QĐND - Nhiều người biết đến tên tuổi Trịnh Lữ với tư cách là dịch giả của những tác phẩm văn học lớn như: “Cuộc đời của Pi” (Giải thưởng dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004), “Con nhân mã trong vườn”, “Rừng Na-uy”, “Biển”... Nhưng ít ai biết rằng, Trịnh Lữ còn có tài vẽ tranh với hai triển lãm cá nhân ở New York (Mỹ) đầu những năm 1990. Và gần đây, những người yêu hội họa trong nước mới được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh ông vẽ từ nước Mỹ xa xôi trong triển lãm “Đi vẽ phong cảnh Mỹ”.
Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông đến với hội họa một cách tự nhiên bởi cha mẹ ông đều là họa sĩ. Đến khi trưởng thành, ông làm phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi sang Mỹ làm việc gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên hợp quốc. Hội họa có thể không phải là nghề nghiệp suốt đời ông theo đuổi nhưng mãi là đam mê không bao giờ phai nhạt.
 |
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Tét Ô-xi-ớt (bên phải) chúc mừng dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ tại lễ khai mạc triển lãm. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Triển lãm lần này là thành quả của chuyến đi hơn 100 ngày của Trịnh Lữ quanh tiểu bang Wisconsin (Mỹ) trong năm 2014. 67 bức tranh phong cảnh với những chú thích ngẫu hứng như: “Cây cỏ vào xuân, thi thoảng thấy người”, “Tôi đang trút lá-hãy vẽ tôi đi”… mang lại sự gần gũi, chân thật như tiếng nói của thiên nhiên trong sự giao cảm mạnh mẽ với người họa sĩ. Ban đầu, khi mới hình thành ý tưởng tổ chức triển lãm, Trịnh Lữ chỉ chọn 20 bức tranh ưng ý nhất nhưng sau những góp ý của bạn bè, số tranh ra mắt đã lên tới 67.
Bên cạnh những bức tranh, Trịnh Lữ còn xuất bản cuốn sách: “Đi vẽ-Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ” với những ghi chép cụ thể, giúp người xem có thể dõi theo từng chặng đường trong suốt trải nghiệm thú vị đạp xe và vẽ tranh ở xứ người. Trịnh Lữ tâm sự: Với ông, đi tìm cảnh vẽ trong một vùng thiên nhiên phong phú chừng hơn trăm cây số, phần nhiều là đường nhỏ, lối mòn thì không gì bằng xe đạp. Khi đạp xe có cảm giác mình đang vận hành chứ không phải do máy móc lôi đi, rồi cảm giác gần gũi với đường đất dưới chân, với cảnh vật xung quanh mình. Chính những vòng xe nhẹ nhàng và chậm rãi ấy đã mang lại nhiều cảm hứng, góc nhìn khác nhau để rồi cho ra đời những bức tranh phong cảnh đa chiều, sinh động, đầy cuốn hút.
 |
Tác phẩm “Dĩ vãng” của Trịnh Lữ. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đạp xe đi và vẽ, “cảnh chọn mình chứ mình chả chọn được cảnh” nên mỗi bức tranh đều là một sáng tác bất chợt của người họa sĩ. Ông vẽ theo lối trực họa tại chỗ, cách vẽ này có nhiều khác biệt so với vẽ trong xưởng. Khổ tranh nhỏ chứ không to, tất cả được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Tuy nhiên, để mang lại sự khác biệt và độc đáo, Trịnh Lữ đã thử nghiệm trên nhiều chất liệu sơn dầu khác nhau.
Như một mối duyên lành, những bức tranh về nước Mỹ đã được gửi đến khán giả Việt Nam sau hành trình kéo dài hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ. Trong căn phòng nhỏ giữa phố cổ Hà Nội nơi triển lãm diễn ra, lúc nào cũng có mặt những người bạn từ bốn phương trời, đủ mọi lứa tuổi cùng chung một niềm yêu mến và cảm phục trước tài năng hội họa của Trịnh Lữ.
TRẦN HÀ