Hệ thống chính trị vững mạnh, cán bộ, đảng viên gương mẫu
Gặp chúng tôi trong hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị do Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức, ông Đinh Tuy, Bí thư Chi bộ thôn Plei Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) hồ hởi nói: “Lâu rồi không thấy các anh xuống chơi, Plei Pông bây giờ đổi thay nhiều lắm”. Câu nói của Đinh Tuy làm tôi nhớ lại thời điểm huyện Phú Thiện triển khai di dời, sắp xếp, bố trí lại dân cư để xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu ở Plei Pông. Ngày đó, CBĐV từ tỉnh đến thôn phải bám lấy từng nhà dân tuyên truyền, vận động. Để người Ba Na từ bỏ những thói quen sinh hoạt, tập tục lâu đời không dễ, đặc biệt đưa những hộ dân sống trên núi cao xuống định cư dưới làng. Nhưng Plei Pông làm được, huyện Phú Thiện làm được vì như lời bí thư chi bộ Đinh Tuy nói: “CBĐV gương mẫu đi đầu thì nhân dân sẽ làm theo thôi. Plei Pông là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước”. Ông Đinh Tuy cũng khoe với chúng tôi, Plei Pông đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con đang đổi thay từng ngày, nên ai cũng vui mừng, phấn khởi.
 |
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhận nuôi dưỡng các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Không chỉ ở Chi bộ thôn Plei Pông mà trong toàn Đảng bộ tỉnh Gia Lai những việc khó, cần sự tiên phong thì CBĐV luôn đi đầu. Đó là kết quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bắt đầu từ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, xác định 4 nội dung đột phá cả nhiệm kỳ và các nội dung đột phá từng năm; có lộ trình, bước đi và biện pháp cụ thể. Trong đó, trọng tâm là đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở theo hướng gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe nhân dân; quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết dứt điểm các vụ việc còn vướng mắc; phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng hệ thống chính trị…
Đặc biệt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo đưa vào sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ; mọi CBĐV xây dựng và công khai kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện để chi bộ và nhân dân giám sát thực hiện. Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định: “Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã làm chuyển biến rõ nét chất lượng sinh hoạt Đảng, trách nhiệm của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và ý thức làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Là nguồn lực tinh thần to lớn để tỉnh hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị”.
Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Gia Lai có 34 dân tộc anh em sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS cao. Cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh Gia Lai là 16,95% thì tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm đến 83,65%, nên giảm nghèo trong đồng bào DTTS là một ưu tiên của tỉnh Gia Lai khi triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mọi nguồn lực xã hội được huy động để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng DTTS. Những mô hình, cách làm tạo sinh kế cho đồng bào phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. Tiêu biểu như mô hình: “cánh đồng mẫu lớn”, “cây lúa xen canh”, “vườn cây kết nghĩa”, “giảm một hộ đói, xóa một hộ nghèo”, “bò giống cho người nghèo”, “gắn kết hộ”, “cơ quan, đơn vị giúp địa phương, CBĐV giúp hộ gia đình thoát nghèo”, câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “con nuôi biên phòng”... Qua đó đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, bình quân mỗi năm giảm trên 3,1% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao và chỉ tiêu tỉnh đề ra). Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai đã có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới; TP Pleiku và thị xã An Khê được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh chỉ còn 10,04%.
 |
Tỉnh Gia Lai khen thưởng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa đến cả những nơi khó khăn nhất, như: vùng biên giới, đồng bào có đạo. Bà Nay H’Ut, Chức việc Giáo họ Plơi R’Ngôl (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Học Bác Hồ thì không kể người Kinh hay đồng bào DTTS, người có đạo hay không có đạo. Vì Bác Hồ và toàn thể dân tộc đều có mục đích chung là nước nhà độc lập, phồn vinh, nhân dân no ấm, hạnh phúc”. Từ suy nghĩ đó, Nay H’Ut đã tuyên truyền giáo dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Nhiều mô hình được bà vận động, triển khai hiệu quả ở trong giáo dân như mô hình: “Nuôi heo đất”, “mỗi hộ có một vườn rau và cây ăn trái”, phong trào “chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, xây dựng nhà cho hộ nghèo, nuôi dưỡng người tàn tật, hỗ trợ xe đạp, quần áo, sách vở cho các cháu học sinh…, trong đó Nay H’Ut là hạt nhân, tấm gương cho bà con giáo dân noi theo.
Khảo sát ở địa phương khác có trên 84% đồng bào DTTS sinh sống là xã Tơ Tung (huyện Kbang), tại đây, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 41,42% (năm 2014) xuống còn 12,86% (năm 2018). Theo bà Nông Thị Danh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tơ Tung, kết quả đó là hiệu ứng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ. Toàn xã có 66 hộ dân tự nguyện hiến 10.486m2 đất để xây dựng nông thôn mới; phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được triển khai sâu rộng; CBĐV tích cực giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo.
Bài, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN