Hôm nay là ngày thật đặc biệt, thật vui mừng đối với mình cũng như bao đồng nghiệp ở Bệnh viện K cở sở Tân Triều khi Bộ Y tế quyết định bệnh viện hết thời gian cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19. 38 ngày cách ly dài đằng đẵng với những lo âu đã chấm dứt. Bệnh viện chuyển sang trạng thái mới, hoạt động trở lại với mục tiêu kép “vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, vừa nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung bướu”.
Mình không thể quên thời khắc ấy - 5 giờ 30 phút ngày 7-5, quyết định phong tỏa của Bộ Y tế có hiệu lực đối với Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, sau khi phát hiện 11 ca nhiễm Covid-19 tại Khoa Gan-Mật-Tụy. Cũng trong thời gian này, Giám đốc Bệnh viện K đã có quyết định phong tỏa cả 3 cơ sở, không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị, trừ trường hợp cấp cứu. Ngay sau đó, Bệnh viện K đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng, chống dịch ở mức cao nhất, theo đúng nguyên tắc "người giãn cách người, phòng cách ly phòng, khoa cách ly khoa, tầng cách ly tầng, tòa nhà cách ly tòa nhà". Bởi điều trị tại Bệnh viện K là các bệnh nhân ung thư, nếu để dịch Covid-19 lan rộng thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng các bệnh nhân.
Tình huống dù rất ngặt nghèo, cấp bách nhưng mình và đồng nghiệp đều bình tĩnh xử lý công việc. Hằng ngày, cán bộ, y, bác sĩ ngoài điều trị cho bệnh nhân, rà soát các bệnh nhân nội trú còn phải quan tâm tới bệnh nhân ngoại trú đang còn ở địa phương cũng như bệnh nhân đang mắc kẹt ở ngoài. Chúng mình luôn nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm công tác điều trị, chăm lo đời sống cho hơn 3.600 người cách ly tại bệnh viện, nhất là người bệnh, người nhà người bệnh với hơn 10.000 suất cơm mỗi ngày, nước uống, nhu yếu phẩm, khẩu trang, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, quạt thông gió... Thậm chí còn hỗ trợ cho các bệnh nhân đang ở các xóm trọ trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và cơ sở Tam Hiệp, đồng thời, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu. Bệnh viện đã mổ cấp cứu cho 2 trường hợp, cấp cứu cho 2 trường hợp là bệnh nhân đang ở trong các xóm trọ trước cổng bệnh viện, đến nay, các bệnh nhân đều ổn định. Rồi gần 1.000 chuyến xe đã được bệnh viện bố trí, sắp xếp di chuyển người bệnh và người nhà hoàn tất cách ly y tế và xét nghiệm âm tính theo quy định bàn giao về các địa phương.
Trong thời gian qua, có những kỷ niệm mà chúng mình không bao giờ quên. Đó là món quà đáng yêu, ý nghĩa của các cháu học sinh Trường Tiểu học Khải Minh (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) gửi đến Bệnh viện K. Bao nhiêu yêu thương, tình cảm và sự tự hào của các con về những “chiến sĩ” giữa tâm dịch đã được gửi gắm vào từng trang thư, bức vẽ. Đó là những giọt mồ hôi của một anh shipper không chút ngần ngại ưu tiên chuyển hàng khi biết đó là món quà được gửi tới các y, bác sĩ ở Bệnh viện K. Đó là những phút giây chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhớ con của các đồng nghiệp, nhưng ai cũng luôn nghĩ đến người bệnh đang nằm điều trị. Nếu hỏi chúng mình có mệt mỏi không, câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng sau lưng chúng mình là gia đình, phía trước là bệnh nhân. Chúng mình không thể yếu mềm. Chúng mình phải là điểm tựa cho họ!
Một trong những công việc thường ngày của mình trong 38 ngày qua là tự lên kịch bản và trực tiếp đọc, phát các bản tin trên "Đài phát thanh" Bệnh viện K. Loa được phát đến từng buồng bệnh, các ngõ ngách của từng khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện. "Bệnh viện K xin thông báo, Bệnh viện K xin thông báo! Hôm nay là ngày thứ... Bệnh viện K tổ chức phong tỏa để thực hiện công tác phòng, chống dịch...". Hôm qua là ngày cuối cùng mình làm việc này! Bệnh viện K đã chính thức được dỡ bỏ phong tỏa. Và chúng mình được về nhà!
Đêm nay mình rất khó ngủ, vì xốn xang hạnh phúc. Cảm giác như đã lâu lắm rồi mới được về nhà.
Bác sĩ NGUYỄN BÁ TĨNH (Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K)