Bà e sợ phải tiêu hóa món rau quả om và nhất là lo sợ về bệnh ung thư vú mới tái phát của mình. Những lời an ủi và thời gian lãng phí vào việc trò chuyện thế này khiến bà thấy hết sức nản lòng. Trong gia đình tôi, trò chuyện nhàn tản chẳng có mấy giá trị. Mẹ nhìn ra ngoài cửa sổ xe, bảo: “Mẹ sẽ bắt chuyến taxi sớm nhất-vì vậy có thể sẽ về sớm”. Bố tôi bằng lòng, dù chúng tôi đang tới đại gia đình của ông. Ông chẳng nói gì.
Mẹ quay sang bảo bố rằng, chúng tôi sẽ phải chịu đựng việc những người thân trong đại gia đình không biết đồ ăn nào có hại cho sức khỏe và phải ăn từ những chiếc đĩa xốp thay vì sử dụng những bộ dao dĩa phù hợp. Năm nay tuổi mẹ đã gần 70, ngày càng yếu đi và không muốn gì hơn ngoài việc được ở nhà nghỉ ngơi. Bà sẽ dành tất cả năng lượng còn lại của mình để khiến căn hộ trở nên lành mạnh nguyên sơ, cứ như thể việc dọn dẹp nhà cửa sẽ điều chỉnh được tâm trạng yếu đuối của bà vậy. Rồi sau, bà sẽ cuộn tròn lại mà đi vào giấc ngủ. Bà bảo: “Việc này chán phèo, nhưng bắt buộc phải đi”.
Không có nhiều thay đổi vào dịp Tết Nguyên đán tại con phố Xương rồng. Ánh trăng vẫn chiếu xuống con đường kỳ dị với những ngôi nhà liền kề cũ kỹ được xây vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bác Cheng Hoon vẫn đón ba người chúng tôi cùng mấy con mèo như mọi khi. Bác đã không còn đứng vững được như trước do chứng loãng xương nhẹ nhưng sự nhiệt tình của bác là vô biên.
 |
Minh họa: Nguyễn Quang Cường |
“Chào chú thím. Chào Andrew. Chúc mừng năm mới!”. Trời đã chạng vạng tối nên bác Cheng Hoon không nhận thấy nét ủ dột trên mặt mẹ tôi.
Bác Cheng Hoon bảo mẹ tôi: “Đừng để ý đến lũ mèo, Evelyn ạ”. Nhưng mẹ vẫn nhăn mặt khi một trong số chúng cọ vào chân bà lúc mọi người ngồi vào bàn ăn. Là con cả trong gia đình và là chị gái của bố tôi, bác Cheng Hoon không thể vắng mặt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bác tổ chức sự kiện này hằng năm và làm tất cả mọi việc, từ gọi điện thoại cho đến chuẩn bị các món ăn mà hiện giờ đang được đưa ra trước ánh mắt lặng lẽ của mẹ tôi. Món sushi được đặt từ cửa hàng Cold Storage; ngoài ra còn có món nem cuốn, thịt bụng lợn nướng, khô heo và món cà-ri của anh họ tôi-Jim. Đây là món khiến Jim vô cùng tự hào. Chúng tôi lịch thiệp thưởng thức các món ăn, dù rằng mẹ tôi thích măng thái mỏng và củ cải xốt tôm cua hơn. Bà không thích khi những hộp bào ngư đóng sẵn được mở ra và trút vô tội vạ vào món rau trộn. Theo bà thì cách làm đó chẳng có chút tinh tế nào. Anh em, họ hàng của tôi cũng đa dạng như những món ăn trước mặt chúng tôi vậy. Họ là những người từ luật sư trở thành vũ công múa cột, từ đại lý bất động sản trở thành diễn viên...
Họ hỏi: “Giờ cậu lái xe gì, Andrew?”.
“Chỉ là chiếc xe thường nhất thôi, của hãng Hyundai. Nhưng hôm nay nhà cháu tới đây bằng Grab”.
“Cậu vẫn còn giảng dạy đấy nhỉ?”.
“Giảng dạy! À vâng”.
Tôi luôn nói rằng tôi vẫn ổn. Thi thoảng tôi lại kiểm tra xem tâm trạng mẹ tôi thế nào. Cũng phải thôi khi mẹ tôi xem một số người trong họ là những kẻ đột nhập vào cái quỹ thời gian quý báu của bà và bà phải chấp nhận điều đó. Họ nói về tiền, cách kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cuối cùng lại thống nhất với nhau rằng: “Hãy nhìn Michael Schumacher mà xem; có rất nhiều tiền, nhưng giờ thì sao chứ hả? Vẫn còn hôn mê! Thật đáng thương! Sức khỏe mới là tiền bạc”.
