Đồng Tháp có nhiều tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp bởi đồng đất rộng, phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt thuận tiện, người dân lại cần cù chịu khó, nhiều kinh nghiệm, đôn hậu, nghĩa tình. Dựa trên những tiềm năng, lợi thế vốn có, tỉnh Đồng Tháp xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới.
Tuy nhiên, thời gian qua, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển vì cơ bản vẫn là tỉnh thuần nông, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, trong khi thời tiết, khí hậu có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường. Cùng với đó, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của bà con nông dân là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh và thiếu tính bền vững trong phát triển nông nghiệp, dẫn đến “những câu chuyện buồn”, “lời nguyền” trong nông nghiệp ở tỉnh nhà như: “Chi phí cao, thu nhập thấp”, “được mùa, mất giá”, “giải cứu nông sản”...
Để bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tươi mới, thoát khỏi những “lời nguyền” trên, tỉnh Đồng Tháp xác định chỉ có con đường xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng tinh thần nông dân: “Chăm chỉ-tự lực-hợp tác”, xác định vai trò chủ thể của nông dân trong các lĩnh vực đời sống. Xây dựng nông thôn mới thành công là tiền đề để tái cơ cấu nông nghiệp và ngược lại, tái cơ cấu nông nghiệp thành công sẽ tạo tiềm lực cho nông thôn và nông dân phát triển bền vững. Nông thôn mới không chỉ được xây dựng bằng các vật liệu như: Xi măng, gạch, đá, sắt, thép mà quan trọng hơn là bằng tinh thần, ý chí, sự gắn kết trong người nông dân. Về tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa trên phương châm: “Hợp tác-liên kết-thị trường”, trong đó, tập trung xây dựng và phát huy tinh thần hợp tác trong nông dân.
Để làm được điều đó, Đồng Tháp phân công bí thư các cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của nông dân bằng việc gắn kết họ lại với nhau thông qua mô hình hội quán. Đây là không gian để nông dân, doanh nghiệp và các chuyên gia cùng ngồi lại với nhau nhằm chia sẻ thông tin thị trường, tiếp cận với các thiết bị thông minh và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Đến nay, Đồng Tháp đã có 68 hội quán ra đời và 14 hợp tác xã được thành lập trên nền các hội quán đó. Hội quán cũng là hình thức khuyến khích người dân cùng tham gia quản trị xóm làng, giảm đi sự trông chờ, ỷ lại vào cấp ủy, chính quyền, với phương châm “3 cùng”: Cùng nhau xây dựng-cùng nhau quản trị-cùng nhau thụ hưởng.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã thông qua “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, chú trọng chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh phát động phong trào đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất, thực hiện tốt vấn đề “tam nông”. Chính từ phong trào đó đã xuất hiện nhiều sáng kiến mới để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trong việc tập trung khơi nguồn trí tuệ, tổ chức sản xuất kinh doanh và hài hòa đời sống xã hội.
Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trong đó có chủ trương hết sức cụ thể về việc phát triển công nghiệp, thương mại để hỗ trợ cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp, kêu gọi các doanh nghiệp cùng vào cuộc, tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại gắn với phát triển nông nghiệp. Cùng với đó chú trọng xây dựng mối liên kết phát triển giữa doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cho các doanh nghiệp hỗ trợ, hướng tới nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Công nghiệp và thương mại phát triển với định hướng hỗ trợ cho nông nghiệp đã giúp cho tiêu thụ nông sản thuận lợi trên thị trường, chất lượng, giá cả tăng lên, nhất là thị trường xuất khẩu, làm tăng giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp; góp phần đổi mới mô hình và phương thức sản xuất đối với nhiều hợp tác xã và hội nông dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình của tỉnh đã đạt trên 118 triệu đồng/ha, tăng 49 triệu đồng/ha so với năm 2008. Tổng sản phẩm GRDP (tổng sản phẩm tính trên phạm vi một tỉnh) ước đạt 48.257 tỷ đồng, tăng thêm 3.123 tỷ đồng so với năm 2017. GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 39,8 triệu đồng. Có thể nói, đó là những điểm sáng hết sức ấn tượng ở Đồng Tháp hiện nay.
Để tiếp tục đưa các nghị quyết của Đảng nói chung và các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng vào cuộc sống, thời gian tới Đồng Tháp sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện cho cán bộ cấp cơ sở, như bí thư chi bộ kiêm trưởng ban nhân dân khóm, ấp. Những đồng chí trong nhóm đối tượng này phải thật sự trở thành thủ lĩnh của bà con nông dân, dẫn dắt nông dân đến với các nghị quyết của Đảng, sáng tạo, hiện thực hóa các nghị quyết trong xóm làng, ruộng vườn và bà con nông dân của mình.
LÊ MINH HOAN (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)