“Này, đi gì mà nhanh thế? Có chờ nhau không thì bảo. Tối nay, đứa nào đi học hát không rủ thì đừng có mà trách nhé!”. “Cho đáng đời, ai bảo đau đẻ còn chờ sáng trăng. Cứ nghỉ thêm buổi nữa đi, xem kỳ này bà Gái có cho lên thuyền nữa không”... Nghe hai chị đối đáp mà tôi bấm bụng không dám cười. Người vừa quở trách vì không chờ là chị Hạnh, nhà ở đầu ngõ; còn người mắng trêu là chị gái tôi. Những người con gái có tiếng hát sáng trong nhất làng, chỉ mong đến ngày hội để được xuống thuyền buông câu hát quan họ ngày xuân.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Toquoc.vn 

Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày hội làng, không khí chuẩn bị xem chừng gấp gáp lắm. Ban ngày, dẫu có cấy ở đồng xa, tôi vẫn nghe lẫn trong gió tiếng trống, tiếng chiêng của các cụ tập tế ngoài đình. Mấy anh thanh niên vừa làm đồng vừa bàn nhau việc rước kiệu thánh, làm đu tre, vun lại sới vật... Còn các chị cứ tối đến lại tranh thủ đến nhà bà Gái để rèn buông câu, nhả chữ.

Bà Gái dẫu không phải người ca hay nhất làng nhưng lại là người có lưng vốn kha khá, biết ca đủ lối, đủ câu mà cũng say mê truyền dạy cho lớp trẻ. Vậy nên, nhất niên nhất lệ, đến ngày lễ thánh hội làng, các cụ cao niên lại giao trọng trách cho bà Gái tổ chức luyện rèn các chị trong thôn sao cho xứng câu, xứng giọng với các đương quan họ liền anh thôn bên.

Mưa xuân vẫn trùm trên mái như vô tình, chẳng quan tâm đến những vội vàng, gấp gáp bên những nếp nhà đang chuẩn bị cho ngày hội làng. Trời đã tối, hàng xóm đã lên đèn, mưa xuân giăng khắp lối. Chị tôi đưa bàn tay trước mái hiên nhà, từng giọt, từng giọt mưa thấm xuống bàn tay. Hành động phỏng đoán thời tiết đầy nữ tính ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Dưới mái hiên nhà ấy, bà tôi đã đưa bàn tay đoán thời tiết, đến mẹ và đến chị cũng vẫn như vậy. Những bàn tay nối dòng cảm nhận mưa xuân, có khi là để xem mưa nặng, nhẹ đến đâu. Nhưng cũng có khi, bàn tay ấy đưa ra chỉ như một thói quen gần gũi của cảm xúc và hành động trước thời tiết vốn dĩ đã thành quy luật ở nơi đây.

Tôi đứng ngay bên cánh tay đang vươn ra trước hiên nhà nói khe khẽ: “Chị! Cho em đi với!”. “Trẻ con theo các chị làm gì, lo ở nhà học đi!”, chị mắng yêu rồi lại cười với đứa em nhỏ. Dẫu vậy, chị vẫn bảo tôi chạy vào xin phép mẹ rồi với tay lấy tấm vải mưa để che cho hai chị em. Hai chị em lúp xúp trong tấm vải mưa. Con đường làng lẫn với màn mưa, le lói ánh sáng từ những cột đèn xa xa.

Mới đến đầu cổng nhà bà Gái đã thấy rộn ràng. Tiếng bà giục chị Hồng xuống bếp rót thêm nước vào ấm, gọi cái Nga bằng tuổi tôi lấy thêm kẹo lạc bày ra đĩa mời mọi người. Cả căn nhà vang vang tiếng bà, chỉ nghe tiếng “vâng”, “dạ” nối đuôi như một cái nếp quen thuộc.

Tôi ngồi quanh chiếu góc nhà với lũ bạn sàn tuổi, ngó nghiêng đĩa kẹo lạc vàng rộm phủ bột áo trắng trong. Nơi chiếc chiếu giữa nhà, bà Gái đang nói với các chị về nỗi nhớ của người quan họ: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”... Rồi tay bà cầm phách tre vừa gõ nhịp vừa ngân lên câu hát: “Luống những là bâng khuâng/ Xếp để trong lòng, vơi đầy sầu đong/ Ban tối đêm qua, một mình em thao thức là thiết tha trong lòng”...

Những đứa trẻ chưa hiểu nỗi nhớ ấy là gì nhưng nghe bà Gái hát thì cũng chợt thấy lòng mình da diết, xuyến xao như thiếu một cái gì, vắng một cái gì thân quen lắm mà không gọi được tên. Chỉ có chị tôi, đôi má hình như ửng đỏ khi tiếng hát chạm vào câu chữ bâng khuâng. Ngoài hiên, tiếng mưa xuân vẫn rơi đều đều như gõ nhịp cùng câu hát.

NGUYÊN ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.