Ở Hà Nội, nam thanh nữ tú cứ phải kéo nhau đến bãi Đá bên sông Hồng không phải để ngắm sông, ngắm cảnh mà là để chụp ảnh trong một khu vườn toàn cây và hoa giả “y như ở trời Tây”. Ở Sa Pa là ngôi nhà có tuyết giả. Ở Đà Lạt và nhiều nơi khác có ngựa, có xe, có chim đà điểu… cho người ngồi lên và bấm máy. Cảnh giả, ảnh ảo nhưng người ta thích. Người ta thích và trả tiền cho ảo ảnh của mình.
Văn hào Nga Ivan Tourgueniev có truyện ngắn “Chiếc áo gillet” kể về người vợ mỗi ngày lại khâu thít lại chiếc áo gillet của người chồng ốm yếu, để ông ngày nào cũng cảm thấy như thân mình vẫn đậm đà mà vui sống. Nhà văn Mỹ O.Henry viết truyện “Chiếc lá cuối cùng” nói về người họa sĩ già đêm tuyết lạnh trèo lên chiếc cây bên cửa sổ bệnh viện, vẽ lên đó hình một chiếc lá để cho em bé bệnh nhân nhìn thấy hy vọng sống. Đó là những truyện ngắn viết về những ảo giác, ảo ảnh nhưng thấm đẫm tình người. Nhưng lại có truyện AQ của Lỗ Tấn (Trung Hoa) phê phán lối tự phụ vô lối, hoang tưởng làm mất đi sự tự tin đích thực... Ở ta có truyện dân gian “Chiếc áo của hoàng đế” chế nhạo sự ngu tối của những kẻ hợm quyền, hợm của. Lại có truyện “Cá gỗ” để tự an ủi động viên nhau trong cảnh bần hàn…
Văn học viết hay văn học dân gian đều phản ánh về một nhu cầu rất thật của con người là sống ảo. Trong đời thật, sống ảo càng ngày càng biểu hiện như một trào lưu. Những em bé mơ và tự cho mình như những hoàng tử, công chúa, những lực sĩ, siêu nhân đã đành, nhưng dần lớn lên, chúng lại sống ảo trong thế giới internet cùng những phim ảnh, âm thanh phiêu lãng mà xa cuộc đời thật. Người trưởng thành lấy chén rượu hay các chất kích thích hoặc sa vào những thú khác lạ đến cực đoan để làm vui, để “quên đời”…
So ra, cái thú chụp ảnh, dù là ảnh ảo vẫn còn lành chán. Ừ thì bây giờ người ta có thể chọn chiếc máy ảnh hay máy điện thoại cầm tay có chức năng chụp ảnh, tự chỉnh sửa để gương mặt mình sáng ra, bớt đi nếp nhăn để trẻ lại độ chục tuổi. Ừ thì có photoshop có thể thêm vào mái tóc đẹp, có thể làm cho gương mặt gầy bớt đi hay đầm đậm lên v.v và v.v..
Người ta có quyền "tự sướng" nhưng xin đừng cho mình cái quyền làm phiền người khác. Chốc chốc lại thấy tín hiệu phải bật máy, ngay cả giữa đêm cũng thấy hoặc hình ảnh người quen trong dáng điệu một người mẫu, diễn viên hoặc lại một bữa ăn, một mâm bàn… Cái gì nhiều quá cũng nhàm, cái gì hay mấy, lạ mấy cũng phải có chừng mực. Ấy là chưa kể có những người bắn đi bức ảnh ảo của mình để khoe mẽ, làm quen, tìm bạn. Lại có kẻ đưa ảnh giả, sai sự thật lên facebook để câu view, câu like đã có lúc làm náo loạn thiên hạ.
Thú chụp ảnh thật là vui, nhưng sa đà, lạm dụng thì làm khổ người khác. Và đáng lo hơn cơn say ảnh ảo sẽ trở thành một yếu tố để người ta nhìn mình, nhìn đời không chuẩn. Điều này cũng gần giống với thứ sống ảo xa lánh thực tại. Khi ta trách con trẻ nghiện game, nghiện internet hay mơ mộng hão huyền đâu đâu thì ta hãy xem lại mình trước hết.
SA MUỘN