QĐND - Cổ kim đông tây chưa hề có một tổ chức vũ trang của quốc gia nào có tới hai danh xưng và không những thế còn mang theo cả tên lãnh tụ của dân tộc.

Ngày nay, người Việt Nam chúng ta cũng thấy rằng quân đội ta là nơi gặp gỡ diệu kỳ giữa nhiệm vụ chính trị và truyền thống văn hóa dân tộc. Vì thực hiện công việc chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, chính là quân đội ta đã làm tròn nhiệm vụ chính trị nhưng về phía khác là đã kế thừa truyền thống đánh giặc, cứu nước của tổ tiên trong lịch sử, cũng như giúp đồng bào công tác và sản xuất trong hiện tại, với phương châm “tình quân dân cá nước”. Có lẽ vì thế mà nhân dân đã gọi quân đội bằng một danh xưng hết sức gần gũi, dân dã là Bộ đội Cụ Hồ. Để cộng đồng chiến sĩ làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc mang tên vị lãnh tụ vì thấy rằng trong con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng có sự gặp gỡ tương đồng diệu kỳ giữa chính trị và văn hóa như vậy.

Bộ đội Lữ đoàn 170 Hải quân trên đường ra bãi tập. Ảnh: Minh Trường.

Khi hình thành danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, nhân dân ta cho rằng không có một tập đoàn người dân sự nào có ý chí, có quyết tâm và có đủ năng lực bằng tập đoàn người vũ trang, đang nắm chắc tay súng trên tuyến đầu của mặt trận giải phóng dân tộc. Gửi gắm vào “cộng đồng tráng sĩ nhân dân thời hiện đại” danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, nhân dân ta tâm niệm rằng những công dân ưu tú đó của dân tộc chắc chắn là sẽ phấn đấu hết mình trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Vả lại, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ hình thành cũng là điều hết sức hợp lý. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã viết chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, và từ đó mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mệnh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang”.

Quân đội ta được mang tên Người - Bộ đội Cụ Hồ là một vinh dự lớn lao, một trách nhiệm nặng nề trước Tổ quốc, nhân dân, trước nền văn hóa dân tộc.

Từ nhiệm vụ chính trị theo con đường chính thống, từ khi ra đời đến nay quân đội ta đã lần lượt mang theo các danh xưng:

Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12 năm 1944.

Việt Nam giải phóng quân, tháng 4 năm 1945.

Vệ quốc đoàn, tháng 9 năm 1945.

Quân đội quốc gia Việt Nam, tháng 5 năm 1946.

Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 2 năm 1951.

Mỗi tên gọi, thể hiện nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử mà quân đội ta phải phấn đấu để thực hiện:

- Là tổ chức quân sự nhưng có giai đoạn hoạt động theo phương châm: Chính trị trọng hơn quân sự.

- Là đội quân chủ lực, từ những đội du kích ở các địa phương tập trung lên, trở thành giải phóng quân - do Trung ương trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy thống nhất từ Nam đến Bắc.

- Là quân đội chính quy của một nhà nước, một quốc gia hoàn chỉnh, một quân đội cách mạng, cùng nhân dân vũ trang khởi nghĩa, giành chính quyền, giữ vững chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ nền độc lập thống nhất và bản sắc dân tộc.

Mặc dù mang theo những danh xưng khác nhau, do tình hình và nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn lịch sử có sự phát triển, quân đội ta vẫn là quân đội nhân dân, thực hiện chức năng của một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Chính vì thế mà khi tên gọi “Quân đội nhân dân” xuất hiện, một danh xưng thể hiện rõ bản chất của quân đội ta, thì hơn 60 năm qua, danh xưng đó vẫn được giữ nguyên, không có sự thay đổi nữa.

Chính những thực tế lịch sử sinh động của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa tới sự hình thành danh xưng “Quân đội nhân dân”. Chính cương và đường lối cách mạng của Đảng xác định “phải tổ chức ra đội quân công nông” nhưng trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bên cạnh tầng lớp thanh niên công nông gia nhập quân đội còn có rất nhiều thanh niên yêu nước khác. Trong quân đội, bên cạnh yếu tố giai cấp là yếu tố dân tộc. Từ “nhân dân” trong danh xưng “Quân đội nhân dân” nhằm chỉ toàn dân, với ý nghĩa là thu hút hết thảy mọi lớp người, đoàn kết thành một khối thống nhất dân tộc chung quanh giai cấp công nhân, cùng tiến hành chiến tranh nhân dân, một loại hình chiến tranh toàn dân chống xâm lược truyền thống lâu đời của người Việt để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Tóm lại, trong nội dung khái niệm “nhân dân” đã có tính giai cấp vì công nhân và nông dân là thành phần lao động cơ bản, chiếm đại đa số trong nhân dân và “nhân dân” cũng chính là bao gồm tất cả mọi người trong dân tộc.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG - Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự

Bài 2: Đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất