Hà Nội có các phường múa rối nước: Đào Thục (Đông Anh), Bình Phú, Chàng Sơn, làng Yên (Thạch Thất) và Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức - từ rối cạn chuyển sang rối nước), các trò diễn của các phường rối này nhìn chung giống nhau. Đầu tiên là chú Tễu ra chào và dẫn chương trình, tiếp theo là đốt pháo bật cờ, mời chầu, múa lân, công việc nhà nông, chọi trâu, thi bơi, cáo bắt vịt, hát văn, múa rồng, đánh đu leo cột… Tổng cộng khoảng 16 trò diễn múa rối.

 

Tiết mục hát văn (Nhà hát múa rối Trung ương)

 

Nếu phân biệt các trò rối, ta nhận ngay thấy mỗi phường ít nhất diễn một trò độc đáo gia truyền, mà phường bạn không có. Đây là trò mang bí quyết riêng để làm nên tên tuổi từng phường múa rối nước. Phường rối Đào Thục diễn trò “Lên võng xuống ngựa” như sau: Trên mặt nước ao làng, con rối tự trèo lên võng, từ võng nhảy lên cưỡi ngựa. Cái khó của trò diễn này là giấu sào và dây rối dưới nước, điều khiển nhịp nhàng con rối với võng và ngựa phải khớp nhau từng động tác để con rối chuyển nhẹ nhàng từ võng sang ngựa. Trò diễn nữa là “Võ sĩ chém hổ”: Con rối vờn con hổ rồi bất ngờ chém đứt đầu con hổ và sau đó xách đầu con hổ giơ lên cho mọi người nhìn thấy. Người diễn phải kết hợp diễn một lúc nhiều động tác và phối hợp ăn ý nhau trong nhóm điều khiển con rối.

Phường rối làng Ra (Bình Phú) diễn trò “Phi ngựa chém chuối”: Từ trong nhà trò, từng đôi ngựa tráng sĩ cưỡi lao ra, phi mấy vòng và lao vào chém cây chuối. Người diễn kết hợp điều khiển rất nhanh tay (để ngựa phi), điều khiển con rối chém lá chuối và kéo lá chuối rơi xuống cho khớp nhau. Rối Chàng Sơn diễn trò độc đáo “Đảo quân”: Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị cưỡi voi đi trước, quân sĩ rối màu đỏ và màu xanh xếp xen kẽ thành một hàng dọc đi sau. Ra đến giữa ao, từng bà rẽ sang hai bên phải và trái, quân đỏ rẽ theo đi thành một hàng và quân xanh đi thành một hàng theo sau từng bà. Nghệ nhân điều khiển trò này chủ yếu dùng dây kéo để điều khiển con rối đảo hàng. Phường rối làng Yên cũng diễn trò “Cưỡi ngựa chém chuối”, nhưng là diễn chém đứt ngay tàu lá chuối rơi xuống nước và diễn trò “Cáo bắt vịt” cũng rất độc đáo. Anh Điền, Trưởng phường rối nước làng Yên kể: “Phường tôi diễn trò cáo bắt vịt khác hoàn toàn với các phường bạn. Thường trong trò diễn này, các phường rối dùng hai con rối cáo đóng thay thế nhau, một con để sẵn ở trên mặt ao, con thứ hai đặt sẵn ở dưới gốc cây cau và được che giấu bằng bụi cây hoặc đám bèo ở mặt nước. Làng tôi diễn trò này chỉ dùng mỗi một con rối cáo, điều khiển nó bơi lởn vởn gần đàn vịt, rồi lao nhanh vào quắp con vịt nhỏ và quay đầu bơi chạy đến cây cau, con cáo đồng thời ngoạm con vịt cùng leo cao lên cây cau cho mọi người nhìn thấy. Chúng tôi dùng dây rối và sào tre điều khiển con rối…”.

Con rối làm từ những khúc gỗ sung và gỗ mít (loại gỗ mềm dễ tạc hình và nổi trên mặt nước), được những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng thổi hồn, làm thành những con rối biết cử động, đi lại nhảy múa dưới nước như thật. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghị, Giám đốc Công ty rối nước Đào Thục (làng Đào Thục có 2 đội rối nước là đội của làng và đội rối của gia đình ông Nghị) cho biết: “Mỗi phường rối nước đều giữ được từ 1 đến 2 trò diễn gia truyền mới là đại diện mang tên phường rối làng mình. Diễn được trò hay và lạ thì sẽ được nhiều làng bạn mời đi diễn hội, đi diễn nhiều có thêm thu nhập cao và kích thích người làm nghề càng yêu nghề và giữ nghề múa rối hơn. Đội rối chúng tôi có trò diễn hấp dẫn như trò múa rồng phun nước, cho hai con rồng nhô lên lặn xuống hút nước, sau đó rồng ngẩng cao đầu, phun nước lên cao và phun ra xa (khoảng từ 3 đến 5m). Các cháu nhỏ và du khách quốc tế rất thích xem trò diễn này. Có nhiều vị khách nước ngoài sau khi xem xong trò, muốn xem dùng loại bơm nào mà phun được nước xa và lên cao đẹp thế. Tôi chỉ cho các vị khách xem sào ống tre và nói, đây là bơm nước của làng tôi đấy…”.

Các trò diễn của 5 phường múa rối nước mang tính chất tâm linh: Rước kiệu, Chạy đàn ngũ văn, Lên đồng, Chầu văn. Trò chơi mang tính huyền thoại: Múa tứ linh, Múa bát tiên, Sư tử tranh cầu… Trò diễn công việc nhà nông: Cấy lúa, Xay thóc giã gạo, Bắt cá, Câu ếch… Mỗi phường diễn những trò này đều mang tính sáng tạo khác nhau và thú vị riêng của từng phường rối. Ngoài diễn múa trò khéo léo các phường rối còn kết hợp diễn cùng với các làn điệu chèo quê hương, diễn theo nhịp trống đánh, tạo thêm sức hấp dẫn và lôi cuốn người đến xem. Ông Đoàn trưởng phường rối làng Ra cho biết: “Mỗi năm, rối làng tôi được mời diễn thường xuyên ở Hội chùa Thầy ngay cạnh làng. Chúng tôi có đội múa rối và đội hát chèo riêng, kết hợp diễn cùng với nhau, tạo thêm không gian vui nhộn, hấp dẫn, thu hút  nhiều du khách về thăm lễ hội truyền thống quê hương…”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỂN