Với tính chất được nấu/ủ và tính cồn, rượu thấp độ ủ từ trái cây hoặc bia là một thứ đồ uống được cho là an toàn và sạch so với chất lượng nước ở thời cổ đại, dẫn đến việc được sử dụng rộng rãi trong những nghi thức văn hóa phức tạp đến những bữa ăn thường ngày. Tuy nhiên, theo sự phổ cập của rượu cồn, nhất là những rượu nấu từ các loại lương thực giàu tinh bột, có nồng độ cồn cao hơn rượu trái cây, lạm dụng rượu cũng trở nên khó kiểm soát hơn, đặc biệt ở các nước Á Đông, nơi gần như sử dụng ngũ cốc và gạo để nấu rượu.
Lạm dụng rượu là một vấn đề nan giải cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, khi giờ đây rượu không chỉ dễ sản xuất hơn nhờ sản lượng lương thực dồi dào, mà còn giàu độ cồn hơn với các thủ thuật chưng cất tăng độ. Trong y học phục hồi, tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn được đặc biệt nêu cao. Về cơ bản, rượu trong quá trình chuyển hóa ở gan để đào thải ra ngoài cơ thể có nhiều sản phẩm phụ gây độc cho cơ thể, có thể làm tổn thương các hệ cơ quan, đặc biệt là các cơ quan liên quan đến chuyển hóa và đào thải nó. Việc ảnh hưởng chức năng của các cơ quan trọng yếu, như: Gan, thận và hệ cân bằng nội môi của cơ thể làm các tổn thương lâu lành hơn, kéo dài thời gian phục hồi, dẫn đến mất chức năng.
 |
Tranh của Quang Cường. |
Cụ thể, khi vừa vào đến cơ thể thông qua đường uống, rượu, bia sẽ làm tổn thương đường ruột, làm rối loạn chức năng ống tiêu hóa, mà trực quan nhất là tiêu diệt hệ vi sinh vật cộng sinh, làm rối loạn chức năng hấp thu và nhu động ruột, dẫn tới suy giảm chức năng tiêu hóa. Tệ hơn, đối với người sử dụng dài ngày, rượu cồn sẽ làm tổn thương hệ thống miễn dịch đường ruột, tạo điều kiện cho các vi khuẩn đường ruột xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng tiêu hóa, thậm chí nhiễm trùng huyết. Tình trạng này còn tệ hơn đối với các bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật hoặc tai nạn, bất động lâu ngày, thì bất kể nhiễm trùng hoặc dinh dưỡng đều là vấn đề nan giải đối với đội ngũ đảm nhiệm hậu phẫu và phục hồi.
Sau khi được hấp thu thông qua ruột, cồn được hấp thụ vào máu và chuyển hóa chính tại gan. Ở đây, thông qua quá trình cắt phân giải, cồn sẽ được thải loại dần ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, quá trình này nói riêng và tổng thể các sản phẩm của nó nói chung đều rất độc hại cho cơ thể. Chỉ tính riêng ở gan, thì quá trình này đã đủ để tổn thương gan và tạo các mô xơ sẹo, tiến triển dần tới các nốt xơ, thậm chí, tạo ra các dòng tế bào biến dị gây ra ung thư. Thêm vào đó, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể làm tổn thương tụy, gây ra bệnh lý viêm tụy cấp hoặc mạn tính gây nguy hiểm cho tính mạng và làm mất sức lao động rất lớn kể cả có chữa khỏi.
Ngoài ra, mặc dù nghe có vẻ không liên quan lắm, nhưng cồn trong máu cũng gây tác động rất tiêu cực lên đường thở, làm tiêu giảm hệ thống miễn dịch, giảm khả năng lọc của phổi. Mặc dù tác động của cồn lên đường thở khó gây ra một đợt bệnh cấp tính, nhưng khi nó được "hiệp đồng tác chiến" với một đợt bệnh cấp tính khác, như: Viêm phổi, lao hay bệnh nền mãn tính như hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ gây ra hậu quả khó lường, gây khó khăn rất lớn cho công tác điều trị. Đặc biệt, ở trong phục hồi chức năng, khi chức năng phổi bị giới hạn thì gần như các phương pháp phục hồi giá trị đều bị suy giảm rất lớn.
Tác hại của rượu lên cơ thể gây nhiều khó khăn ở phục hồi sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Các vết thương bỏng-chấn thương sẽ khó lành hơn, thậm chí bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng shock mất máu, đòi hỏi phải hồi sức tích cực để giữ lại mạng sống. Chấn thương sọ não hoặc các bệnh lý đột quỵ sẽ khó khăn hơn đối với các bệnh nhân sử dụng rượu; phẫu thuật hay các phương pháp điều trị nội khoa sẽ giảm tác dụng hoặc nhiều biến chứng hơn, trong khi thời gian phục hồi sẽ kéo dài đáng kể. Và điều đáng quan tâm là không chỉ bệnh nhân nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu mới chịu những tác động xấu đó. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: Chỉ cần một lần say rượu, bia trong khoảng thời gian gần với chấn thương hoặc phẫu thuật, cũng đủ để làm mọi chuyện phức tạp lên và vượt qua tầm kiểm soát.
Ngoài ra, sự tác động của rượu lên tâm thần kinh cũng hết sức nguy hại đối với con người. Thú vị là khi nói đến phục hồi ở các nước Âu Mỹ thì cái người ta nghĩ đến đầu tiên là cai nghiện rượu. Điều này không có nghĩa là nghiện rượu ở Việt Nam ít hơn, mà đơn giản vì chúng ta đang thiếu nguồn lực và thậm chí, có phần đánh giá chưa đúng mức độ nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu. Đối với điều trị một bệnh nhân có nền nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu đã khó, phục hồi trên bệnh nhân này còn vất vả hơn nhiều. Bởi lẽ việc sử dụng cồn lâu ngày không những tạo nên những rối loạn về mặt tâm thần, mà còn tạo ra những tổn thương thực chất lên hệ thần kinh, ví như thoái hóa thần kinh, giảm tín hiệu dây thần kinh. Việc giúp các bệnh nhân này trở về cuộc sống bình thường, tái hòa nhập cộng đồng khó vô cùng và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa với nhau, và giữa phục hồi tại cơ sở y tế và cộng đồng.
Rượu, bia góp phần vui vẻ, hưng phấn nhưng vui có chừng, dừng đúng lúc. Để hạn chế rượu, bia thì cần tăng cường việc tuyên truyền tác hại của rượu, bia. Nếu đã in hình ảnh độc hại của thuốc lá lên bao thuốc thì cũng có thể in hình ảnh tai nạn giao thông, biến chứng, bệnh tật... do lạm dụng rượu, bia lên các sản phẩm đồ uống có cồn. Kiêng hay hạn chế rượu, bia cũng cần phải giáo dục hạn chế các thú vui hưởng thụ khác, nhằm giảm đi phần "con" trong mỗi chúng ta.
Thạc sĩ LÊ ĐỨC THỊNH, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 175