Nghị quyết xác định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Từ việc xác định vị trí nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng cho thấy, vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam là cần phải xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhìn lại lịch sử của Đảng, nhất là những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, của thời đại, nghị quyết của Đảng đều có sự điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính phù hợp, sát thực tiễn, nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tuy cách thức, phương pháp tiến hành khác nhau, nhưng mục tiêu cao nhất và duy nhất là: Xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để công tác xây dựng Đảng đạt hiệu quả thiết thực, đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ Ban Chấp hành Trung ương đến các tổ chức đảng ở cơ sở. Đặc biệt, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ là chuyện riêng, việc riêng của Đảng, của các tổ chức đảng; mà trong điều kiện duy nhất một đảng cầm quyền như ở nước ta thì đó còn được xác định là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân. Bởi việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với đất nước, xã hội chính là sự lựa chọn tự nguyện của dân tộc ta, nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trường kỳ kháng chiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ kiếp nô lệ, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ đất nước. Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ trở thành một nước đang phát triển, hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ, mà còn là điểm đến hấp dẫn, an toàn của bạn bè trên khắp thế giới.

Nói vậy không có nghĩa là công tác xây dựng Đảng không còn những khuyết điểm, yếu kém. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phần về công tác xây dựng Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ 10 hạn chế, khuyết điểm. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó đáng quan tâm hơn là phần lớn nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng đều bắt nguồn từ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, của từng cán bộ, đảng viên.

Nhìn vào thực tiễn sẽ thấy rất rõ những vấn đề nêu trên. Việc duy trì sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng không những không bảo đảm, mà quan trọng hơn là chất lượng sinh hoạt, nội dung sinh hoạt nặng về hình thức, kém hiệu quả. Chủ trương, giải pháp được xác định trong nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng thiếu tính khả thi. Đặc biệt nguy hại là một số tổ chức đảng buôn lỏng nguyên tắc, “hợp thức” ý chí chủ quan của người đứng đầu, hoặc một nhóm người vì mục đích, động cơ cá nhân, mà không vì cái lớn, cái chung của đoàn thể, của nhân dân thông qua sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng. Do đó, hằng năm, tỷ lệ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng được đánh giá, nhận xét, đạt tiêu chuẩn đảng viên, tổ chức đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khá cao, nhưng khi cơ quan, đơn vị xảy ra vụ việc, nhất là các vụ việc tiêu cực mới bộc lộ hết chất lượng công tác sinh hoạt của tổ chức đảng, sức chiến đấu của từng đảng viên.

Vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ không cần phải đề cập nhiều, bởi chắc hẳn không ai không thấy rõ. Vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa và tầm quan trọng tới mức nào đối với đất nước, với dân tộc đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng, được nhân dân đánh giá, ghi nhận, được bạn bè quốc tế nể phục. Bởi thế, không phải lẽ tự nhiên, nhiều tổ chức đảng, nhiều quốc gia trên thế giới đều bày tỏ mong muốn được học tập kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu để học tập, noi theo không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà ngay trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Để công tác xây dựng Đảng đạt hiệu quả thiết thực, vấn đề quan trọng đặt ra đối với toàn Đảng và từng cấp ủy, tổ chức đảng là cần phải có những giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa; trong đó trọng tâm cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nói như vậy không có nghĩa là các tổ chức đảng cứ kỷ luật được nhiều cán bộ, đảng viên là thành công trong công tác xây dựng Đảng, mà quan trọng hơn là cần có cơ chế giám sát trong công tác quản lý, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay, cần sớm loại bỏ trong tư duy của một bộ phận cán bộ về những biểu hiện của sự chuyên quyền, độc đoán, làm việc tùy tiện. Tư tưởng này vẫn còn khá nặng nề trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp cơ sở. Đây là rào cản lớn hạn chế sự phát triển của xã hội, của từng địa phương, đơn vị; làm cho nghị quyết của Đảng dù rất đúng, rất trúng, rất phù hợp nhưng chậm đi vào cuộc sống; làm cho người dân không được thừa hưởng những thành quả và trí tuệ của Đảng. Đó là khuyết điểm lớn cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Đảng ta lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội bằng chủ trương, đường lối. Nhà nước ta cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng bằng hệ thống văn bản pháp luật. Tuy nhiên, để các chủ trương, đường lối của Đảng, các chế độ, chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân thì đều phải đi qua chiếc “cầu nối” chính là đội ngũ cán bộ các cấp. Bởi vậy, vấn đề có ý nghĩa quyết định để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng và hiệu quả từng phần việc, lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào tình cảm, ý chí, tri thức và danh dự của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu. Dân tin tưởng vào Đảng bởi những thành quả mà Đảng đã mang lại cho nhân dân. Đảng dựa chắc vào dân để phát huy sức mạnh tổng hợp lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là chân lý và là những vấn đề đã được thực tiễn minh chứng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, sức mạnh của Đảng, hiệu quả của nghị quyết, tạo dựng niềm tin với nhân dân phải được bắt đầu từ suy nghĩ và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp.

LÊ LONG KHÁNH