Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã dày công tổ chức, đào tạo, xây dựng; thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định… đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tháng 5-2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Tiếp sau đó, ngày 25-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương” (UVBCT, UVBBT, UVBCHTƯ).

Chỉ trong hơn 5 tháng, Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quy định số 08-QĐi/TW được ban hành, thể hiện tính logic, gắn kết chặt chẽ lý luận với thực tiễn và quan điểm nhất quán của Đảng ta: CTCB là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng ĐNCB, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng. 

Với hai văn kiện trên, lần đầu tiên Đảng ta đề cập rất cụ thể, thấu đáo nhiều nội dung mới, rất quan trọng đối với việc xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của ĐNCB, đảng viên, trước hết là các đồng chí UVBCT, UVBBT, UVBCHTƯ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; CTCB là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng ĐNCB, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ và đánh giá đúng sự thật, nghị quyết chỉ rõ: “ĐNCB 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong CTCB cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ: Nhìn tổng thể, ĐNCB đông nhưng chưa mạnh, vừa thừa, vừa thiếu ở nhiều nơi. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng được thể hiện rất cụ thể, nghiêm minh trong Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là ĐNCB cấp chiến lược, các đồng chí UVBCT, UVBBT, UVBCHTƯ. Đây là những cán bộ được Đảng, Nhà nước tin cậy giao quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng, liên quan trực tiếp đến quốc kế, dân sinh, đến uy tín của Đảng và Nhà nước; là những người chỉ huy cao nhất, "tư lệnh” ngành, địa phương. Do vậy, yêu cầu trước tiên đối với ĐNCB cấp chiến lược là không được phép “đổi màu, phai sắc”, mơ hồ, mà nhất thiết phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, với cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đã là cán bộ cấp chiến lược thì nhất thiết không được cơ hội chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" làm chệch hướng con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đã là cán bộ cấp chiến lược thì phải có quan điểm, lập trường chính trị kiên định, vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của thời cuộc.

Là thủ trưởng, “tư lệnh” ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ cấp chiến lược phải đi đầu nêu gương, giữ nghiêm kỷ luật đối với bản thân và trong tập thể, làm hạt nhân trung tâm đoàn kết, làm “đầu tàu” đưa cả đoàn tàu tiến lên phía trước; dứt khoát không được tự ý ban hành những cơ chế, chính sách vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, trái với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cán bộ cấp chiến lược phải nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng lên trên hết.

Quan điểm phục vụ, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc… theo tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW của Trung ương đòi hỏi cán bộ cấp chiến lược phải nêu gương, thực sự là công bộc của dân chứ không phải là những ông "quan cách mạng" tham nhũng, nhận hối lộ, lãng phí, xa hoa… làm mất uy tín của chính mình đối với nhân dân và gây thiệt hại, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước và bộ máy công quyền. 

Cán bộ cấp chiến lược, với vai trò là các “tư lệnh”, chuyên gia đầu ngành, thì đức và tài phải ngang tầm nhiệm vụ, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học-công nghệ tiến nhanh như vũ bão, thì ĐNCB cấp chiến lược trong giai đoạn mới, ngoài yếu tố đạo đức làm gốc, phải có kiến thức toàn diện, sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhất quyết không lấy thâm niên kinh nghiệm, người thân quen trong gia đình, địa phương, phe nhóm… làm chuẩn mực của giá trị.

 Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quy định số 08-QĐi/TW của Trung ương Đảng khóa XII cũng định hướng, chỉ đạo việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 phải hết sức thận trọng, chuẩn xác, chắc chắn. Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra lộ trình cụ thể, toàn diện, từng bước vững chắc xây dựng ĐNCB, nhất là cán bộ cấp chiến lược đến năm 2020, 2025, 2030, bảo đảm đủ phẩm chất đạo đức, tài năng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Quy định số 08-QĐi/TW cũng chỉ rõ, cán bộ cấp chiến lược, các đồng chí UVBCT, UVBBT, UVBCHTƯ không được tham vọng quyền lực, không "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; không được tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; không "chạy" hoặc tiếp tay cho "chạy" chức, "chạy" quyền, "chạy" phiếu bầu, "chạy" phiếu tín nhiệm. Không được lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Không được sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa. Không được để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Không để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Điều này thêm một lần nữa được khẳng định dứt khoát, khi ngày 4-11-2018, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, đã nhấn mạnh: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng, tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.

Cách đây tròn 60 năm, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Người thường xuyên yêu cầu CB, ĐV phải nêu gương, làm gương để quần chúng noi theo: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Phẩm chất, nhân cách của người CB, ĐV được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong hai chữ “đức” và “tài”. Đó cũng là chuẩn mực để mỗi CB, ĐV tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu; là cơ sở để thực hiện trách nhiệm nêu gương.

NGỌC SƠN và ANH QUÂN