Phát triển kinh tế gắn với BVMT đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X và cụ thể hóa bằng các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động ở các cấp để nghị quyết đi vào thực tiễn. Minh chứng cho việc hiện thực hóa nghị quyết, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đưa chúng tôi tới thăm một số khu quy hoạch trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn huyện Xuân Lộc và huyện Trảng Bom. Tại đây, những vườn cây xoài, ổi, bưởi, sầu riêng, chôm chôm… được các hợp tác xã canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao, ứng dụng KHKT trong chăm sóc, bảo quản, mang lại nguồn lợi lớn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Ông Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Trước đây, bà con canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng KHKT để sản xuất, gieo trồng. Năng suất thấp nên vấn đề tăng trưởng xanh ít được quan tâm. Từ khi quy hoạch cánh đồng lớn và triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh ứng dụng KHKT trên diện rộng, mang lại lợi nhuận cao thì mục tiêu BVMT cũng được coi trọng ngay trong từng khâu, từng bước của quy trình sản xuất”.
Kết quả thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa giúp Đồng Nai tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Điều này khẳng định sự đúng đắn từ chủ trương nghị quyết đến thực tiễn sản xuất ở cơ sở. Thành công đó góp phần quan trọng giúp Đồng Nai hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Đồng Nai đang được Trung ương xét công nhận là tỉnh nông thôn mới đầu tiên trong cả nước. Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Điểm sáng ở Đồng Nai là phát triển nông nghiệp công nghệ cao luôn gắn với đầu tư phương tiện, kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải tập trung, cải thiện và BVMT. Nếu không sẽ khó lòng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh cho dù kinh tế nông nghiệp có tiến bộ mạnh mẽ.
Không chỉ đầu tư KHKT trong nông nghiệp, các lĩnh vực khác cũng được tỉnh quan tâm đồng bộ, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển dự án. Nếu như trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đồng Nai còn hạn chế về hạ tầng, môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, thì từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 7/11 công trình trọng điểm được đầu tư từ ngân sách; quy hoạch 35 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp, trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.200 dự án đầu tư nước ngoài và gần 500 dự án đầu tư trong nước. Đồng Nai có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư, nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Công nghiệp phát triển giúp Đồng Nai trở thành một trong 4 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu nộp ngân sách. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, những năm gần đây, sở tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài những yêu cầu chung, việc lựa chọn nhà thầu và đơn vị thi công phải đáp ứng tiêu chí BVMT mới được xem xét tham gia các gói thầu và các dự án tại địa phương”. Theo lý giải của ông Nguyên, tăng trưởng xanh chính là chú trọng công tác BVMT và thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội. Cho nên, bám sát nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, sở đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào 3 lĩnh vực chính, gồm: Công nghiệp (ưu tiên mời gọi doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao); nông nghiệp (chú trọng dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học); dịch vụ, hạ tầng (phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân). Vì mục tiêu tăng trưởng xanh, tỉnh đã từ chối không ít dự án có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; không phê duyệt cho một số doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu mở rộng sản xuất, nhưng không bảo đảm các tiêu chí chất lượng, môi trường. Các ngành nghề sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, thuộc da… đều hạn chế đầu tư; đóng cửa các lò gạch sử dụng công nghệ cũ, di dời ra khỏi khu dân cư để làm trong sạch môi trường sống…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: Dù tập trung phát triển công nghiệp hay nông nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn luôn đặt nhiệm vụ BVMT lên hàng đầu, kiên quyết nói không với các ngành kinh tế tác động xấu tới môi trường và các dự án không đạt tiêu chí xanh. Những năm tới, tỉnh vẫn tiếp tục ưu tiên ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm…; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng hiệu quả thành tựu KHKT hiện đại vào sản xuất, vận hành, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế gắn với BVMT, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
HÀ BÌNH AN