QĐND - Trong hệ thống dấu hiệu kỷ niệm sự kiện của Quân đội ta, Huy hiệu Chiến thắng 5-8 có một sắc thái gây ấn tượng đặc biệt. Có thể nói, đó là một biểu trưng văn hóa chiến thắng bảo vệ trời biển Việt Nam.

Huy hiệu Chiến thắng 5-8 do Bộ Quốc phòng sản xuất, chất liệu nhôm, hình tròn đường kính 2cm. Nền huy hiệu màu trắng, gồm 3 phần: Phần trọng tâm là lá cờ đỏ sao vàng có dòng chữ "Quyết thắng"; Đỉnh cán cờ có dải lụa màu vàng; Phần trên cùng màu trắng nổi bật ký hiệu 5-8 màu đỏ cờ; Phần dưới cùng là hình một cành ô liu nhưng có các nét vàng nằm theo chiều dọc trong từng chiếc lá. Bởi vậy, nó cũng gợi cảm về bông lúa quê hương. Điều đặc biệt của Huy hiệu Chiến thắng 5-8 là, chỉ thoáng nhìn chúng ta cũng cảm nhận được hình tượng chiến thắng vinh quang của lực lượng vũ trang nhân dân trong không gian biển, đảo và bầu trời. Hình ảnh lá Quân kỳ có dải lụa bay bay gợi sự liên tưởng tới một con tàu lướt sóng, vững vàng xốc tới. Đỡ “con tàu” ấy là nền sóng xanh được gợi lên từ họa tiết ô liu - bông lúa, biểu thị sức mạnh nuôi dưỡng, động lực nâng đỡ của Tổ quốc và nhân dân.

Huy hiệu Chiến thắng 5-8. (chụp từ Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam).

Huy hiệu Chiến thắng 5-8 là vật kỷ niệm của Bộ Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng những cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống máy bay và tàu chiến Mỹ xâm lược nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964. Việc tặng huy hiệu đặt ra theo Quyết định 288/QĐ/12-12-1964 của Bộ trưởng Quốc phòng.

Sau đợt trao tặng đầu tiên mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc vào dịp 5-8-1965, kỷ niệm một năm “chiến thắng trận đầu” dành cho những người trong diện đã nói ở trên, Bộ Quốc phòng đã quyết định tặng huy hiệu danh giá này cho cả những người đã tham gia các trận chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc nước ta. Số lượng lên tới hàng vạn người. Đại tá, PGS, Nhà giáo ưu tú Hồ Kiếm Việt, nguyên Trưởng Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), đã nghỉ hưu, rất tự hào về phần thưởng này. Ấy là năm 1965, đang là giáo viên lý luận Mác - Lê-nin, ông được vào Quân khu 4 công tác để có thêm hiểu biết về thực tiễn. Sau khi Thiếu úy Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 Pháo phòng không thuộc Sư đoàn 325 hy sinh trong trận đánh máy bay Mỹ ngày 18-11-1964 ở Cha Lo (Quảng Bình), quân khu cử ông làm phái viên, giúp đồng chí Nguyên, Chính trị viên phó của đại đội này tổ chức lãnh đạo đơn vị chiến đấu. Trong khi bảo vệ cầu Cự Nẫm (1966), Đại đội 3 phối hợp cùng các đơn vị bạn bắn rơi một máy bay Mỹ, nên ông cũng được nhận Huy hiệu Chiến thắng 5-8. Tại phòng truyền thống của gia đình ông, tấm huy hiệu ấy nổi bật bên các huân, huy chương khác. Có khách đến thăm, ông thường khoe với một niềm trân trọng: “Mình có một kỷ vật mang “thương hiệu” đặc biệt - Mồng 5 tháng 8”.

Bảo tàng Bưu điện thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đang lưu giữ một Huy hiệu Chiến thắng 5-8, mã hiệu 01031010004-488/K1-180. Hiện vật gắn liền với chiến công của Nhà máy Thiết bị Bưu điện. Ngày 31-12-1972, đơn vị tự vệ của nhà máy đã dùng súng cao xạ chiến đấu anh dũng kiên cường với máy bay B52 của không quân Mỹ, góp phần vào chiến công lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Bộ Tổng tham mưu đã tặng Huy hiệu Chiến thắng 5-8 cho các cán bộ và pháo thủ ở đây. Năm 2007, đồng chí Lê Quang Hinh (giấy chứng nhận đeo Huy hiệu Chiến thắng 5-8 số 108/CM7 ngày 31-12-1972) đã tặng Bảo tàng Bưu điện chiếc huy hiệu của mình.

Huy hiệu Chiến thắng 5-8 mãi mãi là niềm tự hào của không chỉ những người được mang nó trên ngực, mà còn là của tất cả chúng ta. Nó luôn khích lệ tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của mọi người dân Việt Nam trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thân yêu.    

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG