Duy trì thực thi pháp luật trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bộ tư lệnh (BTL) Vùng CSB 4 được giao quản lý vùng biển Tây Nam rộng hơn 150.000km2 với nhiều đảo, quần đảo gần và xa bờ, tiếp giáp với nhiều nước liên quan, còn tồn tại nhiều khu vực chồng lấn, chưa phân định rõ ràng. Nhận thức pháp luật của nhân dân làm ăn trên biển còn hạn chế, trong khi đơn vị đóng quân nơi đảo xa, phương tiện tàu thuyền, quân số còn thiếu so với biên chế, nên việc quản lý, thực thi pháp luật trên biển gặp không ít khó khăn.
Nhận thức rõ nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII và Chiến lược biển Việt Nam, Đảng ủy, BTL Vùng CSB 4 đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 không những góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc trên biển, mà còn tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế các địa phương ven biển phát triển, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam; đồng thời triển khai đề án xây dựng lực lượng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; coi trọng việc hoàn thiện tổ chức, phát triển lực lượng, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và đồng bộ cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, BTL Vùng CSB 4 đã xây dựng, triển khai đề án, bảo đảm quân số tinh gọn, hợp lý, có chất lượng cao, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ được Đảng ủy, BTL CSB Việt Nam quan tâm thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng trong tình hình mới. Bên cạnh yếu tố nhân lực, cơ sở hạ tầng, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cũng được trên quan tâm đầu tư mua sắm, phục vụ tốt yêu cầu tuần tra kiểm soát (TTKS), tác chiến, xử lý những tình huống đột xuất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khác để bảo vệ chủ quyền biển đảo và nhiệm vụ trấn áp các loại tội phạm trên biển. Đây là cơ sở vững chắc để BTL Vùng CSB 4 triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và pháp luật, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Cùng với xây dựng nhân lực và trang bị, BTL Vùng CSB 4 thường xuyên làm tốt công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức chính trị và ý chí quyết tâm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức huấn luyện, tập huấn các văn bản mới liên quan, nghiệp vụ, chiến thuật CSB có chất lượng, để mỗi cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) giỏi chuyên ngành, nắm chắc pháp luật, nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ TTKS trên biển hiệu quả, an toàn; tổ chức trinh sát nắm tình hình, xây dựng cơ sở có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch TTKS sát, đúng với tình hình vùng biển, tập trung vào khu vực chồng lấn, giáp ranh, khu vực có diễn biến phức tạp về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. BTL vùng đã ký kết và tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với các cơ quan đơn vị trên địa bàn quản lý, chủ động phối hợp với các lực lượng hải quân, biên phòng, công an, kiểm ngư... trao đổi thông tin, theo dõi nắm chắc tình hình mặt biển, các hoạt động xâm phạm chủ quyền, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn trên biển, nhất là các vùng biển trọng điểm. Chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương, đối sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển, đảo, về tổ chức lực lượng, chức năng nhiệm vụ lực lượng CSB Việt Nam, hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CSB cho nhân dân cả nước nói chung và cho ngư dân, các lực lượng hoạt động trên vùng biển do đơn vị quản lý nói riêng. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, nhằm xây dựng lòng tin, tình hữu nghị hiểu biết lẫn nhau, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho CB, CS, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và các lợi ích quốc gia trên vùng biển Tây Nam.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường, song xu hướng hòa bình, phát triển và hội nhập vẫn là chủ đạo. Đất nước đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với những thách thức, nguy cơ. Tình hình biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Vùng biển Tây Nam cơ bản ổn định, song các hoạt động xâm phạm chủ quyền, đánh bắt trái phép và buôn lậu, gian lận thương mại khả năng vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, với việc dự án Luật CSB sắp được Quốc hội thông qua, thẩm quyền trong hoạt động tố tụng được mở rộng, tổ chức biên chế của lực lượng ngày càng hoàn thiện; nhiệm vụ của lực lượng CSB nói chung và BTL Vùng CSB 4 nói riêng ngày càng nặng nề, yêu cầu ngày càng cao.
Để hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển trong tình hình mới, BTL Vùng CSB 4 xác định cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đảng ủy, BTL vùng tiếp tục tập trung tổ chức quán triệt tốt các nghị quyết của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, bám sát tình hình nhiệm vụ của đơn vị, cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện chặt chẽ. Tập trung vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm là: Nâng cao khả năng SSCĐ, huấn luyện chiến đấu, thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát duy trì thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững ANTT, an toàn xã hội trên vùng biển, đảo, thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho CB, CS hiểu và nắm chắc các quy định của pháp luật có liên quan đến lực lượng CSB, gắn chặt giáo dục nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm, lòng yêu nghề, tình yêu biển đảo với thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chính trị nội bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì “vừa hồng, vừa chuyên”, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
BTL vùng tổ chức và phối hợp tốt với các đơn vị bạn, các cơ quan thông tấn, báo chí và chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vào lực lượng ngư dân và những người làm ăn trên biển về lực lượng CSB, về chủ quyền, quyền chủ quyền Việt Nam trên biển, pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước có liên quan trong vùng vịnh Thái Lan; quy chế pháp lý và phạm vi các vùng biển Việt Nam; các hoạt động được khuyến khích cũng như các hành vi bị nghiêm cấm. Từ đó nâng cao nhận thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền vùng biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển; có ý thức khai thác bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.
Vùng CSB 4 chủ động nắm chắc tình hình trên các vùng biển, đảo, tham mưu đề xuất cho cấp trên hiệu quả; xử lý nhanh, nhạy bén, chính xác và kịp thời mọi tình huống diễn ra trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Tăng cường hiệu quả các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên vùng biển được phân công phụ trách. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biển, bảo đảm đúng pháp luật của Nhà nước ta và luật pháp quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế,nhất là trong hoạt động chia sẻ thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm; thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các tổ chức có liên quan, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực vùng vịnh Thái Lan. Chú trọng hợp tác chặt chẽ với các lực lượng quản lý biển của các nước trong hoạt động tuần tra chung, góp phần tăng cường đoàn kết, tình hữu nghị, hiểu biết giữa các quốc gia, giữa lực lượng CSB Việt Nam và các lực lượng hữu quan của bạn, nhằm duy trì khu vực biển hòa bình, ổn định, ANTT, an toàn.
Thiếu tướng LÊ VĂN MINH, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4