Nhắc đến danh xưng Nam Kỳ lục tỉnh thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19, đã có địa danh An Giang. Nhưng kỳ thực mảnh đất này lại có lịch sử lâu đời hơn, được người Việt khai phá từ đầu thế kỷ 18. Ai cũng biết, năm 1698, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã vào xứ Đồng Nai lập dinh Phiên Trấn và Trấn Biên, xác lập chủ quyền ở Nam Bộ. Sự kiện đã được chọn làm mốc kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ông đem quân đánh Chân Lạp, trên đường thắng lợi trở về, Nguyễn Hữu Cảnh mất tại cù lao Sao bởi trọng bệnh năm 1700. Để tưởng nhớ công lao vị tướng đi mở cõi phương Nam, người dân địa phương lập đền thờ và nơi ông mất từ đó sau này được đổi tên gọi là cù lao Ông Chưởng (nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Hàng trăm năm sau đó, người Việt, người Chăm, người Hoa sinh sống lập nghiệp ở tiền đồn đã dựng xây nên một An Giang trù phú, giàu bản sắc.

Minh họa: Phạm Hà.

Sở dĩ, chúng tôi phải dài dòng về lịch sử như vậy để minh chứng về truyền thống văn hóa lịch sử của An Giang thực đáng tự hào ở phương Nam. Nếu đi du lịch An Giang để khám phá những danh thắng, di tích chủ yếu cũng phải mất cả tuần lễ. Sơ sơ có thể kể ra: Điểm khởi đầu nguồn kênh Vĩnh Tế, nơi sông Hậu chảy vào đất Việt; khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Bảy Núi và miếu bà Chúa Xứ núi Sam; làng Chăm An Phú; cù lao Giêng; cù lao Ông Chưởng; rừng tràm Trà Sư; nhà mồ Ba Chúc; khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê… Người An Giang năng động, giỏi giao thiệp buôn bán từ xưa nên khi bắt tay làm “công nghiệp không khói” thì rất thuận. Năm ngoái, An Giang đón hơn 8,5 triệu lượt khách xấp xỉ ngang với Cần Thơ và còn vượt trên Kiên Giang có “đảo ngọc” Phú Quốc, doanh thu đạt 4.800 tỷ đồng.      

An Giang vươn lên từ du lịch kể ra cũng không có gì ngạc nhiên, nhưng tiềm năng lợi thế đã được khai thác hết chưa? Câu trả lời là chưa nếu An Giang giải quyết được vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối các điểm du lịch thành chuỗi sản phẩm tốt hơn. Từ Đồng Tháp sang An Giang, người dân vẫn phải đi phà. Nghĩa là quãng đường đến TP Hồ Chí Minh nối với phía bắc An Giang vẫn chưa được rút ngắn. Ngay trong nội bộ tỉnh An Giang vẫn có huyện Chợ Mới là một huyện cù lao bốn bề bao quanh bởi các con sông lớn nhỏ, tìm đến thăm chỉ có nước đi phà.

Theo chân người bạn Lê Quang, quê ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới-được mệnh danh là “huyện cù lao”, nổi bật là cù lao Giêng và cù lao Ông Chưởng. Đó là tên gọi dân gian, còn trên bản đồ tuyệt nhiên không có hai địa danh đó. Lê Quang giải thích: Cù lao Giêng hóa ra là địa bàn 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, rộng 68km2, nằm hoàn toàn giữa sông Tiền. Cù lao Ông Chưởng còn rộng gần gấp đôi, địa bàn 5 xã: Kiến An, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang. Huyện Chợ Mới có Tây An cổ tự của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856) lập năm 1849. Ngôi chùa này rất độc đáo bởi những mảnh sành sứ được cắt và đắp nổi trang trí. Ở cù lao Giêng còn nổi tiếng với giáo đường cù lao Giêng xây dựng vào năm 1879 thuộc hàng sớm nhất nước ta. Cù lao Giêng ghi dấu nhiều câu chuyện chiến trận oanh liệt. 3 xã ở cù lao Giêng đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nơi đây cũng là nơi sinh trưởng của nhiều danh nhân, như: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhạc sĩ Hoàng Hiệp… 

Sau một ngày tham quan các danh lam thắng cảnh Chợ Mới, được nghe kể về những sự tích, truyền thuyết, nghỉ chân ven đường thưởng thức những món ăn bình dân, như: Bò núi nướng cuốn mỡ chài, bún nước lèo, cá linh kho mía, củ quả chấm kho quẹt… giữa sông nước miền Tây thực sự để lại nhiều ấn tượng về vùng đất ít người biết đến. Tiềm năng nhiều như vậy nhưng du lịch nơi đây chưa phát triển. Đem chuyện làm du lịch hỏi Lê Quang, chàng trai mới hơn 20 tuổi thật thà tâm sự: “Mấy năm nữa ngôi nhà các cụ để lại tròn 100 năm tuổi sẽ được công nhận là nhà cổ, ruộng vườn thì đến mất chục nghìn mét vuông, tới đây em cũng tính làm du lịch sinh thái đó anh! Ngặt nỗi tiền chưa có để đầu tư, với lại đường sá, cầu cống chưa “ngon”, khách không tiện đường qua”.

Chia tay Lê Quang với mong muốn ước mơ dang dở của chàng trai miệt vườn sớm thành sự thực; chúng tôi ngược lên biên giới đến với TP Châu Đốc, nơi con sông Tiền và sông Hậu gặp nhau ở lãnh thổ Việt Nam trước khi về xuôi đổ ra biển lớn. Ở đó, người ta dựng lên tượng đài cá ba sa quẫy nước… đòi ăn! Đó là niềm tự hào của người An Giang, nhắc du khách rằng An Giang là trung tâm nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu với doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. 

An Giang đâu chỉ có nuôi cá và cánh đồng lúa cò bay… mỏi cánh. Dựa vào truyền thống đất đai màu mỡ, kinh nghiệm canh tác, tỉnh đã chú trọng xây dựng nông nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu với nhiều nhóm sản phẩm, như: Rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn-nấm dược liệu… Qua vài năm, nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, như: Lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), dược liệu (sâm bố chính, ba kích, đinh lăng, củ huyền tinh), rau an toàn... dần được xác lập. Đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch của ông Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP Châu Đốc) mới thấy hiệu quả cao khi có công nghệ giúp sức cho nông nghiệp. Mô hình trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua cao sản, dưa leo… trong nhà lưới có thể canh tác 7 vụ/năm, thay vì 3 vụ/năm như trước. Nếu trồng theo cách truyền thống thì áp lực về sâu bệnh rất nặng, muốn bảo đảm chất lượng an toàn rất khó, nhất là thời gian thu hoạch. Hiện, số lượng dưa lê, dưa lưới do ông Phong trồng được các siêu thị thu mua nên có thể yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Do năng động trong nắm bắt xu thế và diễn biến của thị trường, ông Phong đã canh tác các loại hoa cảnh phục vụ người dân đi lễ chùa và tham quan vào dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, ông Phong còn kết hợp với du lịch sinh thái cho khách đến tham quan mô hình và mua sản phẩm tự hái mang lại lợi nhuận cao. Ông Phong cho biết: “Tuy đầu tư chi phí, công sức rất lớn nhưng hiệu quả cũng cao. Giờ tôi có thể sống khỏe với nguồn thu nhập ổn định”.

Thật tiếc, thời gian chúng tôi lưu lại An Giang không nhiều, chưa thể khám phá hết mảnh đất nơi đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Nhưng tin rằng, với bước đi đúng hướng, mảnh đất này sẽ ngày một giàu mạnh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Ghi chép của ƯU ĐÀM