Mẹ tôi bước ra khỏi bàn ăn bởi bà đã quá mệt mỏi sau các buổi hóa trị. Những lúc như vậy, bố và tôi thường đặt mẹ ngồi trong chiếc ghế bằng gỗ hồng sắc và đưa bà lên tầng. Mẹ yếu ớt nhìn những vệt xước chiếc ghế để lại trên sàn nhà trước khi nằm xuống giường và luôn thì thào rằng bà cần nghỉ ngơi, chỉ cần nghỉ ngơi mà thôi. Còn hiện giờ thì ngày đoàn viên thường liên quan nhiều hơn đến việc phải trả lời các câu hỏi, cộng với việc phải vui vẻ nói chuyện với những người đã rồi lâu chưa gặp.
Jim cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng việc bắt đầu nói về Jasmine, cháu gái tôi. Rõ ràng là anh ấy đặc biệt quan tâm đến cô cháu gái dù đó không phải là con gái mình.
Mẹ tôi hỏi: “Kết quả thi cuối cấp của con bé thế nào?”.
“Ơn chúa, con bé đạt điểm A ở tất cả các môn, cả với môn Ngữ văn”. Nói rồi, Jim hùng hổ kể ra những căn bệnh của nền giáo dục hiện đại. Jim ăn mặc khá cẩu thả trong dịp Tết Nguyên đán thế này. Thời trang rõ ràng không phải là mối quan tâm của anh ta.
Jim bảo: “Tôi là người chạy đi chạy lại, giúp con bé ôn Toán. Tôi tự dạy con bé bằng tất cả các phương pháp mới nhất để nó có thể vượt qua kỳ thi!”.
Tôi nhận xét: “Việc đó chắc chẳng mấy dễ dàng. Trông anh gầy đi đấy, Jim. Anh quá tận tâm”.
Mẹ tôi ngắt lời: “Con bé thuộc tuýp người chậm phát triển nhưng thành công. Nhưng Jasmine ạ, điểm số không phải là thứ xác định cháu là ai”. Trông bà thật nhỏ bé nhưng oai nghiêm khi nói ra điều này, và mọi người đều lắng nghe. Đó là một khởi đầu tốt.
Đến phần trộn lo hei may mắn (cả nhà cùng trộn rau củ và cá sống trong dịp Tết), mọi người tạo thành một vòng tròn quanh bàn ăn. Jim để Jasmine nói lời chúc tốt lành đầu tiên. Thật dễ chịu khi những lời chúc được đọc to lên, giống như những câu thần chú phức tạp. Bác Cheng Hoon cười hỷ hả và hoạt bát hẳn lên sau khi trộn tung mấy món lên cao.
Bác bảo: “Tôi đã tham gia nhóm kịch của người cao tuổi. Chúng tôi đang tập diễn vở Romeo và Juliet”.
“Thật chứ? Ở tuổi bác cơ á?”.
Bác giơ cho chúng tôi xem một tờ bướm, bảo: “Đó là phiên bản tái hiện thế hệ bác”. Tờ bướm trông hơi xấu nhưng thể hiện nét nghiêm túc.
Bác trai cười: “Vậy bà đóng vai gì? Không phải là Juliet chứ? Romeo, anh ở đâu? Em gọi tên anh Romeo! Anh có nghe thấy không?”.
“Không, không, là quý bà Montague”.
Tôi nhớ đó là một vai phụ còn bác Cheng Hoon thì trấn an tôi rằng bác thấy vui với vai diễn của mình; đơn giản chỉ là giúp mình năng hoạt động hơn, nhớ lời thoại và bước đi dưới ánh đèn sân khấu. Tôi hứa sẽ tới xem buổi biểu diễn của bác, mặc dù tôi hơi lo ngại trước viễn cảnh người cao tuổi đóng kịch Shakespeare: “Thật đáng ngưỡng mộ, bác Cheng Hoon ạ”.
Mẹ tôi mỉm cười trước câu chuyện và bắt đầu “xử lý” chỗ đồ ăn chất đầy trong đĩa của mình.
Tôi hỏi: “Ổn chứ mẹ? Mẹ có muốn ở lại lâu hơn chút nữa không?”.
“Có”-mẹ tôi trả lời trước khi quay sang hỏi một người họ hàng về ngôi nhà mới của cô ấy.
Cô Gwen cuối cùng cũng đến. Cô bằng tuổi mẹ tôi, xanh xao và gầy gò. Trông cô giống nhân vật Emily trong Cô dâu ma. Một nửa khuôn mặt của cô chảy xệ xuống do biến chứng sau phẫu thuật não dẫn đến thoái hóa cơ mặt. Cô chỉ mong cơ thể sẽ hồi phục. Cô Gwen ôm hôn mẹ tôi, ôm tôi rồi bảo: “Cô ổn mà”. Mắt phải của cô Gwen rất sáng, nhưng cô phải nhướn mí mắt còn lại lên để nói chuyện với chúng tôi. Cô lại bảo: “Cô ổn mà”. Mẹ tôi tập trung tất cả sự chú ý vào cô Gwen tội nghiệp. Hai người cúi đầu, tâm sự nhẹ nhàng theo cái cách mà những phụ nữ bệnh tật hay làm, và chẳng có gì giúp thắt chặt một mối quan hệ tốt hơn điều đó. Cô Gwen bảo: “Bác sĩ bảo tiên lượng là tốt. Đừng lo lắng cho em”. Nói rồi cô quay ra phía tôi, đưa tôi chiếc phong bao lì xì màu đỏ.
