QĐND - Một trong những dấu ấn quan trọng, tạo lợi thế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của TP Hồ Chí Minh theo tiêu chí “Văn minh-Hiện đại-Nghĩa tình” trong 4 thập kỷ qua chính là hiệu quả của quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông mà giai đoạn đột phá là từ năm 1990 đến nay. Những con đường, hệ thống cầu vượt ở nội đô và những đại lộ, cao tốc thênh thang nối TP Hồ Chí Minh với các vùng lân cận đã tạo nên diện mạo mới, khang trang và hiện đại của đô thị đầu tàu cả nước.
Những con đường kết nối…
Dĩ nhiên, ai cũng biết, trước yêu cầu phát triển của đô thị hiện đại, mạng lưới giao thông là sự kết nối giữa các khu vực, vùng, miền… với nhau, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Dưới góc nhìn của lịch sử-văn hóa, những con đường ấy còn là “sứ giả” kết nối quá khứ với hiện tại, hướng tới tương lai, đẩy mạnh giao lưu, bảo tồn văn hóa dân tộc. Những con đường đưa các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất giang sơn từ bốn thập kỷ trước, giờ đây đã được phát triển thành các trục giao thông trọng điểm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giao thương, hội nhập…
Trung tướng Lê Nam Phong trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là Tư lệnh Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), chỉ huy đơn vị ở mũi tiến công trên hướng chủ yếu xuyên thủng tuyến phòng thủ “thép” Xuân Lộc, tiến về Sài Gòn. Vị tướng già gần 90 tuổi hồi tưởng: “Xa lộ Hà Nội hôm nay, ngày ấy có tên là xa lộ Biên Hòa. Sau khi đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc, chúng tôi tiến vào Sài Gòn. Đến khu vực cầu Đồng Nai hiện nay thì đường kẹt cứng, tôi sốt ruột bảo một chiến sĩ sử dụng xe hon-đa chạy vào nội đô. Lúc này các đơn vị của Quân đoàn 2 đã có mặt ở dinh Độc Lập. Chúng tôi không thực hiện được ý định sẽ là đơn vị đầu tiên cắm cờ Giải phóng lên dinh Độc Lập. Trong niềm vui chiến thắng, tôi nói với các đồng chí chỉ huy ở Quân đoàn 2: “Các ông cắm được cờ trên nóc dinh rồi thì chúng tôi sẽ tiếp tục cắm cờ ở phía dưới. Chúng ta sẽ cùng làm cho màu cờ Giải phóng rực lên!”. Mọi người cùng ôm nhau cười trong dòng nước mắt hạnh phúc tuôn trào!”.
Con đường 40 năm trước đưa đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, nay vẫn giữ vai trò huyết mạch nối thành phố mang tên Bác với các tỉnh lân cận, dẫn ra Quốc lộ 1A về thủ đô Hà Nội. Tên gọi của con đường mang ý nghĩa như một sự kết nối Nam Bắc sum họp một nhà. Xa lộ Hà Nội hôm nay là con đường hiện đại, không chỉ vì đã được nâng cấp, mở rộng lên đến 8-10 làn xe, mà còn bởi nó mang bên mình trọng trách kết nối 10 khu chức năng, từ cầu Sài Gòn đến Công viên lịch sử-văn hóa quận 9. Đây là những công trình tổ hợp đa chức năng, tạo nên các trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội hiện đại theo chuẩn khu vực, tiếp cận chuẩn quốc tế. Cùng với đường bộ, xa lộ Hà Nội đang hình thành tuyến metro hiện đại theo chuẩn quốc tế đầu tiên của cả nước. “Sau ngày đất nước thống nhất, tôi chuyển về sinh sống tại quận Thủ Đức, cạnh xa lộ Hà Nội. Những bước chuyển mình vươn lên của thành phố đều gắn với những dấu ấn đổi thay quan trọng dọc tuyến đường này. Ngày chúng tôi vào giải phóng Sài Gòn, hai bên xa lộ còn hoang vu. Người dân làm nhà sàn bên các tuyến kênh rạch, cuộc sống mang đậm tập quán khẩn hoang. 40 năm, ký ức chiến tranh đối với chúng tôi vẫn tươi rói như mới hôm qua, nhưng sự vươn lên mạnh mẽ của thành phố thì giống như một giấc mơ…”, Trung tướng Lê Nam Phong cảm nhận.
