Vậy là Vương sửa lại tầng trệt thành bốn gian cho thuê: Một cửa hàng tạp hóa, cửa hàng cắt tóc, một cửa hàng trái cây và một tiệm ăn nhanh.

Từ một người nông dân đúng nghĩa, Vương nhanh chóng trở thành ông chủ. Người đến thuê cũng thường gọi Vương là “ông chủ”, và Vương không phải là không cảm thấy thú vị về điều đó. Giờ thì thay vì làm ruộng, hằng ngày Vương chắp tay sau lưng dạo quanh khu vực cho thuê của mình một cách đầy hài lòng và thoải mái.

Thế nhưng gần đây, Vương nhận thấy hình như có điều gì đó không ổn ở tiệm ăn nhanh. Vương thấy người ta xếp hàng cả ngày mua bánh bao, loại bánh được nhồi rau hoặc thịt lợn. Chủ cửa hàng là Trương Sĩ Phong. Vương bắt đầu tính toán: “Có vẻ như mình đang bị hớ. Thằng đó quả là lợi hại. Nó đang lợi dụng vị trí tốt của căn nhà để kiếm lời. Không thể thế này được. Mình phải nói chuyện với hắn mới được”.

Minh họa: Mạnh Tiến. 

Tối đó, Vương bước vào tiệm bánh ngay khi mọi người đang chuẩn bị đóng cửa khiến Trương thoáng giật mình. Anh vội vã chào đón, nói: “Ông chủ ngồi đi”. Vương châm một điếu thuốc, nói bâng quơ: “Anh Trương này, công việc kinh doanh có vẻ khá tốt đấy nhỉ. Tôi có thể thử một chiếc bánh bao của anh được không?”.

Trương đáp: “Hôm nay chỉ còn vài chiếc. Nhưng tôi e là chúng không hợp với khẩu vị của ông đâu”.

Vương tỏ vẻ không vui, nói: “Anh nói gì lạ vậy? Rất nhiều người thích bánh bao của anh. Vậy thì sao tôi lại không thích được cơ chứ?”.

Sợ hãi, Trương vội vã lấy ra một đĩa bánh bao, bề ngoài chẳng khác những chiếc bánh bao thông thường. Vương với một chiếc, cắn một miếng. Bột mịn, thơm, nhưng nhân thì cay quá. Vương thấy dạ dày như đang bốc cháy. Mồ hôi vã ra, Vương hắt hơi vài cái. Cơn nghẹt mũi vài ngày qua đột nhiên biến mất. Vương thấy người khỏe hẳn.

Vương xoa miệng: “Vị quả là lạ. Chắc hẳn anh phải có bí quyết nào đó từ quê nhà. Nhưng cũng phải nói rằng từ tháng tới tiền thuê cửa hàng sẽ phải tăng”.

Trương sửng sốt: “Sao lại thế? Cụ thể là bao nhiêu?”.

 “Cửa hàng nằm ở vị trí đắc địa. Công việc kinh doanh của anh cũng rất tốt. Tôi nghĩ phải 3.000 đồng một tháng”.

Trương choáng váng: “Ông chủ à, chỉ là tiệm bánh nhỏ thôi mà. Chúng ta có thể bàn lại chuyện này được không?”.

Không đợi Trương nói hết, Vương đứng dậy, bước ra ngoài, hai tay chắp sau lưng.

Tháng sau, Trương chuyển đi. Tiệm bánh không đủ khả năng trả tiền thuê cao như vậy. Vương nhanh chóng sửa lại cửa hàng, thuê đầu bếp mới và bắt đầu vận hành tiệm bánh bao của riêng mình. Từ chiếc bánh bao của Trương, Vương cho rằng hầu hết người mua không phải là người địa phương và họ thích ăn cay. Vương trộn nhân với nhiều gia vị và chờ đợi công việc kinh doanh phát đạt như Trương.

Thế nhưng chỉ sau vài ngày, hàng trăm chiếc bánh bao xếp chồng chất lên nhau mà chẳng ai để mắt tới. Người ta chỉ đến cửa hàng hỏi “Ông chủ Trương đâu rồi?” rồi chẳng ai quan tâm đến mua bánh bao nữa. Bản thân các đầu bếp cũng chán nản. Vương không hiểu chuyện gì đang xảy ra: “Bánh bao có vỏ mịn, tinh tế, nhân tẩm nhiều gia vị; giá cả thì hợp lý. Vậy mà tại sao mọi người không mua?”. Vương lấy điện thoại di động, bấm số của Trương, nhưng chỉ nghe máy bận.

Không có khách, Vương đành phải đóng cửa hàng, lại buồn tẻ dạo quanh khu phố mỗi ngày. Cho đến một hôm, đang trên đường về nhà thì Vương thấy một đám người xúm xít quanh một chiếc xe đẩy bán đồ ăn sáng. Chính là Trương Sĩ Phong đang bán bánh bao ở đó. Người mua nói chuyện, cười đùa với anh ta như người thân và những chiếc bánh bao được bán hết nhanh chóng. Khi đám đông thưa đi, Vương đi tới bối rối nói: “Anh bạn đây rồi”.

