Ngày 15-8-1945, Thường vụ Xứ ủy Tiền phong chỉ định Ủy ban khởi nghĩa và tổ chức họp tại chợ Đệm (Bình Chánh), quyết định: Khi có tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn lập tức phải khởi nghĩa.

Sáng 18-8-1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Tổng thư ký Thanh niên Tiền phong tự treo cờ Đảng búa liềm trước nhà mình. Thành ủy Sài Gòn chủ trương treo cờ đỏ trước nhà hàng Anh Long, cơ quan liên lạc của Thành ủy. Chiều cùng ngày, tại sân bóng Vườn Ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn), trong lễ tuyên thệ lần thứ hai của Thanh niên Tiền phong, đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, cổ vũ quần chúng đứng lên làm cách mạng, giành độc lập dân chủ.

Đêm 20-8-1945, tại rạp Nguyễn Văn Hảo ở trung tâm thành phố đã diễn ra lễ truy điệu chí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh. Tại cuộc mít tinh, Thành ủy Sài Gòn chỉ đạo tổ chức giới thiệu chương trình hành động của Việt Minh.

Sáng 21-8-1945, cờ đỏ sao vàng của Việt Minh cắm trên 10 xe ô tô chạy khắp các phố của Sài Gòn để cổ vũ phong trào nổi dậy của quần chúng. Cũng trong ngày, Xứ ủy Tiền phong tổ chức hội nghị mở rộng, quyết định cho Tỉnh ủy Tân An khởi nghĩa thí điểm vào đêm 22 rạng ngày 23-8.

Sáng sớm ngày 23-8, được tin Tân An khởi nghĩa thắng lợi, Xứ ủy Tiền phong lại họp và quyết định đêm 24-8 Sài Gòn khởi nghĩa. Sáng 25-8 sẽ tổ chức biểu tình vũ trang để ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.

19 giờ ngày 24-8-1945, đồng bào khởi nghĩa tiến về chiếm các sở: Công an, Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện… của địch. 22 giờ, Tráng đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm dinh Khâm sai, cắm cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh.

Sáng sớm ngày 25-8, cả triệu quần chúng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng, ào ạt kéo vào thành phố giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi.

Ngay sau đó, Thành ủy Sài Gòn bắt tay xây dựng chính quyền, củng cố, phát triển LLVT, tổ chức lại lực lượng quần chúng, bảo đảm hoạt động bình thường cho nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại Sài Gòn, Lâm ủy Hành chính Nam Bộ tổ chức mít tinh chào mừng ngày độc lập với hơn 1 triệu người tham gia, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngộc Độc lập trong niềm vui khôn tả.

HÀ BÌNH AN (Theo Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh)