Đến thăm lò nem của gia đình bà Chín, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp, tất bật làm việc để kịp giao hàng cho khách. Anh Lê Nguyên Hùng, con trai bà Chín, người nối nghiệp giữ nghề, cho biết: “Để làm ra từng chiếc nem nhỏ nhắn, người thợ phải tỉ mỉ và tốn nhiều công sức, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu tẩm ướp gia vị rồi gói buộc đều phải thành thạo và chuyên nghiệp. Trong đó, khâu chọn nguyên liệu thịt heo tươi là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm”. "Nem bà Chín" được làm kỹ ở khâu quết thịt mềm nhuyễn, trộn đều các gia vị muối, tiêu, đường, mật ong, tỏi và chút rượu nên có đủ hương vị chua, cay, ngon, dai. Chính đặc trưng này đã làm nên thương hiệu nem Thủ Đức nức tiếng một thời. Hiện nay, “nem bà Chín” đã được đăng ký nhãn hiệu, được đặt hàng và có mặt tại khắp thành phố và các tỉnh lân cận.
Một công đoạn trong quy trình làm nem Thủ Đức.
Chị Trần Thị Lan, ngụ tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), khách hàng quen thuộc của lò nem bà Chín, chia sẻ: “Nem ở đây có vị ngọt vừa, chua không quá gắt, dai ngon và có màu hồng đẹp mắt. Bởi vậy, gia đình tôi luôn chọn đặt hàng để sử dụng thường xuyên và làm quà tặng bạn bè, người thân”.
Lò nem bà Chín trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 2.000 chiếc. Vào dịp lễ, tết, mùa cưới có thể sản xuất đến 10.000 chiếc mỗi ngày. Để tạo dựng và giữ vững thương hiệu, gia đình bà Chín luôn tâm niệm phải làm ra những chiếc nem ngon nhất phục vụ khách hàng. Thế nhưng điều trăn trở của mẹ con bà hiện nay là mức độ an toàn thực phẩm. Anh Hùng bộc bạch: “Nguyên liệu làm nem chủ yếu từ thịt heo, mà tình trạng sử dụng chất cấm, chất tạo nạc và heo bị bơm nước khiến thịt không đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy, gia đình tôi lựa thịt heo rất kỹ. Chỉ những cơ sở uy tín, có kiểm dịch, thịt sạch, an toàn, đạt chất lượng mới được chọn để sản xuất nem”.
Trước nhu cầu của thị trường, những năm gần đây gia đình bà Chín đã cải tiến một số công đoạn làm nem bằng máy như: Xay thịt, quết nhuyễn, cắt bì, phối trộn… Nhờ đó, nhân lực giảm mà sản phẩm làm ra lại nhanh hơn, chất lượng hơn và vẫn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Phan Song Trí, một người làm công đang có nguyện vọng học nghề, tâm sự: “Ba tháng trước tôi được nhận vào đây học việc. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của anh Hùng nên giờ tôi đã làm quen được một số công đoạn. Tôi sẽ cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để trở thành thợ chính, sau này có thể tự mở được lò nem, ổn định cuộc sống”.
Được biết, mỗi năm lò nem bà Chín còn nhận hàng trăm sinh viên từ các Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh… đến thực tập trước khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên đã chọn “nem bà Chín” làm đề tài thực tập và đạt kết quả cao. “Gia đình tôi nối nghiệp giữ nghề và sẽ truyền nghề cho những ai thực sự tâm huyết để thương hiệu nem Thủ Đức không bị lãng quên” - anh Hùng quả quyết.
Bài và ảnh: TÚ TRINH