QĐND - Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa quê hương xứ Nghệ cùng với truyền thống gia đình là những mạch nguồn trực tiếp nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của Người ngay từ thuở ấu thơ. Trong tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh rất hay lấy mạch nguồn thần thoại Lạc Việt để kêu gọi người dân Việt tự hào về nòi giống, đoàn kết, thương yêu nhau để đứng dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Vì vậy, không hề ngẫu nhiên, các thần thoại này được Người nhắc lại nhiều lần trong những thời điểm đất nước khó khăn nhất (trước năm 1945 và thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp) rất cần đến sức mạnh đoàn kết. Đó là thần thoại Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên Vương… Người thường nhắc đến những chữ "Rồng Tiên", "Lạc Hồng" và thành ngữ "con Rồng cháu Tiên". Lời của "Lịch sử nước ta" vượt lên trên lời của một cá nhân để vươn tới tầm là lời của lịch sử:

Mai sau sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng

Bài "Mười chính sách của Việt Minh" có nội dung tuyên truyền những công việc cách mạng, mở đầu là hình tượng Rồng Tiên: Làm cho con cháu Rồng, Tiên/ Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta. Khép lại cũng là hình tượng ấy: Rồi ra sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng.

Cuối bài "Ca sợi chỉ", tác giả nhắc lại lịch sử đoàn kết:

                            Hỡi ai con cháu Hồng Bàng

                       Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau

Trong "Lời kêu gọi đầu năm mới" (1947), Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dân Việt hãy xứng đáng là nòi giống Rồng Tiên thì quyết không chịu nỗi nhục nô lệ: “Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp giày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không? Không, quyết không!”.

Học viên Trường Đại học Chính trị cùng thanh niên địa phương làm sạch, đẹp Nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: ĐÌNH PHÒNG

Trong tác phẩm của Hồ Chí Minh xuất hiện rất nhiều lần các cụm từ chỉ dòng giống vinh quang của người Việt: Hồng Lạc, Lạc Hồng, con Hồng cháu Lạc, con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên… vừa gợi lên ở người dân niềm tự hào về nòi giống, lòng biết ơn tiên tổ, vừa đánh thức đồng bào về ý thức đoàn kết dân tộc. Trong số các bậc anh hùng có trong lịch sử, Hồ Chí Minh hay nói đến các vị: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Quang Trung. Đây là những tấm gương oanh liệt được sử sách ghi nhận là những con người quên mình vì nghĩa lớn, những ý chí cứu nước, những tài năng quân sự kiệt xuất... Trong kháng chiến chống Pháp, những trận đánh, những chiến dịch lớn, theo đề nghị của Bác, bộ chỉ huy các chiến dịch đã lấy tên các vị anh hùng từng thắng giặc vẻ vang: Trận Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Quang Trung… Đặc biệt, hình tượng Hai Bà Trưng được Hồ Chí Minh nói tới nhiều nhất. Có thể đây là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường của cả dân tộc.

Biểu trưng gốc rễ xuất hiện với tần số rất cao trong tác phẩm của Người, như: “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, cành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”. Truyền thống nhân nghĩa của người Việt đã quy định một nét tâm lý kính trọng tiền nhân, biết ơn nguồn cội: Có cội mới có cành, Lá rụng về cội, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Bác Hồ kế thừa đạo lý này và đã tạo ra một màu sắc ý nghĩa mới cho phù hợp với thời đại mới trong việc giáo dục đạo đức cách mạng.

Tháng 6-1968, làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”, Bác nhắc nhở cán bộ: “Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!" (1). Một chân lý về quan hệ giữa cá nhân và quần chúng, giữa bộ phận và toàn thể được Người diễn đạt rất dễ hiểu bằng những hình ảnh giản dị. Toát lên một chân lý giáo dục: Dù có thể trở thành tài năng thì cũng phải nhớ tài năng ấy do “cái nền”, “cái gốc” là nhân dân, là văn hóa truyền thống. Biết bao ân tình, biết bao ơn nghĩa chất chứa trong những câu nói ấy, đồng thời nhắc nhở chúng ta về phép biện chứng: Phải đi tìm cái gốc, bản chất của sự việc và khuyên nhủ chúng ta về bài học “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu một nguyên lý nổi tiếng: “Nước lấy dân làm gốc” để nhắc nhở cán bộ phải luôn biết dựa vào dân và phục vụ vì dân. Kế thừa và phát triển tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh giải thích chữ "nhân": “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân” (2). Hồ Chí Minh giải thích: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ” (3). 

Hồ Chí Minh là sự kết tinh đẹp nhất truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây” và “Thương người như thể thương thân”. Theo đúng tinh thần: Lọ là thân thích ruột rà/ Công nông thế giới đều là anh em, Bác coi những đồng chí đảng viên các đảng cách mạng anh em như là người trong nhà. Là người sáng lập, lãnh đạo và dìu dắt Đảng ta lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vĩ đại giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn ai hết, Bác Hồ là người nhìn thấy rõ sự vĩ đại của Đảng. Người diễn đạt sự vĩ đại ấy qua những so sánh, ẩn dụ, ngụ ngôn quen thuộc: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta” (4). Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ viết 6 điều không nên và 6 điều nên làm giáo dục cán bộ, mở đầu bài báo là chân lý: “Nước lấy dân làm gốc” có ý nhắc “không làm” hay “làm” bất cứ điều gì thì trước tiên cũng lấy mục đích vì dân. Cuối bài cũng là một ngụ ngôn được thể hiện bằng mấy câu thơ:

                               Quân tốt dân tốt,

                              Muôn sự đều nên.

                         Gốc có vững cây mới bền,

                   Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân (5)

Nếu nói hình thức mang tính nội dung, “hình thức mang tính quan niệm” thì xét ở ví dụ này có lẽ là rất tiêu biểu. Chủ đề 4 câu thơ trên nói về cái “lầu thắng lợi” thì cấu trúc của nó cũng mang hình “cái lầu” ấy với “thân lầu” là hai câu thơ bốn chữ, “móng lầu” là cặp câu lục bát vững chãi. Khi viết những câu này, có thể tác giả không hề nghĩ đến giá trị của hình thức như ta hiểu, nhưng nghệ thuật là thế, là sự vượt ra ngoài những cố tình gò câu ép chữ để trở về với tự nhiên. Nghệ thuật văn chương Hồ Chí Minh là nghệ thuật của sự tự nhiên như vậy.    

Từ việc nghiên cứu nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có thêm nhận thức mới về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của văn hóa hôm nay: Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì càng phải coi trọng truyền thống bấy nhiêu. Có thể hình dung mỗi con người cá nhân như một cây xanh thì rễ của nó phải được cắm sâu vào mảnh đất truyền thống để hút các chất dinh dưỡng đạo lý của cha ông. Đồng thời cành lá phải luôn vươn cao để quang hợp ánh sáng tư tưởng cách mạng của bầu trời văn hóa đương đại, mà đỉnh cao là hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ            
------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 12, tr.549.

(2) Sđd. Tập 8, tr.276.

(3) Sđd. Tập 5, tr.643.

(4) Sđd. Tập 10, tr.3.

(5) Sđd. Tập 5, tr.248.