Ở những địa phương có DSVHTG cần tránh tình trạng phát triển nóng, nhưng cũng không nên để cư dân bản địa “ôm di sản mà vẫn nghèo”. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của việc gìn giữ di sản là để đem lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tiếng chuông cảnh tỉnh từ Cái Hạ
Tỉnh Ninh Bình với quần thể danh thắng Tràng An đang thực sự là nơi thu hút du khách. Năm 2013, khi thống kê số liệu khách du lịch để lập hồ sơ đề cử chỉ hơn một triệu lượt khách, nhưng sau 3 năm được UNESCO ghi danh, năm 2017 đã có hơn 6,1 triệu lượt khách tới tham quan. Vì thế, nhiều người nghĩ công tác quản lý di sản ở Ninh Bình không có vấn đề gì.
 |
Các loại thú vật cảnh như voi, trâu, huơu sơn lòe loẹt ngay bên dãy nhà lá cạnh cổng Nam có lẽ chưa phù hợp với không gian di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. |
Tuy nhiên, đầu tháng 3-2018, người dân cả nước bàng hoàng nghe tin một công trình “khủng” xâm phạm vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An. Tại khu vực núi Cái Hạ (Huyền Vũ), xã Trường Yên (Hoa Lư), ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An tự ý cho khoan núi, dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Liên quan đến vụ việc này, tỉnh Ninh Bình đã kỷ luật hơn 60 tập thể, cá nhân có sai phạm. Chúng tôi đã "thực mục sở thị" khu vực Cái Hạ vốn trước đây tương đối đông khách, nay lại đìu hiu, hai đầu con đường vào có biển “Cấm du lịch” do Sở Du lịch Ninh Bình dựng lên để cảnh báo khách... Những hành động kịp thời đó được chuyên gia UNESCO đánh giá cao và đồng ý để Việt Nam giữ lại danh hiệu di sản thế giới này. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc cũng phải thừa nhận rằng việc trả lại cảnh quan khu vực núi Cái Hạ như ban đầu là điều bất khả thi. Các cọc sắt bê tông đã ghim vào, nếu gỡ ra sẽ càng làm cho núi đá bị tổn thương nặng hơn. Núi Cái Hạ như mang trên mình vết sẹo xấu xí không bao giờ lành lại được. Khi chúng tôi đến đây vào cuối tháng 7-2018, công nhân đang tìm cách kéo những cành hoa giấy mọc dài ra để che đi những khối bê tông vô cảm. Chúng tôi nhận ra một nghịch lý rằng việc phá bỏ lại còn khó hơn khi xây dựng.
Băn khoăn đi tìm câu trả lời cho lỗi vi phạm nghiêm trọng tại di sản này, tôi lật tìm những văn bản của địa phương. Điều khá bất ngờ là trước khi xảy ra vi phạm ít lâu, ngày 20-9-2016 các cơ quan liên ngành của tỉnh Ninh Bình đã cho ra đời kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ di sản văn hóa (DSVH) và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Bản kế hoạch nêu rõ mục đích, nguyên tắc phối hợp, nội dung phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Đáng chú ý, cuối bản kế hoạch là chữ ký, con dấu của 42 cơ quan, tổ chức với hơn 4 mặt giấy A4 chỉ toàn chữ ký và con dấu. Tôi chợt giật mình nhận thấy, hóa ra những chữ ký, con dấu kia không phải cái nào cũng có giá trị trong bảo vệ di sản.
 |
Những đoạn tường bê tông trên núi Cái Hạ sau khi phá dỡ như là "cái gai" ở vùng lõi di sản Tràng An (ảnh chụp cuối tháng 7-2018). |
Nhìn nhận về sự việc ở Cái Hạ, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Vũ Hữu Huân, thừa nhận, năng lực quản lý Nhà nước đối với di sản còn hạn chế. Tuy nhiên, quần thể danh thắng Tràng An không giống các di sản khác vì có nhiều dân vẫn sống trong di sản mà địa giới lại rộng lớn tới hơn 6.000ha, trên địa bàn của 5 huyện, thành phố. Khu vực núi Cái Hạ lại được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp bảo vệ, phát triển rừng. Địa phương chỉ là đơn vị phối hợp trong giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giải quyết tranh chấp khi phát sinh… nên khi phải giải quyết sự cố vi phạm còn nhiều khó khăn, lúng túng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Việt Thắng, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho rằng: "Sự việc ở Cái Hạ khiến nhận thức và trách nhiệm về quản lý, bảo vệ di sản ở Ninh Bình thay đổi. Bài học đắt giá này cho Ninh Bình và những nơi có di sản ở Việt Nam cần nghiêm khắc rút cho mình là: Cần hiểu đúng, hiểu đầy đủ và cảnh giác hơn với những vi phạm gây hại tới di sản, không thể phương phưởng, quan tâm nửa vời".
