Là chủ nhân của các tập truyện ngắn: “Đồ tể”, “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”, “Bay cao thì mặc bay cao”, “Ảo và sợ”, “Ngoi lên từ đáy”; tiểu thuyết “Thiên đường ảo vọng”; “Bụi đời và thục nữ”; tập truyện dài “Tuổi thơ không có cánh diều”; tự truyện “Trí khùng”, cùng nhiều truyện ngắn đăng trên các báo, gia tài văn chương như vậy cũng có thể coi là khá giả, nhất là với một cây viết phải chung đụng với sự lầm than nhiều hơn được tiếp xúc với chữ nghĩa như Nguyễn Trí.

Nguyễn Trí có xuất phát điểm thấp, như cách nói của ông là “ngoi lên từ đáy”. Hiếm nhà văn nào từng kinh qua nhiều nghề gai góc như Nguyễn Trí: Làm đồ tể, đãi vàng, khai thác trầm hương, chặt củi đốt than, chạy xe ba bánh, nấu đường, cưa kéo, dạy Anh văn... và cuối cùng chọn  ngã rẽ làm “phu chữ”. Những bãi trầm, bãi vàng là nơi ông buộc phải chọn vì mưu sinh, đó cũng là những bãi trầm luân làm nên chất liệu văn chương của ông.

Nguyễn Trí được người ta nhớ đến, chắc chắn bởi hai điểm: Những câu chuyện ông kể và giọng kể. Hai điểm ấy không phải mài giũa là có được, mà là kết quả của những lăn lộn trầm luân.

Rất nhiều bài báo viết về Nguyễn Trí và không ngần ngại gọi ông là nhà văn của những kẻ khốn cùng, là “kẻ đi gom bão, nhặt bi ai”. Quả thực, đọc truyện ngắn Nguyễn Trí sẽ thấy hết được thế giới cơ cực của những con người dưới đáy xã hội.

Ám ảnh nhất là chuyện về những tay đồ tể, phu trầm, phu vàng. Để trở thành dân tìm trầm chuyên nghiệp, phải giỏi võ, lanh lợi, giỏi cầm rìu, có đủ đồ nghề trong nghệ thuật nạo trầm và hơn hết, phải có sự liều lĩnh hơn người. Nguyễn Trí tả công cuộc tìm kiếm trầm tựa như một hành trình tìm kho báu chốn rừng thiêng nước độc, mà chết chóc luôn treo lơ lửng trên đầu. Có lẽ giá trị của trầm hương đã vượt ra những sự kỳ diệu tự nhiên vốn vẫn được truyền tụng trong nhân gian, cái đắt đỏ nhất của trầm hương, qua văn chương Nguyễn Trí, có thể thấy, đó là máu và nước mắt quyện vào trầm.

Trong hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Trí, nhà văn khiến người đọc ngậm ngùi về bi kịch bần cùng hóa, tha hóa của những con người đang vật lộn ở “bến tắm ngựa”. Ngay từ tên các nhân vật cũng nghe như “lấm lem bùn đất”: Lộc đen, Chấm ba ke, Hùng nheo, Thành bụi... Có lẽ chưa có nhà văn nào phản ánh được một cách trực diện, đa dạng, sống động và xuyên suốt như thế về cảnh ngộ của những con người dưới đáy xã hội. Bên cạnh đó, Nguyễn Trí cũng cho thấy những hệ lụy của cơn lốc đổi mới ở các vùng quê nghèo (lừa hụi, rượu chè, số đề, ngoại tình...). Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều trong số những con người cùng đinh bạch ốc ấy, dù đang phải sống trong khoảng tối của xã hội, dù bị hoàn cảnh xô đẩy, vẫn nuôi hi vọng hướng thiện.

Viết về một tầng lớp đặc biệt trong xã hội hiện đại, ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Trí cũng có những đặc trưng riêng biệt, đó là thứ “ngôn ngữ bụi, được sử dụng một cách tự nhiên, vừa đủ, rất hợp với các nội dung cần chuyển tải” (nhà văn Trần Thanh Cảnh). Đặc biệt, ông viết về rất nhiều nhân vật, già trẻ, trai gái... nhưng ai cũng có giọng điệu riêng, không thể lẫn.

