Trong quá trình hội nhập và phát triển, TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương luôn chú trọng huy động mọi nguồn lực, trong đó có sự đóng góp to lớn của bà con kiều bào. Nhiều kiều bào đã và đang trở về quê hương đóng góp kiến thức, trí tuệ phát triển hệ STKN của nước nhà. Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hằng năm có khoảng từ 3.000 đến 5.000 kiều bào trở về nước sinh sống, làm việc, khởi nghiệp. Với những thuận lợi về ngôn ngữ, văn hóa và các cơ chế, chính sách ưu tiên của Nhà nước, cơ hội thành công cho các bạn trẻ và doanh nghiệp kiều bào tại Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho kiều bào về quê hương tìm hiểu cơ hội khởi nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều bạn trẻ và doanh nghiệp kiều bào khởi nghiệp ở quê hương cho biết họ gặp khá nhiều khó khăn do việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Trong khi đó, môi trường, điều kiện cho khởi nghiệp gồm hệ thống khung pháp lý, chính sách hỗ trợ vẫn còn những vướng mắc.
Hiện TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm lực để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, thành phố có khoảng 15% doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang hoạt động, 75 trường đại học và cao đẳng, hơn 270 viện và trung tâm nghiên cứu, hơn 125 phòng thí nghiệm và hiện có 1 triệu trí thức, trong đó có hơn 20.000 nhà khoa học trực tiếp tham gia vào các hoạt động khoa học. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ STKN, như: Thành lập 4 ban điều hành hệ STKN dựa trên cơ sở phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, gồm: Cơ khí chế tạo, điện tử, chế biến lương thực-thực phẩm, nhựa-cao su-hóa chất. Thực tế, hệ STKN TP Hồ Chí Minh đã hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp đã có những thành công bước đầu từ các vườn ươm khởi nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của các vườn ươm, hệ STKN tại thành phố chưa thật sự đa dạng; việc xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối chưa đáp ứng nhanh so với nhu cầu thực tiễn của các loại hình khởi nghiệp.
Nguồn lực của các doanh nhân kiều bào không chỉ là lượng kiều hối mà còn chính là kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là mạng lưới thông tin cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do đó, việc tăng cường kết nối giữa các doanh nhân kiều bào với cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ giúp xây dựng đầu mối thông tin đủ tin cậy, trao đổi và hợp tác thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư một cách hiệu quả. Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện trên toàn thế giới có 177.000 doanh nghiệp kiều bào, nhưng hiện nay hệ thống dữ liệu chỉ tổng kết ở mức 9.000 đến 10.000 và thực chất con số chính thức kết nối chỉ dừng ở mức 3.000 doanh nghiệp. Theo đó, muốn phát huy hiệu quả các nguồn lực từ kiều bào, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nhân kiều bào với các doanh nghiệp trong nước cũng như với thế hệ trẻ, sinh viên. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam rất cần thiết trong giai đoạn này.
Mới đây, tại hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng hệ STKN với chủ đề “Khởi nghiệp địa phương, vươn tầm quốc tế” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp cần thiết có sự chung tay của chính quyền, các doanh nghiệp lớn và các trường đại học để kết nối-định hướng-truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong giới trẻ với kiều bào ở các nước cùng hướng về xây dựng quê hương. Theo ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh: Hệ thống dữ liệu, các chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào là nhân tố quan trọng, giúp việc phát triển hệ STKN, doanh nghiệp thành công và thúc đẩy phát triển thành phố. Việc chính quyền cùng doanh nghiệp, giới trẻ, sinh viên trong và ngoài nước xây dựng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sẽ góp phần hình thành hệ STKN để cùng nhau “đi nhanh và đi xa hơn”.
PGS, TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban điều hành hệ STKN ngành cơ khí thành phố cũng cho rằng, để hệ STKN tại thành phố thành công và vươn xa hơn nữa, chính quyền thành phố cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng lĩnh vực, hoạt động của các ban điều hành hệ STKN. Bên cạnh đó, cần xây dựng các vườn ươm, hệ thống dữ liệu phục vụ hệ STKN, các hoạt động hỗ trợ về pháp lý, tài chính, thẩm định các ý tưởng khởi nghiệp, hoạt động kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lớn, với khách hàng để đem lại giá trị thực sự phục vụ cho xã hội.
HOÀNG NGÂN