Phẩm chất “mộc mạc” sẵn có của người cán bộ hằng ngày gần gũi với lao động nông nghiệp, với ruộng đồng, vật nuôi… đã góp phần tạo nên chất mộc mạc, giản dị trong hầu hết cán bộ, đảng viên ngành nông nghiệp. Không mỹ từ, hào nhoáng mà là người thật, việc thật, miệng nói tay làm; cầm tay chỉ việc, buồn-vui cùng với người nông dân đã tạo nên phong cách gần dân, sát dân, hiểu dân, biết dân muốn gì, nghe được “hơi thở” của đất với mùa màng và tâm tư của những người “chân lấm tay bùn” đang hằng ngày làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.

Trên nền tảng phẩm chất ấy, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ủy Bộ NN&PTNT cụ thể hóa thành những tiêu chí, trong đó lấy phong cách nêu gương “nói đi đôi với làm” làm phương châm để thực hiện tốt công tác tham mưu chính sách và quản lý Nhà nước, đồng thời lấy hiệu quả công tác, rèn luyện làm mục tiêu để xây dựng đạo đức người đảng viên theo ba “thực chất”, là: Nói thực chất, làm thực chất và nêu gương thực chất. Nhờ vậy mà nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta những năm gần đây đã có những đổi thay vượt bậc, nông nghiệp Việt Nam thêm vươn xa, hội nhập với khu vực và quốc tế; từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, nông dân có trình độ cao, có bản lĩnh làm chủ nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới văn hóa, văn minh.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: TTXVN.

Là Đảng bộ cấp trên cơ sở, với hơn 4.000 đảng viên, nhiều người là những nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp nhiều năm gắn bó, lăn lộn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, do vậy, vốn kinh nghiệm, sự trải nghiệm đã tạo nên phong cách miệng nói tay làm, không ngại khó khăn gian khổ, hiểu rõ và luôn trăn trở cùng người làm nông nghiệp từ suy nghĩ, hành động để không chỉ tạo ra mùa màng bội thu, chăn nuôi thắng lợi, mà còn đưa nông nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế, làm cho nông thôn đẹp hơn. Dấu ấn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng chính là nền nông nghiệp được tái cơ cấu toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm chung cho cả nền kinh tế quốc dân, vượt qua những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Lĩnh vực trồng trọt những năm qua phát triển mạnh, đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9%/năm; lĩnh vực chăn nuôi tăng trưởng bình quân 5,2%/năm, phát triển chăn nuôi tập trung trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến; lĩnh vực lâm nghiệp tăng bình quân 6%/năm, độ che phủ rừng đạt 41,65% năm 2018. Ngành xuất khẩu gỗ tính riêng năm 2018 đạt 9,3 tỷ USD, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Lĩnh vực thủy sản phát triển toàn diện, đạt tăng trưởng bình quân 5,4%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 9,02 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,02 tỷ USD; nông sản Việt Nam có mặt ở 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả toàn diện, bền vững, tính đến hết năm 2018, cả nước có 3.787 xã (đạt 42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình giảm nghèo đạt được kết quả bền vững, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu-nghèo, nông thôn với thành thị, miền núi với miền xuôi, từ đó góp phần ổn định đời sống nông dân, nông thôn.

Có được những thành tựu nêu trên chính là sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của cả ngành nông nghiệp, của hàng triệu lao động nông nghiệp, trong đó phải kể đến đóng góp tích cực của cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Bộ NN&PTNT; từ việc tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến tổ chức điều hành, quản lý, nghiên cứu khoa học…; xây dựng nền nông nghiệp gắn với nông thôn toàn diện, hiện đại.

Cùng với những dấu ấn tích cực của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hình ảnh về những cán bộ, đảng viên luôn gìn giữ và phát huy bản chất tốt đẹp của người đảng viên. Đó là sự nêu gương gắn với phong cách “nói đi đôi với làm”, là nói được làm được; làm trước nói sau; làm nhiều nói ít của người đứng đầu ngành nông nghiệp và của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, tạo sự lan tỏa đến từng cán bộ, công chức, người lao động trong ngành và trong xã hội. Đó còn là sự giản dị trong tác phong; sự xông pha trên tất cả các lĩnh vực, trong bất kỳ hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, nguy hiểm, sát cánh cùng người dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; trăn trở, đôn đáo cùng nông dân mang nông sản ra thị trường quốc tế...

Nêu gương “nói đi đôi với làm” ở Đảng bộ Bộ NN&PTNT phản ánh văn hóa, đạo đức nêu gương trong ý thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hành động nêu gương trở thành hành động tự nguyện, tự nhiên, trở thành tính cách, nếp sống và làm việc không chỉ theo kế hoạch. Nêu gương gắn quyện vào chất sống, thái độ, trách nhiệm, được thể hiện trong sinh hoạt và công tác của cán bộ, đảng viên với đồng chí, đồng nghiệp và hàng triệu lao động nông nghiệp. Vì vậy, những việc làm nêu gương trên các bản đăng ký nêu gương hằng năm của cán bộ, đảng viên sẽ không đánh giá hết được, mà chỉ khi nhìn vào tác phong, thái độ, trách nhiệm, hiệu quả công việc được giao mới thấy rõ nét. Sự nêu gương ở Đảng bộ Bộ NN&PTNT là nói nêu gương đi đôi với làm gương, lấy hành động nêu gương thay cho việc nói nêu gương, dần trở thành phẩm chất truyền thống của người cán bộ, đảng viên-người bạn của nông dân.

Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Theo Người, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng. Muốn nêu gương thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm”. Ðây là nguyên tắc trước hết, quan trọng của việc nêu gương. Chỉ khi nhất quán giữa lời nói với việc làm thì người cán bộ, đảng viên mới có được sự tin yêu của nhân dân. Thực tế, cuộc đời và sự nghiệp của Người chính là sự thống nhất trọn vẹn giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm.

Bài học về nêu gương “nói đi đôi với làm” đang tiếp tục được lan tỏa ở Đảng bộ Bộ NN&PTNT, không phải để vinh danh, khen thưởng mà để góp phần tích cực củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, được nhân dân và xã hội thừa nhận, được người đứng đầu Chính phủ đánh giá, ghi nhận và là bài học giản dị nhưng sâu sắc về sự nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

VŨ ĐỨC NAM, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương