Năm nay, nhà văn hóa Hữu Ngọc tuy đã 101 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, uyên thâm khi cắt nghĩa, kiến giải giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con đường để Việt Nam hòa nhập mà không hòa tan, nhờ văn hóa và sức mạnh của văn hóa Việt. 

Nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Phóng viên (PV): Văn hóa Việt là một nền văn hóa đặc sắc, có bề dày lịch sử trên thế giới phải không, thưa ông?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Trước hết, không nên đặt vấn đề văn hóa Việt Nam là văn hóa rất đặc sắc. Nền văn hóa của các dân tộc do hoàn cảnh địa lý, lịch sử, truyền thống… tạo ra cho riêng họ, không phải cho dân tộc khác. Vậy thì tất cả các dân tộc đều có văn hóa riêng của mình và văn hóa đó phụ thuộc vào đặc điểm của từng dân tộc. Mỗi một dân tộc có một nền văn hóa phục vụ mình. 

Khi xác định văn hóa Việt Nam đóng góp thế nào cho thế giới, ta không nên quá đề cao mình. Xuất phát của mỗi nền văn hóa là do một dân tộc, do cuộc sống của họ tạo ra. Chúng ta là dân tộc ăn mắm tôm, nên không thể nói những dân tộc không ăn mắm tôm là hơn các dân tộc ăn mắm tôm. Hay người Tây ăn bánh mì, người Việt Nam ăn cơm, nên cũng không thể nói cơm hơn bánh mì hay bánh mì hơn cơm.

  Múa rối Việt Nam thu hút khách quốc tế bởi những chi tiết giản dị, độc đáo. Ảnh do nghệ sĩ Hồ Thị Thủy Tiên cung cấp.

PV: Thưa ông, như vậy thì dựa vào tiêu chí nào để so sánh các nền văn hóa?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Tất cả các dân tộc thuở xa xôi đều mang tính con, nhưng qua thời gian, tính người cao dần lên khiến con người khác con vật. Các nền văn hóa có thể hơn nhau ở ảnh hưởng của nó đối với con người, có giúp cho tiến bộ của nhân loại không, nhiều hay ít? Có thể nói, ảnh hưởng của văn hóa cổ Hy Lạp hơn văn hóa châu Phi vì văn hóa cổ Hy Lạp làm cho con người tiến lên. Cho nên, nếu lấy thước đo là một nền văn hóa dân tộc có thể đóng góp cho con người tiến lên đến mức nào đó, thì văn hóa Việt Nam có đóng góp.

PV: Văn hóa dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình tiếp biến liên tục, qua mỗi thời kỳ, văn hóa của chúng ta lại phong phú thêm. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu với các nền văn hóa của thế giới, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập ngày nay, đi cùng những nét văn hóa đẹp, không tránh khỏi những mặt trái, ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa các nước với văn hóa Việt Nam. Ông nhận xét gì về điều này?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Hiện nay, với việc toàn cầu hóa, vấn đề của chúng ta lo lắng là thế hệ trẻ quên mất gốc văn hóa của mình. Nhiều người trẻ cho rằng, Hoa Kỳ là nhất mà quên mất gốc của dân tộc mình. Vấn đề mất gốc là vấn đề gay gắt.

Có vị tổng thống Hàn Quốc từng nói đại ý rằng: Hàn Quốc mở cửa đón các nền văn hóa phương Tây là tốt và cần thiết. Một nền văn hóa cứ đứng yên mà không thay đổi thì sẽ chết đi. Cho nên phải có “nhựa” mới. Nhưng nếu mở toang cửa ra, chỉ có văn hóa phương Tây thì "cái cây văn hóa" dân tộc cũng sẽ chết. Mở cửa nhưng phải giữ gốc và chỉ đón những gì thích hợp với dân tộc mình. Tôi thấy câu nói này áp dụng với Việt Nam rất tốt.

PV: Thưa ông, chủ trương là như vậy nhưng chúng ta đang thiếu những cách làm cụ thể?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Ta có quá nhiều trường dạy văn hóa. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành văn hóa ra trường không tìm được việc làm. Bởi vì trong trường học, chúng ta dạy đủ thứ về văn hóa nhưng không làm thế nào áp dụng được những kiến thức đó vào thực tiễn. Chúng ta phải xem lại vấn đề dạy văn hóa của ta thế nào.

Người quản lý văn hóa cần phải là những người giỏi về văn hóa. Hiện nay, dường như chúng ta đang rơi vào xu hướng quan tâm gửi một bộ phận sân khấu ra biểu diễn ở nước ngoài hơn là đào tạo. Tuồng, chèo hiện nay hầu như không có người xem. Hay sáo, đàn bầu của ta số phận hẩm hiu lắm. Khi tôi sang Indonesia, tôi thấy họ có cách làm khác hẳn. Khi tiếp đoàn nước ngoài, họ đưa những em bé ra đàn hát, chơi các nhạc cụ dân tộc. Họ dạy những môn văn hóa cổ truyền từ nhỏ nên ngay từ bé, người dân của họ đã biết thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Trong khi trẻ em Việt Nam ít nghe âm nhạc truyền thống của ông cha mình.

Có câu: “Có ăn mới biết ngon”. Chúng ta còn không biết thì làm sao mà thưởng thức được. Nếu từ nhỏ, trẻ được học nhạc, bài hát truyền thống Việt Nam thì lớn lên mới biết hưởng thụ. Trẻ học từ nhỏ, lớn lên sẽ thích. Chúng ta muốn nêu cao văn hóa dân tộc thì cần giữ gốc. Muốn bảo tồn dân tộc thì phải có những phương pháp cụ thể, như mở các lớp dạy tuồng, chèo… cho các em nhỏ.

PV: Ông nghĩ thế nào về việc xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chúng ta từng giới thiệu nhiều nét văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và rất được hoan nghênh. Cách đây mấy năm, tôi có dịp sang Pháp và gặp đoàn múa rối của ta sang đó biểu diễn. Tôi đứng đằng sau những người dân Pháp xem múa rối và thấy họ rất hoan nghênh chương trình. Xuất khẩu văn hóa là tốt, chúng ta nên tìm những thứ như vậy để xuất khẩu.

PV: Được coi là “cây cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và thế giới”, kinh nghiệm quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài của ông là gì?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Trong 16 năm, hằng tuần tôi đều viết cho chuyên mục về văn hóa của tờ VietnamNews. Một phần trong đó xuất bản thành cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”. Trong đó, tôi có nêu vấn đề mà bạn hỏi. Tức là mình phải phổ biến văn hóa dân tộc ra ngoài bằng mọi cách, qua báo chí, viết sách báo, đưa đoàn ra nước ngoài…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HUY AN (thực hiện)