 |
Đại lộ Phạm Văn Đồng, một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: NGUYỄN XUÂN.
|
Ký ức của Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác cũng gắn với những con đường. Ngày ấy, bên kia sông Sài Gòn là địa bàn hoạt động bí mật của Đặc công Rừng Sác. “Những đêm vùi mình như con rái cá trong lớp bùn non dưới rặng dừa nước và các đám lục bình chờ thời cơ đánh úp địch nơi Sài Gòn hoa lệ, các chiến sĩ đặc công thường nghĩ về ngày chiến thắng, sẽ có những con đường, những cây cầu nối liền nội đô với vùng ven để xóa đi khoảng cách giữa hai bờ sông” - Thiếu tướng Trần Thành Lập tâm sự. Giấc mơ đó giờ đây đã thành sự thật. Không chỉ một mà rất nhiều con đường khang trang, hiện đại: Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Nguyễn Văn Linh, hầm vượt Thủ Thiêm, đại lộ Phạm Văn Đồng… cùng hàng trăm tuyến đường, cây cầu khang trang khác. Nơi các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác ém quân đánh giặc năm xưa, giờ đây là những khu đô thị hiện đại, tiêu biểu như: Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Nhà Bè…
Sự phát triển nhanh chóng, đồng bộ của các dự án hạ tầng giao thông trong những năm qua đã giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở hàng chục điểm “nóng”, là điểm nhấn làm cho bộ mặt đô thị trở nên khang trang, hiện đại.
Thông điệp đến muôn sau…
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết, thời kháng chiến chống Mỹ là Biệt động Sài Gòn. Bà đã cùng đồng đội mưu trí tổ chức rất nhiều trận đánh kinh thiên động địa ở nội đô, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng. 40 năm nhìn lại, cựu nữ Biệt động Sài Gòn nổi tiếng chiêm nghiệm rằng, hoạt động trong lòng địch, con đường giúp ta chiến đấu và chiến thắng là con đường giữa lòng dân. Đức hy sinh và lòng quả cảm tuyệt vời của nhân dân Sài Gòn đã trở thành bức tường thành che mắt địch, mở đường cho chúng ta xây dựng căn cứ cách mạng ngay trong lòng địch, giữa muôn vàn đồn, bốt, xe tăng, súng đạn…
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự đùm bọc, chở che của nhân dân, chúng tôi đã tìm ra những con đường đánh giặc, giành thắng lợi. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc 40 năm trước đã khẳng định sự sáng suốt, đúng đắn trong con đường kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta”, nhiều tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử có chung cảm nhận.
Đi trên những con đường thênh thang về thành phố hôm nay, chúng ta ai cũng lâng lâng hạnh phúc, tự hào. Những con đường, dù hiện hữu trên mặt đất hay trong tư tưởng, tình cảm của con người, đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu xương của cha ông. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xây dựng thành phố phát triển theo tiêu chí “Văn minh-Hiện đại-Nghĩa tình” là để phục vụ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân và để có điều kiện chăm lo tốt nhất cho nhân dân. Tri ân công lao đóng góp to lớn và sự hy sinh cao cả của nhân dân là đạo lý của những người cộng sản. Chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng nguồn lực của nhân dân, từ thế trận lòng dân và khối đại đoàn kết toàn dân. Đó cũng là con đường truyền thông điệp đến muôn sau…
Ghi chép của PHAN TÙNG SƠN