Danh hiệu nhạt dần theo năm tháng
Có người ví von danh hiệu di sản của UNESCO như chiếc vương miện dành cho hoa hậu. Nó thu hút và giúp nhiều người biết đến Việt Nam với những kỳ quan có một không hai. Thế nhưng, trong số rất ít những DSVH được UNESCO vinh danh của Việt Nam, thành nhà Hồ dường như vẫn đứng ngoài cuộc dù nơi đây đã giành “vương miện” hơn 7 năm qua. Ngoài lý do địa lý xa xôi, lại ở vùng rừng núi Thanh Hóa, nhiều du khách cho biết khu thành đá mang nhiều giá trị duy nhất, nổi bật toàn cầu này lại không có những điều kiện cần để họ khám phá.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, thành nhà Hồ đón 106.790 lượt khách, trong đó có 8.070 lượt khách quốc tế, thu được 2 tỷ đồng từ tiền bán vé. Danh hiệu của UNESCO tác động không nhỏ đến lượng khách tham quan thành nhà Hồ. Thế nhưng, mang danh là di sản của UNESCO nhưng khu thành không hấp dẫn, thậm chí so với suối cá thần ngay gần đó. Gặp chúng tôi vào một ngày nghỉ cuối tuần tháng 7-2018 tại khu thành đá hiếm hoi còn lại trên thế giới, anh Nguyễn Thanh Phong, quê Bắc Giang tỏ vẻ thất vọng khi lần đầu đến đây và cho biết thích đi suối cá thần hơn. Không hấp dẫn nên nhiều du khách không muốn tìm hiểu kỹ và nhanh chóng rời đi, thậm chí cả khi được chị Triệu Thị Hương, Tổ trưởng Tổ thuyết minh giới thiệu thêm các điểm đến quanh đó như đền thờ nàng Bỉnh Khương, đàn tế Nam Giao...
Trong cảm nhận của nhiều người dân quanh khu vực thành nhà Hồ, danh hiệu DSVHTG cũng không hẳn hấp dẫn như những kỳ vọng ban đầu của họ. Bà Nguyễn Thị Tình, một trong số 7 hộ dân được tạo điều kiện bán đặc sản truyền thống trong khu vực thành cho biết, dù được miễn phí tiền điện nước để bán hàng trong khu di sản nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu. Gia đình bà chủ yếu vẫn sống nhờ nghề nông. Ý kiến chung của nhiều người dân xung quanh thành nhà Hồ khi trả lời chúng tôi là họ tự hào nhưng chỉ một hai năm đầu sau khi di sản được công nhận, khi tiếng vang của danh hiệu vẫn còn, nhiều người quan tâm. Sau thời gian háo hức và cuộc sống vẫn đều đều trôi nên không còn quá chú ý đến danh hiệu này.
Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, dù có bảng biển nội quy cấm xâm hại di sản, nhưng vẫn có những du khách tùy tiện viết chữ lên di sản; trong khu vực gần cổng thành chính (cổng Nam) người ta xây voi, đắp hươu bằng xi măng và quét vôi lòe loẹt cẩu thả làm mất cảnh quan chung của di sản…
"Để di sản thành nhà Hồ hấp dẫn du khách, cần khôi phục những công trình bên trong đó để trả lại ít nhất 50% diện mạo di sản. Hiện nay, thành nhà Hồ đã tiến hành khảo cổ được một số công trình và điều chỉnh được con đường chạy qua khu thành, chuyển đường giao thông ra phía bên ngoài, xây dựng các bản đồ để người dân biết được giới hạn di tích" (Phó cục trưởng Cục DSVH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trần Đình Thành). |
Bài và ảnh: MINH NHÃ
(còn nữa)