“Lì xì lấy may nhé cháu, Andrew”.
Tôi vội đứng dậy cảm kích: “Ồ không, cháu không nhận được đâu cô Gwen”. Cô Gwen giả bộ giơ hai ngón tay lên ngang mày, chào tôi kiểu nhà binh. Chỉ với việc xuất hiện ở bữa tiệc đoàn viên hôm nay thôi, người phụ nữ nhỏ bé mà gan góc này đã khiến mẹ tôi xúc động.
“Lấy may mà Andrew. Mọi sự may mắn nhé”.
Tôi xua xua tay: “Cháu cảm ơn cô. Nhưng năm tới cháu xin được phép không nhận lì xì nữa cô nhé!”.
Cả cô Gwen và mẹ tôi đều phá lên cười.
Lũ trẻ con vẫn nô đùa ồn ã trong phòng khách. Không gian náo nhiệt dù đã gần nửa đêm. Ba con mèo béo của bác Cheng Hoon bị rượt lên rượt xuống, trong khi ở ngoài kia mấy người hàng xóm đang bật loa cho tiếng pháo điện tử vang lên. Có những thứ không bao giờ thay đổi, dù đôi lúc có hơi khác, nhưng rất hiếm. Bố tôi rót chút rượu vào cốc xốp cho mẹ. Bà uống cạn!
* * *
Xe Grab tới đón chúng tôi là một chiếc Toyota cũ kỹ, nhưng có điều hòa không khí, khá dễ chịu cho những hành khách hơi quá chén. Người lái xe cũng thuộc tuýp người hay chuyện.
Người đàn ông 52 tuổi cười tươi: “Chúc mừng năm mới tất cả mọi người!”, rồi bắt đầu chia sẻ về cơ chế hoạt động của hệ sinh thái taxi công nghệ ở Singapore.
Mẹ bảo: “Anh ấy kiếm được nhiều hơn con đấy, Andrew!”. Có vẻ như câu chuyện lại quay về với chủ đề “tiền” thêm một lần nữa.
Người lái xe giơ cả hai tay lên đếm: “Tôi có sáu đứa con. Trai-Gái-Trai-Trai-Gái-Gái”.
Mẹ tôi kinh ngạc: “Sáu ư? Anh thật là dũng cảm”.
“Tôi cưới vợ từ năm 20 tuổi. Đó là lý do. Hơn nữa tôi lại thích trẻ con”.
Mẹ tôi bảo: “Khi tôi còn trẻ, chính phủ lúc nào cũng nói rằng hãy dừng lại ở hai con, nếu không sẽ bị phạt”.
“Ồ, tôi thì lại không nghĩ ngợi quá nhiều! Thêm vào đó, tôi và vợ tôi thường thấy buổi tối khá là buồn tẻ…”.
Chúng tôi cười phá lên trước câu nói hài hước của người lái xe.
Tôi hỏi: “Vậy sau khi xong việc thì anh đi đâu?”.
“Tôi sẽ về nhà đứa lớn. Nó có hai con rồi. Con út nhà tôi cũng chỉ hơn cháu nội tôi có vài tuổi”.
“Ồ, tôi thì không sao hiểu nổi. Chuyện đó thật tuyệt vời”.
Tôi liếc nhìn mẹ qua gương chiếu hậu. Bà thoải mái ngả người trên lớp da bong tróc của băng ghế sau. Tôi nghĩ mẹ đã phục hồi, chí ít là một phần sức khỏe nguyên sơ của mình. Tâm trí tôi lại trở về với bữa tối vừa xong, về với món salad trộn lo hei may mắn, và người bác gái vào vai một nhân vật bốn trăm năm tuổi trên sân khấu. Họ như nhắc nhở rằng dù sao thì cuộc sống vẫn diễn ra. Chúng tôi lặng im cho đến cuối hành trình. Tôi thấy biết ơn người đàn ông lạ mặt đã đưa chúng tôi về nhà. Ông đã cho chúng tôi cảm giác như đi qua phần cuối của một vở nhạc kịch.
Lúc xuống xe, mẹ tôi nhắc lại: “Anh thật dũng cảm. Anh thực sự là một người tốt”.
Tôi nhẹ nhàng đỡ lưng cho mẹ, dìu bà bước về phía trước, đi lên cầu thang. Tôi hỏi mẹ có thích bữa tối đoàn viên không, và nghĩ rằng bà sẽ phẩy tay mà bảo: “Nói gì được về các bữa tối đoàn viên chứ?” hoặc đại loại như thế.
Nhưng mẹ đã khiến tôi ngạc nhiên khi đáp: “Mẹ thích! Rất thích!”.
Truyện ngắn của Eugene Ong (Singapore)
THANH GIANG (dịch)