QĐND Online – Đến nay đã tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30-10-2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh (cùng 66 thành phố trên thế giới) là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO.
Thành phố sáng tạo Hà Nội là một câu chuyện mới cho một thế kỷ mới, đại diện cho một thương hiệu và hình ảnh của Hà Nội và đất nước, đó là hướng tới tương lai, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững.
Sức sống văn hóa ở một thành phố sáng tạo
Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào một hoặc một vài ngành dọc nhất định, theo chuyên ngành mà người sáng lập tâm huyết tập trung xây dựng nên. Có những không gian chuyên về nghệ thuật điện ảnh như: Ơ Kìa Hà Nội, hoặc âm nhạc như Hanoi Rock City; những không gian chuyên về nghệ thuật tạo hình như VICAS Art Studio, hoặc chuyên nghề thủ công ghép vải như Vụn Art… |
Các không gian công cộng dành cho trình diễn và triển lãm sáng tạo, cũng như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng là những trải nghiệm cần có để nhận diện sức sống văn hóa ở một thành phố sáng tạo.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) vẫn nhớ những ngày được thưởng thức dàn nhạc Luala Concert trình diễn ở góc phố Lý Thái Tổ - Lý Đạo Thành. Đó là một trong những chương trình hòa nhạc đường phố hiếm hoi cho đến ngày hôm nay để lại dấu ấn với khán giả.
Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo và cũng đã có những chương trình tổ chức thành công, để lại dấu ấn với người xem như: Sự kiện “Vương quốc tái chế” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; triển lãm sắp đặt “Ống thở” diễn ra tại phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng mang đến cho công chúng góc nhìn về không gian những ngôi nhà ống tại Hà Nội với mặt tiền hẹp và chiều dài sâu hun hút, thông qua việc bài trí, sắp đặt của nghệ thuật đương đại; triển lãm sắp đặt "Xả rác ít thôi!" do Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, Hà Nội tổ chức; nhóm kiến trúc sư WEPLAY tổ chức giới thiệu triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên “Lộ”…
Dạo quanh một vòng triển lãm “Lộ” được sắp đặt trong không gian của một nhà máy cũ ở Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được sự đan xen, hòa quyện giữa các loại hình nghệ thuật gồm kiến trúc, âm nhạc, múa, hội họa.
 |
Những "con đường" bằng mây tre. Ảnh: Nhóm kiến trúc sư WEPLAY |
 |
Hình ảnh từ một khu nhà máy cũ của Hà Nội đã trở thành không gian sáng tạo ấn tượng trong triển lãm "Lộ". Ảnh: Nhóm kiến trúc sư WEPLAY |
“Từ một khu nhà máy cũ của Hà Nội, chúng tôi đã tạo thành một không gian sáng tạo để tổ chức triển lãm “Lộ”. Chúng tôi tận dụng hệ thống nhà xưởng và tất cả mọi thứ còn lại, rồi cấy thêm các chi tiết để trở thành không gian biến đổi, khiến người xem có cảm giác ở đây không còn là một nhà máy cũ đơn thuần nữa. Sau đó chúng tôi kết hợp các hoạt động thường xuyên và định kỳ. Khi có nền tảng không gian rồi thì có thể biến đổi hình thức triển lãm, đó chính là sáng tạo”, anh Nhâm Chí Kiên (nhóm kiến trúc sư WEPLAY)- thành viên Ban tổ chức triển lãm “Lộ” nhấn mạnh.
Những ngày này, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng họa sĩ Vũ Thái Bình vẫn gửi gắm tình yêu nghệ thuật vào trưng bày những tác phẩm mỹ thuật được làm từ chất liệu giấy dó. Với mong muốn không gian sáng tạo của mình đặt tại Hà Nội sẽ là nơi giao lưu, là không gian dành cho tất cả mọi người yên mến mỹ thuật, đặc biệt là chất liệu giấy dó, trưng bày “Dó Space” (không gian Dó) của họa sĩ Vũ Thái Bình khai mạc vào đầu tháng 7-2021, đã để lại dấu ấn sâu đậm với người xem.
 |
Tranh được làm từ giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình. Ảnh: Tác giả cung cấp. |
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Ngày nay, sự đa dạng về không gian sáng tạo vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc, các không gian công cộng và không gian sáng tạo mới của Hà Nội. Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố, từ các tuyến phố nội thành cho đến các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa.
 |
Hình ảnh trong triển lãm "Xả rác ít thôi!" do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội-L'Espace và UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội |
Không gian sáng tạo thu hút người xem không phụ thuộc vào diện tích lớn hay bé, quy mô tổ chức có hoành tráng không mà là ý nghĩa của chương trình. Trong một không gian mà diện tích vừa phải nhưng triển lãm sắp đặt "Xả rác ít thôi!" do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội-L'Espace và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức vẫn để lại dấu ấn sâu sắc với người xem. Triển lãm cung cấp cho người xem những thông tin liên quan đến tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe, qua đó thay đổi nhận thức con người về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Triển lãm thể hiện sự sáng tạo xuất sắc của những người thực hiện bởi ngoài yếu tố nghệ thuật còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho con người.
Không gian sáng tạo còn “manh mún”
Đó là đánh giá của anh Nhâm Chí Kiên (nhóm kiến trúc sư WEPLAY). Theo kiến trúc sư này, hiện ở Hà Nội đang thiếu không gian sáng tạo, các không gian để nghệ sĩ và người dân được trải nghiệm thì chưa nhiều và tương đối manh mún.
 |
Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên. Ảnh: Khánh Huyền. |
“Tôi cho rằng, trong nội thành Hà Nội, để tìm cách tận dụng những khu đất trống trở thành không gian sáng tạo thì không nhất thiết phải rộng lớn, chỉ cần không gian nhỏ thôi, trong từng khu phố, ngõ nhỏ đều có thể làm không gian sáng tạo và mọi người đi qua không gian đều có sự trải nghiệm”, anh Nhâm Chí Kiên cho biết.
