó nữa, cho đến thảm họa trên sân Mỹ Đình vừa qua…

Nỗi buồn của các cầu thủ Việt Nam sau trận thua Malaysia. Ảnh: bongda.com.vn

Người ta thường nói có hy vọng quá mới thất vọng nhiều, có yêu nhiều quá mới tủi hờn nhiều (vì bị phụ bạc!). Điều này quá đúng với bóng đá Việt Nam, nhưng chỉ ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Chứ U19 Việt Nam đấy, yêu là thế, hy vọng là thế, vậy mà khi thua tan nát, người hâm mộ chỉ chép miệng thở dài: “Ừ, thôi thế là hay lắm rồi. Cố lên ở những giải sau các em (cháu) nhé!”.

Tuyệt không hề có sự nghi ngờ nào về các chàng trai U19 cả.

Lại nói chuyện nghi ngờ đội tuyển quốc gia, đúng là có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ở SEA Games 23 năm 2005 tại Phi-líp-pin, U23 Việt Nam giành huy chương bạc, một thành tích cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng, khi bắt đầu xuất hiện những tin tức dè dặt đầu tiên về khả năng có một số tuyển thủ quốc gia làm độ thì ông huấn luyện viên (sau này được mệnh danh là “phù thủy”-với cái ý tích cực) lúc ấy đang làm trợ lý cho huấn luyện viên trưởng người Áo A.Rít-đơn, lớn tiếng đôi co với báo chí rằng làm gì có chuyện bán độ (mặc dù ông này đã được đội trưởng Tài Em báo cáo sự việc ngay khi giải còn đang diễn ra). 

Cơ quan điều tra sau đó kết luận có tới 7 cầu thủ quốc gia bán độ (dù là “làm độ thắng!”), trong đó có những ngôi sao trong lòng người hâm mộ hoặc thần tượng trong trái tim các thiếu nữ như Văn Quyến, Quốc Vượng.

Mất trộm không phải chỉ một lần nên bây giờ chỉ nghe tiếng lá rơi cũng nghĩ đấy là bước chân  kẻ trộm, đội tuyển Việt Nam vừa mới thua tan nát ở sân Mỹ Đình, lập tức ông Chủ tịch VFF tuyên bố mời công an vào cuộc! Người bình thường nghi ngờ không sao, chứ một khi ông chủ tịch phát ngôn ra trước công luận như thế thì khác nào chỉ mặt đặt tên rằng: “Tôi nghi các anh lắm!”.

Vội vã phủ nhận chuyện bán độ với một thái độ thách thức báo chí kiểu như ông trợ lý huấn luyện viên đội tuyển hồi năm 2005 dù đã ít nhiều có bằng chứng, hay vội vàng tuyên bố chuyện điều tra các cầu thủ đội tuyển ở giải AFF Cup năm nay khi mà chưa hề có manh mối gì ngoài một sự nghi ngờ thủy chung (!) mỗi khi thua trận, đều là những lối hành xử không chuyên nghiệp của những người làm trong bộ máy bóng đá chuyên nghiệp.

Nên ông trợ lý năm xưa bị báo chí coi là người lỗ mãng, thiếu văn hóa, còn ông Chủ tịch VFF năm nay bị cầu thủ Phước Tứ của đội tuyển chia sẻ với giới truyền thông rằng anh rất buồn “vì phải làm việc với một ông chủ tịch quá kém!” 

Trong khi đó thì người hâm mộ Việt Nam vẫn chưa biết bao giờ mới được nở nụ cười trên những bức ảnh, chứ không phải chỉ toàn những giọt nước mắt!

YÊN BA