Hiện thành phố có hơn 300.000 DN và để hoàn thành mục tiêu như nghị quyết đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp của TP Hồ Chí Minh còn phải phấn đấu, nỗ lực rất nhiều. Tuy vậy, nếu nhìn con số năm 2014, thành phố phát triển thêm 25.000 DN thì sang năm 2015 con số này tăng lên 31.300 và lên 36.300 DN trong năm 2016. Năm 2017, dự kiến số DN thành lập mới sẽ đạt khoảng 43.500. Điều này cho thấy thành phố đang có bước đi phù hợp trong xây dựng và phát triển cộng đồng DN.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đầu tư vốn của tư nhân tại địa phương chiếm 63% nền kinh tế, trong tương lai còn tăng mạnh. Hướng trọng tâm phát triển DN mới của thành phố chủ yếu ở khu vực tư nhân, được xác định là đối tượng hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN. Đây là một nguồn lực rất lớn, có tác động mạnh đến nền kinh tế và cơ cấu ngành kinh tế trong những năm tới. Thành phố đang chú ý định hướng hoạt động đối với các DN mới thành lập, đi vào các ngành nghề, lĩnh vực có giá trị cao, phù hợp với cơ cấu kinh tế theo đặc thù phát triển của thành phố; phát triển đến đâu phải chắc chắn đến đó.
Để triển khai thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X, thiết thực triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thành phố đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Thành phố vừa đề cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính, vừa rà soát, đơn giản hóa và bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi và giảm tối đa thời gian, chi phí cho DN và người dân, thực hiện thủ tục thành lập DN đăng ký tại nhà… Để khuyến khích đầu tư, ngoài những quy định của Trung ương, thành phố tiếp tục triển khai một số chính sách riêng hỗ trợ DN phát triển như: Chương trình kích cầu đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chương trình kết nối ngân hàng-DN…
Vừa qua, thành phố đã ra mắt Hệ sinh thái Hỗ trợ Phát triển DN WE ECO và ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Giải pháp liên minh Luật Việt Nam và Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh). WE ECO ra đời với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ các DN nhỏ và vừa, các startup (dự án khởi nghiệp) nói riêng và cộng đồng DN nói chung. Cục Thuế thành phố cũng vừa ra mắt chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử về hỗ trợ DN khởi nghiệp tại địa chỉ: hcmtax.gov.vn. Mục tiêu của chương trình là không để DN khởi nghiệp gặp khó khăn hay ngừng kinh doanh do thiếu thông tin về thuế.
Bằng những chương trình hết sức cụ thể, thành phố cam kết các DN mới thành lập và thành lập từ hộ kinh doanh được hỗ trợ bằng nhiều hình thức. UBND thành phố đã có Quyết định số 4181/QĐ-UBND ngày 15-8-2016 về hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Mới đây, UBND thành phố cũng vừa lên kế hoạch về DN, doanh nhân đồng hành cùng thành phố phát triển giai đoạn 2017-2022 với nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, bao gồm tăng số lượng trung bình mỗi năm 60.000 DN; tăng nộp ngân sách Nhà nước hằng năm 10% và việc làm tăng 5% mỗi năm.
Trong những lần gặp gỡ, làm việc với cộng đồng DN gần đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh luôn cam kết đồng hành cùng các DN và khẳng định: Sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của thành phố. Thành phố sẽ tăng cường cải cách hành chính, tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Quá trình thực hiện những chính sách mang tính đột phá trên đã tạo tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, bảo đảm các yếu tố thuận lợi, kích thích phong trào khởi nghiệp của thành phố tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện, thành phố đã hỗ trợ hơn 300 dự án khởi nghiệp, gần 800 nhà khởi nghiệp sáng tạo, thông qua hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo, tổ chức tập huấn cho gần 100 DN với hơn 200 lượt học viên về hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng lực, kiến thức và phương pháp tổ chức hoạt động về đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng.
Tuy nhiên, quá trình thực thi các chính sách khuyến khích tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân, thành phố cũng đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại do hệ thống chính sách pháp luật chậm được hoàn thiện so với yêu cầu thực tế. Trong đó, chủ yếu là chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách lao động-tiền lương, chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học công nghệ… Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, bài toán vốn cho phát triển của thành phố đang là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể, để làm sao mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư vào những lĩnh vực và chương trình trọng điểm của thành phố. Từ thực tế, thành phố cần đẩy mạnh việc giải quyết bài toán vốn theo hướng tiếp tục kiến nghị với Trung ương có sự thay đổi, điều chỉnh, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế và các luật hiện hành.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, thành phố cần đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa. Các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ cho những hộ kinh doanh cá thể, giúp họ giải quyết những khó khăn về nguồn vốn, kỹ năng quản lý DN… tạo nền tảng chuyển lên DN. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ cộng đồng DN hoạt động hiệu quả, giảm được số DN giải thể, phá sản. Có như vậy, mục tiêu hình thành 500.000 DN của TP Hồ Chí Minh vào năm 2020 sẽ khả thi hơn.
HÙNG KHOA