Trương ngẩng lên nhìn, nở nụ cười rạng rỡ, không chút tức giận. Anh lấy một chiếc bánh bao nói: “Ông chủ, ăn một chiếc đi này”.

Vương đỏ mặt: “Trương, tôi đã đi tìm anh nhiều ngày nay. Tôi muốn anh… tôi muốn anh trở lại!”. Rồi Trương kể lại toàn bộ câu chuyện về cửa hàng bánh bao của mình.

 “Ông chủ à”. Trương nói: “Tôi không đủ tiền để thuê cửa hàng của ông đâu”.

 “Tiền thuê sẽ giống như trước, một nghìn đồng một tháng, với một điều kiện…”.

 “Điều kiện gì?”.

 “Tôi muốn làm việc cho anh. Tôi đã thấy rằng không phải lúc nào rảnh rỗi cũng là hạnh phúc”.

Vậy là cửa hàng bánh bao của Trương Sĩ Phong mở cửa trở lại. Trong vòng chưa đầy ba ngày, cửa hàng lại bận rộn như nó đã từng bận rộn trước đây. Mỗi khi Vương tò mò về việc này thì Trương đều chỉ cười.

Một hôm, Trương nhận được đơn đặt hàng từ một công trường xây dựng. Chiều đã muộn nên Trương yêu cầu mọi người làm thêm giờ đêm để bảo đảm cung cấp đủ bánh bao vào sáng hôm sau cho công trường. Vương cũng ở lại.

Đêm hôm đó, ánh đèn không tắt trong cửa hàng bánh bao của Trương. Trương tự pha trộn nhân bánh. Đậu phụ, dầu ớt và những miếng thịt lợn béo nục được trộn đều, đưa đi hấp chín trước khi cho vào vỏ bột nhào và tiếp tục được hấp chín. Khi xong việc thì đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng.

Trương bảo mọi người đi nghỉ, còn anh leo lên xe gắn máy mang bánh tới công trường. Vương cũng đi cùng. Hai người vội vã lặn vào màn sương mù buổi sáng.

Khi tới công trường, Trương và Vương nhanh chóng đưa bánh vào trong. Công nhân công trường vừa thức dậy. Họ cầm vội lấy những chiếc bánh bao còn nóng. Mồ hôi túa ra, giúp họ quên đi cái rét cuối năm. Họ vừa ăn vừa liên tục cười đùa với Trương. Rõ ràng, họ coi Trương như một người bạn thân thiết.

Vài ngày sau đó, Trương lại bảo mọi người làm bánh bao nhân đậu xanh. Những chiếc bánh bao rất đẹp. Mẻ bánh đã xong, Trương và Vương chạy xe qua con đường nhỏ gập ghềnh đến một trường học dành cho con em công nhân nhập cư. Một người đàn ông tóc muối tiêu chạy ra gọi: “Trương, anh mang thêm bánh bao đến đó ư?”. Trương cười: “Ông Li, hôm nay có bánh bao nhân đậu xanh”.

Rồi một hôm, Trương trở nên buồn bã sau khi nhận được một cuộc gọi điện thoại. Tối đến, anh ra chợ mua cá. Trở về, Trương nghiền cá thật cẩn thận. Khi Vương hỏi chuyện, Trương buồn bã đáp: “Một cô bé ở trường học mắc bệnh bạch cầu ba năm trước đây. Giờ cô bé rất yếu và muốn ăn bánh bao cá…”. Vương cũng buồn lây.

Rồi cứ thế, Trương thay đổi nhân bánh bao mỗi ngày. Công việc cuốn hút. Dần dà, Vương cũng thấy mình thực sự đang hòa mình vào từng chiếc bánh. Mọi người vẫn nườm nượp kéo đến mua bánh bao của Trương nhưng anh không hề tăng giá. Anh nói: “Bánh bao cũng như con người, cũng có trái tim. Nhân mỗi chiếc bánh bao là một trái tim. Chúng ta cần hiểu được người mua để làm nhân phù hợp với họ. Với công nhân nông trường chẳng hạn, họ làm việc vất vả mà trời thì lạnh giá. Họ cần một cái gì đó giúp họ ấm, đổ mồ hôi để giải độc cơ thể nhưng cũng phải rẻ và đủ để lấp đầy dạ dày. Còn bánh bao nhân đậu xanh giúp trẻ nhỏ hiếu động giải nhiệt và các cô giáo sẽ đỡ ho hơn sau những giờ giảng hằng ngày”.

Giờ thì Vương đã hiểu ra tại sao nhiều người tìm đến mua bánh của Trương đến vậy. Mỗi chiếc bánh của Trương đều là cả một tấm lòng. Và bí quyết quan trọng nhất của Trương chính là: “Hãy làm việc bằng cả trái tim”.

Truyện ngắn của ĐỒNG THÀNH ĐÔNG (Trung Quốc)

THANH GIANG (dịch)