Nếu làm phép thống kê đơn giản thì có thể tìm thấy hàng trăm từ địa phương hoặc tiếng lóng được sử dụng trong các sáng tác của Nguyễn Trí, thậm chí có cả từ chửi tục, chửi thề, song được sắp xếp hợp lý, không gây phản cảm. Đọc văn Nguyễn Trí, thấy được đời sống bình dân sống động ngồn ngộn của người Nam Bộ. Tuy vậy, văn Nguyễn Trí cũng không thiếu những đoạn mềm mại, thậm chí cả triết lý. Triết lý của ông súc tích mà vô cùng thấm thía: “Kẻ có tiền sẽ tìm cái họ thiếu” (Chuyện cũ từ rừng), “Ai cũng phải chết và chết ở đâu cũng bằng nhau” (Giã từ vàng), “Sự thiếu học thức đã dẫn đến không có tri thức” (Sau một cái chết), “Khi cùng đường cái gì người ta cũng làm được tất” (Đồ tể)...

Một trong những điểm dễ nhận thấy trong phong cách của Nguyễn Trí là ông luôn dẫn dắt câu chuyện một cách trực tiếp, đơn giản, nhưng đầy chủ ý. Những câu văn ngắn gọn, chặt chẽ, pha chút hài hước đậm chất Nam Bộ được Nguyễn Trí ưu tiên sử dụng.

Đặc biệt, nhờ những trải nghiệm thực tế, Nguyễn Trí sở hữu một kho từ vựng chuyên môn phong phú, độc đáo. Chẳng hạn, với nghề tìm trầm: địu, bộ xỉa, Bạch Kỳ, bầu địu, trưởng bầu, cây dó đóng trầm, Tào kê...; với nghề đào vàng: Lòng bàn, bổi, ca lụi, tổng kho; với công việc đồ tể: “Một thanh gỗ được cột chặt một sợi dây móc vào bệ, khóa chú heo lại. Rửa thật sạch bằng vòi xịt (...). Cái móc hàm nâng cổ và dao thọc sâu vào tận tim, phải làm sao chỉ một nhát, hai nhát là tiết mất ngon”...

Có thể gói gọn phong cách của Nguyễn Trí qua mấy dòng nhận xét sau đây của nhà văn Hồ Anh Thái: “Văn chương tưng tửng, tung tẩy đối đáp giữa nhân vật với nhân vật, giữa nhân vật với người đọc, giữa người viết với người đọc. Nguyễn Trí đưa người đọc đi qua những cuộc đối thoại ấy, rồi cắt nghĩa từng khái niệm, cắt nghĩa từng hành vi và tâm trạng của dân giang hồ. Những bươn chải, những mưu tính, những nghĩa cử trong đám giang hồ với nhau, có lúc cuốn hút, có lúc gây hồi hộp, có lúc gây phẫn nộ hoặc khiến người đọc rưng rưng. Như vậy tác phẩm của Nguyễn Trí gây hấp dẫn bằng chất sống thực và sự từng trải”.

Đọc truyện Nguyễn Trí, chứng kiến số phận của những kẻ “tứ cố vô thân đời mới” (chữ dùng của Lê Minh Khuê), người đọc hẳn có thể thấy những giọt nước mắt buồn, chua xót của nhà văn. Bởi thân phận của các nhân vật cũng là một phần của cuộc đời ông. Chính Nguyễn Trí từng chia sẻ: “Những sáng tác của tôi hầu hết là viết lại những đoạn đời cơ cực mà mình đã trải qua. Tất cả những nghề nghiệp, quãng đời đó đã cho tôi những va chạm thực sự với cuộc sống và con người. Đó là vốn liếng của tôi. Điều lớn lao nhất mà tôi rút ra là “chính cái khổ và cái nghèo sẽ làm nhân cách người ta lớn lên một cách không ngờ, nếu họ biết phục thiện”. Chọn làm “phu chữ” ở chặng cuối cuộc đời, có lẽ Nguyễn Trí cũng mong mỏi đưa các nhân vật của ông-những con người cùng xuất thân ở bến tắm ngựa như ông, tìm được đường về bến thiện./.

PHẠM PHƯƠNG NGA