Tháng Sáu của miền quê xứ Nghệ như đổ lửa, cái nắng nóng và hanh hao phả vàng cháy những vạt lá tre xanh, thương những đồi sim dọc triền chợ Củi núi Hồng, những cánh hoa tim tím đẹp nhường kia mà phải oằn mình ăn độc gió lào. Một thoáng yên ắng, tôi đang miên man liên tưởng lòng dâng trào nỗi nhớ quê hương, đồng đội…

Bỗng giật mình khi nghe những âm thanh chát chúa vọng về, tôi ngước mắt dõi về nơi ấy. Ôi! Những âm thanh, tiếng đục, tiếng khoan từ trên núi đá. Âm vang dội vào tôi từ bàn tay của những người khai thác đá Hồng Lĩnh. Vốn là một người lính pháo binh đa cảm, có máu văn nghệ, lúc ấy tôi thấy lòng mình dâng lên nỗi niềm đồng cảm.

Hình ảnh của những người lính với cái nắng thao trường và cái cực nhọc của những người công nhân lại hiện về sao giống nhau đến thế và bất chợt ý thơ, tứ thơ xuất hiện… “Tiếng búa đằm vọng sâu/ Dội lên từ núi đá/ Nghe như từng hơi thở/ Núi trằn trọc trở mình”… câu chữ ùa về dào dạt trong tôi, như làm dịu đi cái oi ả của trưa hè.

Tôi đang nghe, tôi đang nếm vị mồ hôi chát mặn của các chị, các anh và ước chi tôi biết làm vơi nhọc nhằn. Nhịp điệu lao động hối hả trên công trường, những tiếng búa quai vào lòng đá, âm thanh ấy cứ nấc lên như những tiếng súng mà chúng tôi diễn tập trên thao trường vào ngày hội bắn. Tôi lấy giấy kê lên ba lô viết liền một mạch bài thơ, và cái kết cũng thật thà, chân thành thay cho điều muốn nói: "Vẫn khuôn mặt tươi xinh/ Vẫn nước da rám trải/ Bàn tay em mềm mại/ Tạo âm thanh vang xa”…

Tác giả đang tác nghiệp. Ảnh: Khuê Việt Trường. 

Lọc cọc đạp xe ra Vinh dẫu cái nắng và gió Lào rát cháy nhưng lòng tôi dậy sóng, phơi phới của sức trẻ đôi mươi. Hồn và lời bài thơ cứ thổn thức lòng tôi. Bao nhiêu năm rồi mỗi khi đọc lại bài thơ ấy, hình ảnh, ngôn từ dẫu dung dị nhưng thật đáng nhớ bởi đó là những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo.

Nhớ mãi chiều hôm ấy tôi đạp xe đến tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh, thư ký tòa soạn là nhà báo, nhà thơ Phan Duy Thảo. Chú Thảo nhận bài thơ và mời tôi cốc nước, lần đầu tiên ngồi ở tòa soạn tôi cảm giác như lạc vào một không gian lạ lẫm, thỉnh thoảng lại dõi mắt về phía đôi gọng kính ấy, tâm trạng quả thực là hồi hộp và thấp thỏm.

Những khoảng khắc lặng im cứ trôi qua. Trang thơ ấy được chú ấy chăm chú đọc kỹ. Như hiểu được nỗi lòng người lính, chú Duy Thảo xích lại gần rồi cái vỗ vai trìu mến: “Khá lắm anh bộ đội ạ, bài thơ của cháu có hồn, tự nhiên và cháu đã bật lên được hơi thở, nhịp điệu lao động của những người thợ khai thác đá giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Cảm ơn và cảm ơn cháu nhiều”.

Bắt tay tôi lần nữa và chú hỏi: Thế lúc nào cháu về đơn vị? Tôi nói: "Ngày mai cháu lên biên giới". “Ngày mai, ngày mai ư? Vẫn còn kịp, sáng mai cháu về lại tòa soạn nhé? Mai là “âm thanh vang xa” của cháu sẽ đến tay những khuôn mặt tươi xinh và bàn tay mềm mại đấy Duy Hoàn nhé”.

Ôi! Hạnh phúc quá, thơ mình được đăng báo, thực mà cứ ngỡ như mơ. Ngày mai mình lên đơn vị và sẽ có quà tặng cho anh em đồng đội. Đêm tháng Sáu trên thành phố Đỏ, đêm của người lính thao thức ngắm sao trời, đêm của sự lung linh huyền diệu. Thế là ngày mai mình sẽ có tác phẩm đầu tay, lời của nhà thơ Duy Thảo cứ văng vẳng trong tôi, hạnh phúc đơn sơ đầu tiên ấy cứ lớn dậy và theo tôi đi mãi.

Từ biên giới phía Bắc tôi lại xuôi về với miền Nam Trung Bộ. Hình ảnh và cuộc sống của những người lính cứ ấp đầy trong tôi. Những trang viết, trang thơ vẫn hồn nhiên theo tôi cùng năm tháng. Trên bán đảo Cam Ranh chúng tôi được chứng kiến những giờ phút thiêng liêng khi những người lính chia tay người thân, chia tay đất liền để mai này các anh ra với đảo, với Trường Sa.

Không khí thật bâng khuâng, dặt dìu luyến lưu, bịn rịn nơi cầu tàu làm chúng tôi sao mà xao lòng đến thế. Ký ức gần 40 năm chợt hiện về đậm nét trong tôi, ở cái tuổi mười chín, đôi mươi lòng phơi phới cùng đồng đội hành quân hướng về biên giới phía Bắc nơi níu gọi của tiếng khèn, hát then và những cô gái, chàng trai Tày, Nùng…vui hát lượn giữa mùa hoa ban trắng…

Phố biển một đêm không ngủ… Cảm xúc về những người lính đóng quân nơi miền biển đảo của Tổ quốc cứ thao thức trong tôi, hình ảnh các anh và miền gió cát hiện về trở trăn đau đáu. Khi những dòng cuối của bài viết “Trường Sa hôm qua, hôm nay và ngày mai” vừa kết cũng là lúc bình minh trên biển đang ló rạng qua khung cửa sổ.

Trường Sa - mạch ngầm ấy cứ dội về, trang viết cũng bộn bề, hối hả như muốn kịp gửi gắm, sẻ chia với các anh. Trường Sa hôm qua, hôm nay và ngày mai như muốn ôm trọn tình cảm của đất mẹ thân thương. Thế đứng của Trường Sa đã tạo nên dáng vóc hiên ngang của Tổ quốc. Nơi đó có các chị, các anh - những công dân Trường Sa luôn là niềm tự hào của biết bao thế hệ trẻ hôm nay. Ở Trường Sa họ đã được sống những ngày đẹp nhất, ý nghĩa nhất của cuộc đời. Điều đó đã thôi thúc tôi cầm bút, thôi thúc tôi viết về họ…

Miền Trung tháng Sáu trời trong mây trắng bay, ngoài đó mùa này nơi các anh chắc hẳn đã có mưa…?

DUY HOÀN