Đồng quan điểm về vấn đề thiếu không gian tổ chức các hoạt động mang tính sáng tạo của Hà Nội của kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên, họa sĩ Vũ Thái Bình cho biết: Không gian sáng tạo tại Hà Nội hiện chưa nhiều và chưa được tổ chức thường xuyên. Tôi thấy những trải nghiệm về truyền thống cũng đang chưa có nhiều, và “Dó Space” là nơi tôi muốn có sự lan tỏa nhiều hơn đến những người yêu nghệ thuật, yêu nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tranh được làm trên chất liệu giấy dó, được sản xuất thủ công hoàn toàn bằng tay thì không lẫn vào đâu được của Việt Nam, đó là một sản phẩm vô cùng giá trị trong thế giới hiện đại ngày nay.
 |
Sơ đồ để các nhà máy cũ trở thành không gian sáng tạo. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp. |
Hầu hết các không gian sáng tạo của Hà Nội là do tư nhân tổ chức.Vì vậy, việc phát triển còn gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chật chội, chương trình không diễn ra thường xuyên.
Nhà báo Đặng Lệ Chi (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) đã nhiều lần cho con tham gia vào các hoạt động, khu vui chơi dành cho trẻ em mang tính sáng tạo của Thủ đô như “Vương quốc tái chế” tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là những hoạt động vừa mang tính giáo dục vừa mang tính giải trí. Tuy nhiên, những hoạt động này diễn ra không thường xuyên. Hà Nội vẫn thiếu rất nhiều các chương trình để kích thích sự sáng tạo của trẻ em.
Theo nhà báo Đặng Lệ Chi, không gian sáng tạo của Hà Nội đang thiếu và khâu tổ chức còn mang tính tự phát. “Tôi đã được trải nghiệm một số hoạt động, triển lãm mang tính sáng tạo ở Thủ đô thì thấy rằng, nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư cho triển lãm rất công phu nhưng dường như một số không gian sáng tạo dành cho loại hình kiến trúc thì có lẽ chỉ những người trong nghề mới hiểu được. Nếu không có thuyết minh và vốn kiến thức nhất định thì khi đi vào những không gian sáng tạo cũng chỉ như một cuộc dạo chơi không để lại dấu ấn. Hà Nội dù có nhiều tiềm năng nhưng thực tế những không gian sáng tạo thực sự đồng hành với sự phát triển của Thủ đô vẫn chưa nhiều, nếu không muốn nói là lạc lõng”, nhà báo Đặng Lệ Chi cho biết.
Là một trong thành viên tham gia vào việc tổ chức những hoạt động triển lãm, khu vui chơi dành cho trẻ em tại Hoàng thành Thăng Long, chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng hướng dẫn thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội) cho rằng, không gian sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc tạo ra bản sắc cũng như sự hấp dẫn cho các đô thị. Hà Nội hiện đang thiếu nhiều hoạt động mang tính sáng tạo, thể hiện sự mới mẻ, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Thành phố hơn 1 nghìn năm tuổi thì không thiếu những chất liệu để tổ chức thành không gian sáng tạo mà chỉ thiếu không gian, ý tưởng, sáng kiến cũng như quy trình thực hiện.
 |
Vật liệu tái chế làm từ lốp xe cũng được trở thành đồ chơi cho trẻ em. Ảnh: Khánh Huyền |
 |
Trẻ em được trải nghiệm trò chơi làm từ vật liệu tái chế tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khánh Huyền |
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo (VCE Club), Hà Nội cho biết: “Được định vị là một thành phố thiết kế sáng tạo, nhưng chưa đủ. Định vị thương hiệu, đối với tôi phải hội đủ ba yếu tố: Sự khác biệt; Tính phù hợp, Triết lý riêng của thương hiệu. Đối với Hà Nội, còn cần thêm các yếu tố khác biệt mang tính đặc trưng văn hoá Việt Nam của vùng đất nghìn năm văn hiến; sự tương thích với con đường chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô”.
Đối với một thương hiệu thành phố sáng tạo, không phải chỉ là một logo, mà nó được biểu hiện ở những công trình kiến trúc và văn hóa, các không gian công cộng, ở những hoạt động sáng tạo, những sản phẩm rất thật mà chúng ta có thể dễ dàng trải nghiệm, dễ dàng hưởng thụ, dễ dàng tham gia xây dựng và phát triển. Nó cũng hiện diện trong các di sản mang tính văn hóa, thiết kế sáng tạo, bề dày lịch sử của thành phố. |
Xây thương hiệu thành phố sáng tạo từ giá trị cốt lõi
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Tôi đánh giá cao quyết tâm của Hà Nội với vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa bởi đây là vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa nói chung và phát triển công nghiệp sáng tạo nói riêng. Chính sự quan tâm cụ thể và thể hiện trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là động lực rất lớn là để cho Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước”.
Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đó là bề dày truyền thống của Hà Nội. Hà Nội là mảnh đất nghìn năm văn hiến, văn hiến là đỉnh cao trong các thước đo của văn hóa. Qua hàng nghìn năm lịch sử của Hà Nội thì mảnh đất này đã có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo, đa dạng. Kho tàng di sản văn hóa thể hiện ở cả những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội chính là tìm cho nó một giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị đó, và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm.
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