Tôi tin rằng đây là một câu tục ngữ vào loại ngắn nhất mà ý nghĩa thì khó kể hết. Cách cấu tạo câu này gợi ý cho ta nhớ tới cách nói đến một chân lý, một điều bất biến. Cho thật rành rẽ, có thể diễn đạt như sau: Ăn thì phải nhai, nói thì phải nghĩ (Lại giống kết cấu một “chân lý” khác: Vợ hiền hòa, nhà hướng Nam…).
Khi nói “ăn nhai”, cảm thấy trong sự nhai đó có cả nghĩ ngợi rồi. Ăn sao cho thấy đó là món gì. Món ngon, thưởng thức để nhớ lâu. Món lạ, ngẫm nghĩ để thấy điều lạ và điều không lạ. Ăn nhai, là để ta còn có thời giờ nhìn đến cả mâm cơm, đến cả bạn cùng gặp gỡ (Kẻo như anh tham ăn nào đó trong truyện dân gian, cắm đầu vào ăn. Đến lúc về nhà vợ hỏi ăn cùng mâm với ai, thì ngớ ra: Cũng chẳng biết nữa. Lúc ngừng nhai, ngẩng lên nhìn thì cả mâm đã chẳng còn ai! Hay như anh nọ, trong một truyện khác: Vợ phải buộc dây vào chân, để mỗi lần kéo dây anh mới được gắp một miếng, kẻo không, theo thói quen, vào bữa là anh gắp lia gắp lịa, nuốt lấy nuốt để…).
Ăn nhai-còn là vấn đề của vệ sinh ăn uống, góp phần bảo vệ bộ máy tiêu hóa, giữ gìn sức khỏe. Hóa ra cái sự ăn uống đâu có đơn giản được. Có dịp ta sẽ bàn thêm về ăn, ví dụ như khi bàn đến câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ăn nhai, nói nghĩ chỉ là một phần của yêu cầu học ăn, học nói mà thôi! (Đây là nói trong lúc bình thường. Còn trong cuộc đời, có những tình huống phải giải quyết chuyện ăn uống cho gọn nhất, nhanh nhất; Lúc đó, không thể không thuận theo yêu cầu của “sự biến” ấy…).
Còn chuyện “nói nghĩ”-một phần của học nói-cũng thật không giản đơn đâu. Tiếng nói ngôn ngữ là tín hiệu đặc trưng của loài người. Tiếng nói thể hiện rõ tư tưởng, trình độ, tình cảm của con người. Lời nói phải được điều khiển, chớ để lời nói điều khiển ta. Đôi khi, lời nói đã quý-như bạc, nhưng sự im lặng lại là vàng cơ! Đôi khi lời nói được trọng như: “Lời nói-gói vàng”. Đôi khi lại là “nói nhăng, nói cuội”, “nói hớ, nói nhầm”, “nói vớ vẩn”, “nói dài, nói dai, nói dại”… “Nói nghĩ” chính là sự điều khiển lời nói. Còn là sự nhìn nhận lại mình-đã “đủ sức” để nói điều ấy chưa; Và nếu chưa thì cần học thêm những gì? Từ nghĩ mà dẫn đến chuyện học; Học để biết, biết để có thể nói những lời nhiều suy nghĩ hơn… Đây là công việc của cả một đời người và trong từng câu chuyện hàng ngày.
Lại nhớ câu ca dao cổ: Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Lựa lời-chính là suy nghĩ và chọn lọc. Lựa lời, chứ không phải thay đổi ý. Lựa lời để chở được hết ý mình mà lại vừa lòng người. Kể cả trong những trường hợp khó nói, hay tế nhị, nhạy bén nhất…
Nhiều khi, người được ưa chuộng không phải là người hay nói mà là người nói thật, nói hay, nói đúng lúc, đúng chỗ; Sau đó đến người “biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”; Còn loại ầm ĩ, huênh hoang, như “thùng rỗng kêu to” thì thật không đáng bàn đến.
PHẠM ĐỨC