Những năm qua, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều biện pháp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trong khu vực phòng thủ (KVPT) và đã đạt nhiều kết quả. Nhận thức của các cấp ủy đảng, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các thành phần kinh tế... về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đã được nâng cao. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) có bước chuyển biến. Chủ trương đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Quy mô, mạng lưới cơ sở GD-ĐT tiếp tục được mở rộng. Hệ thống GD-ĐT các cấp từ cơ sở đến đại học, dạy nghề được tổ chức lại một bước. Chất lượng GD-ĐT nguồn nhân lực có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị GD-ĐT được cải thiện và từng bước được hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: baonghean.vn |
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, nhất là giáo dục đại học, đào tạo nghề. Hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu. Công tác quản lý GD-ĐT còn có mặt yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Đầu tư cho GD-ĐT chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho GD-ĐT chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới; sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực quốc phòng. Do đó, để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng KVPT vững chắc, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng của GD-ĐT; coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển GD-ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Phải làm cho mọi người nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của việc đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức và chất lượng nhân lực thành lợi thế cạnh tranh trên phương diện toàn cầu. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhà trường, doanh nghiệp, gia đình và từng cá nhân. Đây cũng là sự thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD-ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đổi mới đồng bộ cả về chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra; xây dựng đội ngũ giáo viên… Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý GD-ĐT theo tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD-ĐT. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phát triển GD-ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN), với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực.
Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực một cách khoa học, dân chủ, công khai, từ tuyển chọn, bố trí, đánh giá đến chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài. Trong công tác quy hoạch, cần làm tốt công tác dự báo chiến lược về nhu cầu nguồn nhân lực, để có sự đầu tư đúng mức, hợp lý cho từng loại hình cơ sở vật chất nhằm phát triển nguồn nhân lực một cách hợp lý và mang lại hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ cần được tiến hành đồng thời với việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ; tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
Coi trọng việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng KHCN. Đây là hai trụ cột, đồng thời là động lực mới cho sự phát triển đất nước. Cùng với GD-ĐT, KHCN cũng phải thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Tổ chức lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học, đổi mới cơ chế đầu tư, cơ chế quản lý hoạt động KHCN; coi trọng nguồn nhân lực KHCN-nhân tố quyết định đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
Đối với lực lượng vũ trang (LLVT), cần tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT nói chung và trong KVPT nói riêng. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện, đào tạo; giáo dục, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định cho mọi cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm cho LLVT tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tổ chức huấn luyện cho các lực lượng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị trong biên chế; nâng cao khả năng hiệp đồng, phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng theo các phương án, kế hoạch tác chiến trong KVPT; sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đánh thắng kẻ thù xâm lược trong chiến tranh thông thường và chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao nếu xảy ra.
Đại tá VŨ HỒNG KHANH