Mục tiêu của chương trình là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao ở Long An. (Ảnh: ĐCSVN)

Năm 2016, Tỉnh ủy Long An ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lúa, rau màu, cây thanh long và bò thịt là bốn loại cây trồng, vật nuôi được tỉnh lựa chọn để thực hiện ứng dụng CNC vào các khâu chính, như: Giống, canh tác và sau thu hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: 20.000ha sản xuất lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười (gồm các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường); 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành, 2.000ha rau màu tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo nông nghiệp CNC.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã phối hợp với các ngành, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các giải pháp triển khai đồng bộ và quyết liệt. Các cấp đã coi trọng việc đối thoại với nhân dân về thực hiện chương trình để có cơ chế khuyến khích phù hợp, công bố vùng sản xuất ứng dụng CNC trên từng xã để người dân biết, phối hợp thực hiện, cũng như đẩy mạnh vận động người dân tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX). Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung lãnh đạo, điều hành, phối hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, giải pháp thực hiện ứng dụng CNC, trọng tâm ở các vùng dự án trọng điểm, tích cực xây dựng hoàn chỉnh các mô hình HTX điểm ứng dụng CNC. Tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung hệ thống giao thông, điện, thủy lợi đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa các khâu từ sản xuất đến vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản...

Đến nay, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An đạt thành tựu đáng khích lệ. Thành quả lớn nhất chính là thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị và phần lớn người dân, các thành viên trong THT, HTX về việc sản xuất sạch, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế. Sự liên kết “4 nhà” được phát huy tối ưu, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập của người dân tăng lên. Đến nay, trong vùng sản xuất ứng dụng CNC của tỉnh đã thành lập và củng cố được 151 THT, 43 HTX nông nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt 16 HTX điểm, có 4 HTX điểm điển hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả thực hiện chương trình nổi bật nhất là vùng trồng thanh long tại huyện Châu Thành với hơn 2.082ha (đạt 104,1% kế hoạch), vùng trồng lúa thực hiện được 15.075ha (đạt 75,38% kế hoạch), vùng trồng rau an toàn thực hiện được hơn 1.476ha (đạt 73,8% kế hoạch) và vùng chăn nuôi bò thịt với hơn 4.000 con, thực hiện 4 mô hình điểm. Các sản phẩm đều bảo đảm đạt tiêu chuẩn cao, như: VietGAP, GlobalGAP. Như vậy, so với mục tiêu đầu nhiệm kỳ, Long An hoàn toàn có thể hoàn thành tốt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vào năm 2020.

Về đầu ra sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến tháng 9-2019, tỉnh ký kết hơn 190 hợp đồng bao tiêu sản phẩm, xây dựng 14 điểm bán thực phẩm an toàn tại các địa phương. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỉnh xây dựng thêm 13 điểm bán thực phẩm an toàn. Hiện tại, tỉnh đang phối hợp TP Hồ Chí Minh giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.

Bên cạnh các con số về mặt định lượng, hiệu quả lớn của chương trình còn thể hiện ở việc triển khai, ứng dụng và hình thành các phương thức canh tác hiện đại, tiên tiến cho người sản xuất, tạo nền tảng cho ngành nông nghiệp tỉnh. Chẳng hạn, ở vùng trồng lúa, đó là ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải, 6 giảm”, ứng dụng tia laser để san bằng mặt ruộng, sử dụng giống chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như dùng máy cấy lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Ở vùng trồng thanh long là ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành, tưới nước, ứng dụng đèn compact ánh sáng đỏ xử lý thanh long ra hoa trái vụ…

Dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng tỉnh Long An thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đó là một số mô hình trình diễn sản xuất ứng dụng CNC đạt hiệu quả nhưng khi nhân rộng gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân còn cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, một số THT, HTX nông nghiệp còn yếu về năng lực quản lý, khoa học kỹ thuật, tài chính, nhiều sản phẩm CNC chưa xây dựng được nhãn hiệu. Cùng với đó, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đối với một số mô hình còn xảy ra tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết, một số khu vực quy mô sản xuất chủ yếu vẫn là hộ gia đình, đất đai phân tán...

Theo đồng chí Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An: Việc thực hiện ứng dụng CNC góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh xác định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với các loại nông sản hữu cơ, liên kết giữa các khâu sản xuất, hình thành chuỗi nâng cao giá trị nông sản, chú trọng gắn kết giữa sản xuất với thị trường. Tỉnh tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô, điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng.

HỒNG GIANG